“Sinh viên Quy Nhơn Town” trên đất Sài Gòn
9:40', 5/5/ 2007 (GMT+7)

Trước đây, người ta hay nói đến Cam Town (quận Cam) tại bang California của Hoa Kỳ, nơi có rất nhiều người Việt đang sinh sống và làm ăn. Thế nhưng, có một sự liên tưởng thú vị khi tại TP. Hồ Chí Minh, vài năm qua cũng hình thành nên một “Sinh viên Quy Nhơn Town” tại quận Bình Thạnh.

 

Phố cà phê ở khu Miếu Nổi, một địa điểm “sum họp” quen thuộc của sinh viên quê Quy Nhơn.

 

* Ở giá rẻ lại gần trường

So với 24 quận, huyện trong tổng thể bản đồ cấu trúc của TP. Hồ Chí Minh thì quận Bình Thạnh là nơi tập trung rất nhiều các trường ĐH, CĐ như: Chi nhánh 2 của Đại học Văn Lang, nằm trên đường Phan Văn Trị; Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Đại học Văn Hiến, Đại học dân lập Kỹ thuật công nghệ trên đường D2 Văn Thánh Bắc... Ngoài ra, quận lại rất gần các trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Quốc gia, Đại học Kinh tế, Đại học Kiến trúc, Cao đẳng Vinhempic…

Chính vì muốn ở gần các trường nên giới SV Bình Định, nhất là SV Quy Nhơn rất hay chọn các con hẻm của quận này để ở trọ. Là sinh viên học tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, 4 năm qua, Xuân Phong cùng nhiều bạn đồng hương thuê ở trọ trên đường Điện Biên Phủ để tiện đi học. “Đi học gần sướng lắm, khỏi phải lo kẹt xe!”-  Xuân Phong tâm sự. Được biết, Phong là một trong những sinh viên ưu tú nhất của khoa Công nghệ thông tin, là Bí thư Đoàn xuất sắc của trường.

Trường hợp của Trung, Tùng, Sinh… - cựu HS trường Quốc học Quy Nhơn - cũng như thế. Các bạn đang học tại các trường đại học: Văn Lang, Dân lập Kỹ thuật công nghệ… nên từ nhiều năm qua đã cùng thuê chung căn nhà trọ trên đường Nơ Trang Long, gần trường, để tiện việc học hành. Mỗi tháng, các bạn chỉ mất hơn 200.000đ tiền điện, nước, nhà trọ trong hơn 1 triệu đồng ba má gởi từ Quy Nhơn vào.

So với thời giá thuê nhà trọ, sinh hoạt, ăn uống… tại quận ven đô như Bình Thạnh thì còn rẻ hơn nhiều so với giá cả tại các quận 1, 3, 5, 10 nơi trung tâm thành phố. Bạn Lê Huệ Châu, SV năm 2, hiện đang thuê nhà trọ trên đường Lê Quang Định, bảo tôi: “Giá một tô phở, bún, bánh canh để ăn sáng cho tới ăn cơm trưa ngoài tiệm cũng xê dịch trong khoảng 4.000- 7.000 đồng, không quá đắt đỏ so với Quy Nhơn nên tụi em sống cũng tàm tạm”.

Tại quận ven sắp lên trung tâm theo đề án mở rộng của thành phố mang tên Bác, chỉ cần 500.000- 600.000 đồng cho một căn nhà trọ một tháng, thêm điện nước 200.000 đồng là 3-4 bạn sinh viên có thể ở “tẹt ga”. Đó cũng là lý do nhiều sinh viên Quy Nhơn chọn quận Bình Thạnh để làm “sinh viên Quy Nhơn town” trên đất Sài Gòn!

* Ra ngõ gặp... xứ mình

Trong 5 năm xa nhà, học tập và làm việc tại Sài Gòn, tôi rất hạnh phúc mỗi khi gặp những chiếc xe biển số 77 (biển số Bình Định) chạy trên đường. Phản xạ của tôi là rịn ga lên xem mặt và phần nhiều trong số đó là người quen từng lớn lên và học hành tại thành phố biển quê tôi.

Tại quận Bình Thạnh, nếu có dịp chạy xe qua ngã tư Thanh Đa, vào thưởng thức món bún chả cá Quy Nhơn do anh chị chủ quán đồng hương làm, sẽ bắt gặp rất nhiều SV Quy Nhơn đến đây. Hải, SV báo chí, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, đang trọ tại đường Nơ Trang Long, bảo: “Muốn chắc chắn gặp đồng hương Quy Nhơn thì cứ chạy tới quán ăn này!”. Có lẽ vì quá mê món bún cá, mà tôi đã gặp rất nhiều bạn bè của mình tại Quy Nhơn cùng tới đây. Ăn xong, bạn bè tay bắt mặt mừng, cho nhau số điện thoại liên lạc, ghi cho nhau số nhà (nhiều khi nhà của bạn thuê trọ lại gần nhà mình mà chẳng gặp nhau).

Tới khu cà phê Miếu Nổi, dưới chân tòa nhà chung cư 18 tầng, nếu hỏi các bạn SV Quy Nhơn thì chắc hẳn ai cũng biết. Ngồi ở đây, mỗi sáng - tối lại bắt gặp khung cảnh mát mẻ và yên ả giống phố cà phê Phạm Hùng nơi quê nhà.

Ở “Sinh viên Quy Nhơn town”, còn có một điểm hẹn cuối tuần của sinh viên Quy Nhơn là quán cà phê trên đường D2 Văn Thánh Bắc, nơi gần 3 trường đại học.  Dũng, nhà ở đường Chu Văn An- Quy Nhơn, là SV năm cuối, bày tỏ: “Cà phê ở đây vừa ngon, vừa rẻ!”. 

Những năm tháng sinh sống ở Sài Gòn, tôi đã đặt dấu chân lên nhiều nơi từ trung tâm tới tận các quận, huyện ven đô nhưng chưa thấy nơi nào có nhiều SV Quy Nhơn học tập, làm việc lẫn sinh sống như quận Bình Thạnh. Và mỗi khi ra đường, tôi lại có thói quen ngước nhìn biển số xe, để tìm người quen. Thế nên mới có chuyện, chúng tôi gọi quận Bình Thạnh là… “Sinh viên Quy Nhơn Town”.

  • Phạm An Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xem “tuồng chân đất”  (05/05/2007)
Xu hướng sử dụng máy tính xách tay ngày càng tăng  (05/05/2007)
Thơ  (05/05/2007)
Quả đắng  (05/05/2007)
Dế cơm lên đĩa  (05/05/2007)
Núi Xương Cá  (05/05/2007)
Kẻ lang thang và vụ trộm lúc nửa đêm  (05/05/2007)
Đồ chơi trẻ em ở Nước Mặn  (05/05/2007)
Có một nền văn hóa cảng thị lâu đời trên đất Bình Định  (05/05/2007)
Trung tu, tôn tạo di tích Lăng Mai Xuân Thưởng  (05/05/2007)
Thầy nội hay thầy ngoại?  (05/05/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2007)
Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?  (31/03/2007)
Hội ngộ tháng 3  (31/03/2007)
Chọn nhầm trường: Bi kịch của nhiều bạn trẻ  (31/03/2007)