Quy Nhơn: Tầm nhìn biển
10:41', 5/5/ 2007 (GMT+7)

Từ chỗ khép kín, “chối từ” biển bằng những dãy nhà rầm, nhà lụp xụp dọc ven biển, Quy Nhơn đã hướng mặt ra biển và đang ngày càng mạnh dạn hơn trong nỗ lực “biển hóa” quy hoạch và kiến trúc đô thị. Tầm nhìn biển ấy đang mở ra hy vọng tạo lập được một thành phố biển có thương hiệu.

 

TP Quy Nhơn vươn ra biển Đông. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Hai lần điều chỉnh quy hoạch

Biển hóa quy hoạch đô thị biển bao gồm trước tiên việc định hướng lại và khẳng định sự quay mặt ra biển của đô thị. Việc cải tạo mạng lưới đường phố với những trục chính hướng ra biển. Việc cải tạo không gian phân cách biển với thành phố và nhấn mạnh các đặc trưng hình thái bờ biển trong tổng cảnh quan đô thị.

Nếu những năm trước đây, tuy nằm ngay trên bờ biển, kề sát bờ biển, nhưng đô thị Quy Nhơn lại chưa trực diện ra biển, thậm chí là quay lưng ra biển, ngoại trừ các công trình du lịch, diện mạo kiến trúc chưa thật sự thể hiện tính chất đô thị biển. Tính chất của Quy Nhơn vẫn là một trung tâm hành chính, kinh tế của tỉnh, các nhân tố khác phát huy ở mức hạn chế. Kiến trúc phố thị tầm tỉnh nhang nhác các nơi khác, miền xuôi cũng như miền ngược làm cho Quy Nhơn mang vẻ mặt tẻ nhạt. Tức là thiếu những dáng nét có tính đặc trưng.

Thời gian gần đây, Quy Nhơn mở rộng về quy mô. Trong quy hoạch điều chỉnh năm 1997 thì định hướng phát triển không gian đô thị Quy Nhơn là phía tây, tức là các trục đường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân; các phường Nhơn Bình và Nhơn Phú. Sau điều chỉnh này, Quy Nhơn đã có sự phát triển nhanh với việc hình thành Khu Công nghiệp Phú Tài và Khu Công nghiệp Long Mỹ. Đường Quy Nhơn - Sông Cầu hoàn thành kéo theo sự sôi động tại địa bàn các phường Nhơn Phú, Quang Trung… Tuy nhiên, nhìn chung diện mạo đô thị Quy Nhơn khi ấy vẫn chưa có nhiều thay đổi mà vẫn như một chiếc “áo nhiều mảnh”. Những khu phố lô nhô: nhà có balcon, nhà không. Những căn nhà tuy mới xây dựng song cũng không mang lại một cảm giác khác hơn, kiểu cách tuy đa dạng nhưng do lai tạp nhiều nên không có gì đặc thù mà tạo cảm giác rối rắm. Ngay một số khu mới quy hoạch như khu đầm Đống Đa do triệt để tận dụng đất nên hè và lòng đường hẹp, không tạo ấn tượng…

Điều chỉnh quy hoạch TP. Quy Nhơn năm 2005 đã tạo bước ngoặc phát triển đô thị, trong đó, đã xác định cụ thể các hướng phát triển của thành phố Quy Nhơn về phía Bắc và xây dựng khu đô thị mới ở bán đảo Phương Mai. Sự phát triển không gian này sẽ tạo điều kiện cho Quy Nhơn phát triển mạnh mảng công nghiệp và du lịch. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Quy Nhơn trong những năm sắp đến. Đây chính là hình thành hạt nhân đô thị biển mới mà động lực phát triển chính là công nghiệp và cảng biển, cũng là một nét mới trong động lực phát triển đô thị tương lai.

 

Tầm nhìn “biển hóa” trong quy hoạch và kiến trúc đô thị Quy Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Và việc “biển hóa” quy hoạch, kiến trúc đô thị

Khu vực nội thành thời gian qua cũng đã được chỉnh trang theo hướng mở ra biển. Việc lồng ghép hữu cơ kiến trúc đô thị vào nền cảnh thiên nhiên, xem nền cảnh thiên nhiên là xuất phát điểm, đồng thời, giải tỏa và cải tạo lại các khu đất ven biển, tạo lập diện mạo đặc trưng cho những tuyến phố chính hướng ra biển. Đây là điều ta gặp trên trục đường Nguyễn Huệ, An Dương Vương với các mảng công viên, cây xanh mở ra biển, tạo tầm nhìn thông thoáng hơn.

Với việc thực hiện dự án xây dựng đường Xuân Diệu đã tạo điều kiện kết nối các trục Lê Hồng Phong, Trần Phú, Lê Lợi, Lê Thánh Tông ra biển, từ đó, mở toang để đưa hồn biển vào thành phố, đem lại âm hưởng biển mạnh mẽ hơn vào kiến trúc đô thị Quy Nhơn. Việc xây dựng tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu và Quy Nhơn - Nhơn Hội rồi Nhơn Hội - Tam Quan tạo lập cảnh quan đa dạng với cả biển, núi, đầm, sông… đã và đang góp phần tạo dựng cảnh quan vừa đa dạng, vừa độc đáo, tràn đầy những bất ngờ thị giác cho đô thị.

Thời gian tới, khi đường Nguyễn Tất Thành được thông tuyến, Quy Nhơn sẽ có một trục xương sống chính là đường Nguyễn Tất Thành - ngã ba Đống Đa - cầu Nhơn Hội. Đây chính là trục xuyên tâm mở ra biển mạnh mẽ nhất.

Điều quan trọng hơn là bên cạnh việc thực hiện các dự án này, định hướng không gian thành phố đã được kết nối bằng các chuỗi khu nghỉ mát ven biển ở dọc tuyến đường Quy Nhơn- Sông Cầu, Hải Giang (Quy Nhơn); Cát Tiến, Cát Hải (Phù Cát). Sự chuyển mình này không chỉ có ý nghĩa với phát triển kinh tế du lịch mà còn rất quan trọng trong tạo lập nét đặc trưng đô thị.

Bên cạnh quy hoạch, các công trình kiến trúc cũng đã thể hiện tính biển hóa mạnh mẽ hơn. Diện mạo tổng thể của kiến trúc và diện mạo kiến trúc từng công trình theo tinh thần thoáng, mở ra biển và thiên nhiên. Các công trình gần biển như khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, Trường Đại học Quy Nhơn… vừa mở hướng ra biển, vừa phần nào đưa được hồn biển vào trong chi tiết kiến trúc.

Hẳn nhiên, ta không khỏi nuối tiếc về việc một dải lưu không ven biển, vốn là tài sản công cộng đã bị các khách sạn, resort án ngữ. Nếu phía bờ biển này không bị chặn lại bởi những hàng rào kín cổng, cao tường hoặc những khối nhà nặng trịch thì hẳn Quy Nhơn sẽ đẹp hơn. Và các khu đất phía trong khi ấy sẽ có giá trị ngang nhau vì đều nhìn ra biển và tận dụng cảnh quan biển. Tuyến đường ven biển khi ấy sẽ được thông suốt với tầm nhìn theo chiều dọc con đường mà không bị đứt đoạn.

Chính với tinh thần “biển hóa” mạnh mẽ như vậy, GS-TS, KTS Hoàng Đạo Kính đã đánh giá: “Quy Nhơn có thể trở thành hình mẫu (chúng tôi nhấn mạnh) trong công cuộc hiện đại hóa và phát triển chuỗi các đô thị biển ở miền Trung”.

 

Quy Nhơn từng bước tạo lập nên một thành phố biển có thương hiệu. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

* Cần có chiến lược về tài nguyên bờ biển

Chúng ta đang có chiến lược biển đến năm 2020 và cùng với chiến lược này, cần tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển. Trong đó, có chiến lược sử dụng tài nguyên bờ biển và phát triển các đô thị biển. Qua đó, vừa tạo lập không gian thân thiện với biển và môi trường; vừa phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Cần lưu ý, “kiến trúc đô thị biển thường dễ dàng trong việc tạo lập thương hiệu kiến trúc, nhưng có tạo lập được thương hiệu hay không thì còn tùy thuộc rất nhiều vào cách làm của chúng ta” (GS-TS Hoàng Đạo Kính).

Hiện nay, ở Quy Nhơn, vẫn còn bộc lộ sự lạm dụng đất đai cũng như xâm hại các giá trị cảnh quan thiên nhiên, nhất là tại dải ven biển ở nội thành Quy Nhơn và khu Ghềnh Ráng. Do vậy, với các khu đô thị mới, cũng cần chú ý giữ nguyên một phần cảnh quan và sinh thái thiên nhiên ven bờ, chứ không chỉ để đô thị ôm lấy bờ biển. Một khi bờ biển bị chia cắt thành lô, thành thửa, đô thị sẽ không gắn kết với cảnh quan sinh thái ven bờ; một khi những công trình trên tuyến ven biển chỉ là sự dàn trải đến bằng lặng mà chưa thỏa mãn là điểm, tuyến đóng vai trò chuyển biến hình thái không gian đô thị thì chúng ta vẫn chưa thành công trong việc tạo lập nét đặc trưng của đô thị biển.

Đô thị hướng biển tất yếu sẽ có cấu trúc các lớp song song với bờ biển. Mỗi công trình ở biển có sứ mạng làm cho biển đẹp hơn, trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, theo KTS Nguyễn Luận, cần ưu tiên dải gần bờ bằng những công trình có quy mô và độ cao vừa phải, tạo cảnh quan ven bờ. Tỷ lệ và chiều cao các công trình này cần ăn nhịp trong tương quan với khoảng trống của các con đường hướng biển và quảng trường ven biển.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hiệu quả và triển vọng  (05/05/2007)
Nơi bảo tồn và nhân giống gia cầm đáng tin cậy  (05/05/2007)
“Sinh viên Quy Nhơn Town” trên đất Sài Gòn  (05/05/2007)
Xem “tuồng chân đất”  (05/05/2007)
Xu hướng sử dụng máy tính xách tay ngày càng tăng  (05/05/2007)
Thơ  (05/05/2007)
Quả đắng  (05/05/2007)
Dế cơm lên đĩa  (05/05/2007)
Núi Xương Cá  (05/05/2007)
Kẻ lang thang và vụ trộm lúc nửa đêm  (05/05/2007)
Đồ chơi trẻ em ở Nước Mặn  (05/05/2007)
Có một nền văn hóa cảng thị lâu đời trên đất Bình Định  (05/05/2007)
Trung tu, tôn tạo di tích Lăng Mai Xuân Thưởng  (05/05/2007)
Thầy nội hay thầy ngoại?  (05/05/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/05/2007)