Kỷ niệm 32 năm, ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975 -- 30-4-2007)
Đường 7: 32 năm trước, bây giờ...
10:18', 5/5/ 2007 (GMT+7)

* Bút ký của Văn Công Hùng

Những ngày tháng 3, tôi làm một cuộc rong ruổi trên con đường số 7 năm xưa với một tâm trạng háo hức rất lạ. Không phải lần đầu tôi đi trên con đường này. Hơn hai chục năm ở Tây Nguyên, đã hàng trăm lần tôi xuôi ngược trên con đường ấy, cái con đường gắn với chiến thắng Mùa xuân 1975 lịch sử, con đường phẳng lỳ rợp nắng hôm nay chạy giữa mênh mông cánh đồng Ayun hạ, xuôi về đồng bằng Tuy Hòa mát rượi nước và màu xanh ngút ngàn của lúa với rất nhiều hoa quỳ miên man vàng trong cái thắc thỏm cứ sợ màu vàng kia bỗng nhiên trôi mất... và lần nào cũng vậy, cứ thấy lạ, thấy mới như thể lần đầu.

 

Trẻ em đường 7 hôm nay. Ảnh: V.C.H

 

Ba mươi hai năm trước, đây là con đường máu, con đường chưa được mở rộng và tốt như bây giờ mà chỉ là một con đường dự bị, khi tướng Phú hạ lệnh tháo chạy trên con đường này, ông đã quên hai điều là không khảo sát trước con đường và không lường trước là cứ một người lính cõng thêm khoảng vài chục thường dân. Thế là hàng trăm nghìn người, hơn hai nghìn xe hơi các loại đã nhích từng thước một dưới cái nắng nung người, trong sự hoảng loạn đến cực độ trên con đường cả hàng chục năm không có ai qua lại. Hàng nghìn người đã bỏ mạng trên đường rút chạy này, thương tâm hơn, hàng trăm đứa trẻ đã bị lạc mà ba mươi hai năm sau, rất ít người tìm lại được cha mẹ, gia đình mà Lục Thị Minh Hoa là một ví dụ.

Tôi được ông Giáp, chủ quán cà phê Kim Liên kể cho nghe câu chuyện này và đích thân ông, dù mới bị tai biến, vẫn ngồi sau xe máy đưa tôi đến tận nhà bố mẹ đẻ của Hoa là ông Lục Văn Tiên và bà Nguyễn Thị Khiêm. Năm 1975, bé Hoa mới vừa 7 tuổi. Trong cơn hoảng loạn của cả tỉnh Kon Tum và Gia Lai, cũng như mọi người khác, gia đình cô cũng gói ghém đồ đạc, bỏ chạy theo lính của quân đoàn II và quân khu II ngụy xuôi đường 7 xuống Tuy Hòa, hy vọng ở đó sẽ... yên ổn hơn, mà cũng có thể họ chả nghĩ thế, đơn giản là thấy mọi người chạy thì... chạy, thế thôi. Cả gia đình gần chục người chất nhau trên một cái xe lam 3 bánh, một loại phương tiện hạng sang thời ấy, hòa vào dòng xe, dòng người trôi qua đường 19, đến ngã ba Mỹ Thạch rẽ vào đường 7. Nửa đêm, đến địa phận Krông Pa, dưới chân đèo Tô Na thì bé Minh Hoa lạc mất. Khỏi phải nói cả gia đình đã đau đớn khổ sở đến như thế nào. Họ bỏ dở hành trình, ở lại để tìm con. Và mới biết rằng, chỉ ở khu vực Krông Pa thôi, có hàng trăm đứa trẻ, đã bị lạc, bị mất tích như thế. Lúc này là khi sư 320 của ta sau suốt một đêm chạy bộ 50 cây số, những đơn vị tiền duyên đã tiếp cận đường 7 và nổ súng chia cắt và tiêu diệt địch. Cầu Sông Ba bị sập khiến cho đội hình di tản bị dồn ứ, xe pháo, xác lính chết chồng chất, hàng chục nghìn lính ngụy bỏ xe chạy tắt vào rừng kiếm đường xuống Củng Sơn khiến tình hình càng thêm náo loạn. Tù binh bị bắt đông nghìn nghịt, bộ đội ta không đủ người để tiếp nhận và dẫn đành cứ chỉ đường cho chúng tự về phía sau. Cuộc chặn đánh đường 7 này của sư 320 quân đoàn 3 kéo dài 7 ngày đêm bằng cuộc truy kích thần tốc rất hiếm có trong lịch sử chiến tranh, quân ta đã tiêu diệt 6 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 liên đoàn công binh, 20 tiểu đoàn bảo an, cảnh sát dã chiến, bắt 8.000 tù binh, thu và phá hủy 1.400 xe các loại. Đây là trận đánh có ý nghĩa lớn về mặt nghệ thuật chiến dịch, hơn nữa nó còn là trận đánh tạo nên bước ngoặt của cả cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thúc đẩy nhanh tiến trình tan rã và suy sụp của quân ngụy trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ít nhất đã có 3 cuốn tiểu thuyết dầy dặn viết về con đường số 7 năm 1975 ấy. Trong cái cơn lốc khổng lồ ấy thì những thân phận nhỏ nhoi như của Hoa quả là không gây ra “chấn động” gì so với toàn cục, nhưng với gia đình cô thì là một nỗi đau âm ỉ, ân hận, giằng xé... suốt bao nhiêu năm. Gia đình đã bỏ ra rất nhiều công sức để vào các làng dân tộc ở huyện Krông Pa dọc theo đường số 7 để tìm con nhưng đều vô vọng. Rồi những tháng ngày khốn khó của thời bao cấp. Rồi đời sống mở cửa. Nỗi lo, ân hận về con vẫn canh cánh bên lòng. Cho đến một ngày, hai ông bà nhận được tin con. Té ra Hoa chạy lạc trong đêm và đã được một gia đình người Jrai ở xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa, Gia Lai) nhặt được và nuôi nấng. Cô bé vẫn nhớ tên mình là Hoa nhưng đã là một người Jrai thứ thiệt. Bố mẹ Hoa nhận ra con nhờ cái bớt trên má. Lúc này Hoa đã lấy chồng, một thanh niên Jrai làng bên. Lại biết bao nhiêu là nước mắt, bao nhiêu là lên xuống thăm hỏi đàm phán... bố mẹ nuôi đồng ý cho bố mẹ đẻ gặp mặt con. Nhưng ban đầu Hoa không nhận bố mẹ. Lại đằng đẵng nước mắt trôi theo thời gian, mới đây người đàn bà Jrai gốc Kinh gần bốn mươi tuổi mới đưa chồng con về thăm bố mẹ đẻ ở phường Trà Bá, thành phố Pleiku. Ông bà Tiên đã mua cho vợ chồng Hoa một căn nhà ngay bên cạnh nhà mình. Hoa đã có ba đứa con là Rlan Lục Ma Chinh, Rlan Lục Mỹ Hạnh và Rlan Lục Lai Đức. Đứa con lớn đã học đại học, đứa thứ hai học 12 và đứa thứ 3 học lớp 10. Cuộc trùng phùng này không phải là duy nhất. Còn khoảng một chục đứa trẻ ngày ấy nhận được gia đình, có gia đình ở tận thành phố Hồ Chí Minh, và còn rất nhiều người khác vẫn đang hàng ngày miệt mài tiếp tục cuộc hành trình tìm con. Vô vọng và hy vọng cứ nhoi nhói đan xen từng ngày...

 

Nhà sàn Jrai trên đường 7. Ảnh: V.C.H

 

Câu chuyện trên nó không là phổ biến, nhưng cũng không phải là cá biệt ở chỉ trên con đường 7 này thôi chứ chưa nói đến cả miền Nam này. Càng ngày hy vọng tìm kiếm những đứa con thất lạc càng tăng khi mà bây giờ các làng Tây Nguyên không còn biệt lập nữa, dân trí đã rất cao, các phương tiện thông tin đại chúng hiện diện ở từng nhà. Từ thành phố Pleiku đi xe gắn máy, vừa đi vừa ngắm cảnh cũng chỉ hơn một buổi là đến thành phố Tuy Hòa. Đi qua biết bao làng mạc nương rẫy trù phú, đi qua biết bao huyền tích và sự tích hào hùng và đau thương, trùng phùng và nước mắt, bạt ngàn rừng và những thân phận người... đi qua những cái tên lừng danh một thuở và bây giờ cũng đang là những đô thị đông vui: Chư Sê, Ayun Pa, Phú Túc, Củng Sơn, Sơn Hòa, Tuy Hòa... Có một cô bé cũng bị lạc thời ấy, đã được bố mẹ giờ rất giàu đón về thành phố Hồ Chí Minh, nhưng rồi chỉ năm bữa nửa tháng, cô nằng nặc đòi trở lại làng, nơi cô đã được cưu mang suốt mấy chục năm qua. Té ra con người có những diễn biến tâm lý rất kỳ lạ, nhiều khi không giải thích nổi. Hoa cũng vậy. Cô có một cửa hàng buôn bán ở thành phố nhưng vẫn thường xuyên trở lại Krông Pa để ở, không chỉ một vài ngày, mà nhiều khi cả tháng. Tôi cũng biết có một người Jrai bị lạc như thế, nhưng anh lại lạc vào một gia đình người Kinh, và bây giờ anh đã là cán bộ Ngân hàng nhà nước tỉnh Gia Lai, là đội trưởng đội văn nghệ, một cây ghi ta có hạng và là người sáng tác rất nhiều ca khúc. Đã có vợ có con yên ổn ở thành phố. Thế mà suốt ba chục năm qua anh vẫn đau đáu âm thầm tìm kiếm gốc rễ của mình. Và rồi anh đã tìm ra. Bố mẹ bà con anh em của anh giờ đang ở xã Ia Dơk, huyện Chư Sê, cũng trên trục con đường 7 nổi tiếng. Tên anh là Y Dương...

Cuộc chiến tranh đã qua đến 32 năm, chúng ta chuẩn bị long trọng tổ chức lễ mừng 32 năm đất nước giải phóng, nói đến đường 7 có thể bây giờ nhiều người không còn nhớ nó ở đâu, có sự kiện gì (nó đã mang tên mới là đường 25, nối thành phố Pleiku với thành phố Tuy Hòa, chạy hơi chếch so với đường 19 nối Pleiku với Quy Nhơn), thế mà vẫn còn thấp thoáng ở đó, những số phận bị quăng quật, những trái tim vẫn thổn thức ngóng trông...

  • V.C.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn: Tầm nhìn biển  (05/05/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (05/05/2007)
Nơi bảo tồn và nhân giống gia cầm đáng tin cậy  (05/05/2007)
“Sinh viên Quy Nhơn Town” trên đất Sài Gòn  (05/05/2007)
Xem “tuồng chân đất”  (05/05/2007)
Xu hướng sử dụng máy tính xách tay ngày càng tăng  (05/05/2007)
Thơ  (05/05/2007)
Quả đắng  (05/05/2007)
Dế cơm lên đĩa  (05/05/2007)
Núi Xương Cá  (05/05/2007)
Kẻ lang thang và vụ trộm lúc nửa đêm  (05/05/2007)
Đồ chơi trẻ em ở Nước Mặn  (05/05/2007)
Có một nền văn hóa cảng thị lâu đời trên đất Bình Định  (05/05/2007)
Trung tu, tôn tạo di tích Lăng Mai Xuân Thưởng  (05/05/2007)
Thầy nội hay thầy ngoại?  (05/05/2007)