Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đế quốc Mỹ xâm lược đã thua một cách nhục nhã trên chiến trường miền Nam. Thế nhưng, nhiều người, đặc biệt là các sĩ quan, binh lính Mỹ- ngụy, vẫn chưa biết Bộ chỉ huy của ta đã vạch kế hoạch, giăng bẫy trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 như thế nào ?
|
Đồng bào Tây Nguyên hợp sức cùng bộ đội kéo pháo vào trận địa trong những ngày mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975. Ảnh: T.L
|
* Từ kế hoạch 172/TG1
Tháng 4-1973, một tổ chức mang tên “Tổ trung tâm” được thành lập gồm các đồng chí: Vũ Lăng - Cục trưởng Cục Tác chiến; Võ Quang Hồ, Lê Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, do Đại tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - trực tiếp chỉ đạo. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ đạo “Tổ trung tâm” chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam: “... Ta cần nghiên cứu cách đánh thắng thế nào, phải thắng nhanh, thắng to để ngụy không kịp trở tay, các nước có ý đồ không kịp can thiệp. Muốn vậy, phải chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa dứt điểm trong vòng 1-2 tháng khi có thời cơ chiến lược”.
Ngày 5-6-1973, “Tổ trung tâm” hoàn thành bản Dự thảo “Đề cương kế hoạch chiến lược” mang số 305 TG1. Ngày 16-7-1973, bản dự thảo lần thứ hai “Đề cương nghiên cứu kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở miền Nam” được trình lên với đề nghị: “Hướng chủ yếu của đòn chủ lực: Tây Nguyên, miền đông Trị -Thiên, Quảng Đà. Chủ yếu là Tây Nguyên vì địa hình tốt, đảm bảo phát huy được binh khí kỹ thuật, kết hợp được đòn chủ lực với tiến công, nổi dậy ở đồng bằng Khu V; đảm bảo được liên tục tiến công; có điều kiện đảm bảo được cơ sở vật chất; địch hiện nay tương đối yếu...”. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã đóng góp ý kiến: “Khi đã chọn hướng Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Mê Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất...”. Qua nhiều lần thảo luận và lấy ý kiến, lãnh đạo Quân ủy Trung ương chỉ thị: Đánh vào Buôn Mê Thuột là chỗ yếu, chí tử của địch. Đánh vào đây mới thắng to. Phải làm đường nhanh vì có đường mới sử dụng được pháo lớn, xe tăng, mới đánh lớn được. Ngày 27-9-1973 Bộ Chính trị họp, Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu chủ trương, kế hoạch của Cách mạng miền Nam năm 1975 và những năm sau, nhiệm vụ của quân đội, tổ chức bộ máy Nhà nước, công tác cán bộ và một số công việc khác.
Căn cứ vào tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 26-8-1974, Bộ Tổng tham mưu bổ sung kế hoạch chiến lược, một bản Đề cương mới “Kế hoạch giành thắng lợi miền Nam” mang số 172/TG1. Ngày 18-12-1974 Bộ Chính trị họp mở rộng để thảo luận đi đến hạ quyết tâm chiến lược lần cuối cùng. Thay mặt Bộ Tổng tham mưu, đồng chí Lê Ngọc Hiền- Phó Tổng tham mưu trưởng - trình bày Dự kiến Kế hoạch hoạt động quân sự năm 1975: Căng địch ở hai đầu chiến tuyến, phía bắc giữ địch ở mặt trận Trị- Thiên và Đà Nẵng; phía nam giữ địch ở Sài Gòn. Giữ địch ở hai đầu như vậy làm cho địch bộc lộ sơ hở ở miền Trung và Tây Nguyên, tạo đột biến lớn về chiến lược. Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng được cử vào Tây Nguyên cùng với Thiếu tướng Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - và nhiều đồng chí khác, tổ chức thành một bộ phận đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ở chiến trường miền Nam, mang bí danh Đoàn A-75.
* Đến đòn chiến lược quyết định
Để chiến dịch mở màn thắng to, thắng lớn, Bộ Tổng tư lệnh đã chọn đánh đúng như phương án của kế hoạch vạch ra là mục tiêu Buôn Mê Thuột, vào đúng nơi hiểm nhưng yếu của địch. Ta tổ chức đánh nghi binh điều địch lên hướng bắc (Pleiku)... rồi bất ngờ tấn công Buôn Mê Thuột với một khí thế mạnh mẽ. Buôn Mê Thuột bị thất thủ, cả Tây Nguyên rơi vào thế bị động, ta chủ động tiến công, cả một tập đoàn quân sự Mỹ- ngụy lớn ở Tây Nguyên bị đảo lộn.
|
Ngày 12-3-1975 xe thiết giáp ta tiến vào thị xã Buôn Mê Thuột. Ảnh: T.L |
Tây Nguyên bị đập tan, quân địch ở các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung bị uy hiếp trực tiếp trước những đòn tiến công của quân và dân ta. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn chuyển sang kế hoạch chiến lược “Thời cơ”, dùng quân chủ lực đánh mạnh vào các trung tâm quân sự lớn của địch. Tại hội nghị Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất: “Tình hình đang chuyển biến rất nhanh. Mở đầu tiến công mới 10 ngày, ta đã tiêu diệt đại bộ phận quân đoàn 2 ngụy, giải phóng Tây Nguyên, đã xuất hiện hành động co cụm lớn của địch, quân ngụy suy yếu rõ rệt. Lực lượng so sánh đã thay đổi. Do ngụy suy sụp nhanh, Mỹ không dám liều lĩnh, ít khả năng can thiệp trở lại. Ta đang sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ, thay mặt Quân ủy Trung ương, tôi đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976), ngay trong năm 1975.
Quân địch ở Huế, Đà Nẵng rơi vào thế hoang mang, lo sợ, ta sử dụng một phần lực lượng ở Tây Nguyên, Quân khu V đánh ra và từ Trị - Thiên đánh vào tạo thế gọng kìm bóp nát tập đoàn quân sự Mỹ- ngụy lớn thứ hai miền Nam Việt Nam. Sau khi giải phóng Huế - Đà Nẵng, Tổng Bí thư Lê Duẩn điện ngay vào chiến trường: “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy, chúng ta cần nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng thời gian ngắn nhất trong tháng 4 năm nay, không thể chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, phải tiến công lúc địch còn hoang mang, suy sụp; tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc”.
Thắng lợi của chiến dịch Tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975 mang một ý nghĩa hết sức to lớn, gây cho địch nhiều sự bất ngờ. Bất ngờ vì chúng không phá được Hiệp định Paris, bất ngờ vì kế hoạch tác chiến của ta, bất ngờ về hướng tiến công chiến lược, bất ngờ trước sự suy yếu của chúng. Đó là một thành công điển hình của học thuyết quân sự Việt Nam, bẻ gãy ý đồ của Mỹ dùng sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao... hòng thống lĩnh Việt Nam và Đông - Nam Á. Bộ Chính trị đã chỉ đạo hành động kịp thời khi thời cơ xuất hiện, quyết định kết thúc trước mùa mưa, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng đã giành thắng lợi hoàn toàn.
|