Tiếp xúc với gió trời…
10:32', 5/5/ 2007 (GMT+7)

Quy Nhơn đang bước vào mùa hè, lại đang trong thời kỳ thiếu điện. Do vậy, việc thiết kế một ngôi nhà thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng điện, giao tiếp được nhiều với nắng gió trời là xu hướng tích cực. Nhưng những ngôi nhà ở thành phố, phần nhiều là dạng nhà phân lô, nhà ống, nên cần phải làm gì để có những kiến trúc phù hợp?

 

Những ngôi nhà ở thành phố, phần nhiều là dạng nhà phân lô, nhà ống. Ảnh: Hoàng Vân

 

* Từ quy hoạch đến vật liệu

Khí hậu miền Trung là khí hậu nhiệt đới. Do vậy, xét về nguyên tắc, kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới phải là kiến trúc nhiệt đới.

Ứng phó các tác động của khí hậu, cũng như tìm sự thích nghi đối với kiến trúc, trước hết phải bắt đầu với quy hoạch. Đối với khu công trình hay đơn lẻ từng công trình, phải bắt đầu từ đặc thù của vị trí, địa điểm cụ thể (như khí hậu, địa hình, cảnh quan, môi trường văn hóa - xã hội...) để bố trí, tổ chức mặt bằng, không gian kiến trúc, các giải pháp về vật lý kiến trúc, kỹ thuật đáp ứng và hỗ trợ, vật liệu xây dựng, thiết bị...

Kiến trúc không chỉ khắc phục hoặc tận dụng các ưu thế của khí hậu nhiệt đới mà còn phải khai thác hoặc khắc phục các yếu tố nhân tố về thiên nhiên nhằm tạo nên một môi trường sống bền vững. Những kinh nghiệm về trồng cây xanh, thông gió, che nắng, cách nhiệt; chú trọng tới khía cạnh nóng ẩm khi chọn hướng nhà… là những biện pháp đơn giản nhưng hữu hiệu trong khía cạnh này.

Trong thiết kế, cần chú trọng tới khía cạnh nóng ẩm. Những biện pháp thông gió tự nhiên, bố cục nhà thoáng hở là những kinh nghiệm không thay thế được.

Một yếu tố quan trọng nữa là vật liệu. TS Nguyễn Minh Ngọc và KS Nguyễn Hữu Nhân (Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), đã đưa ra một số định hướng và giải pháp trong lựa chọn vật liệu hoàn thiện và trang trí kiến trúc phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Chẳng hạn, mái nhà là nơi chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường như: bức xạ mặt trời, mưa, gió... Để chống mưa dột ta có thể lợp ngói từ đất sét, tôn màu (đồng màu), tấm Phibro (loại này chứa nhiều chất phóng xạ, không nên dùng), tấm nhựa đường. Nhưng với điều kiện khí hậu nhiệt đới và phù hợp với phong cách kiến trúc hiện đại thì việc sử dụng ngói lợp từ xi măng màu và cát trắng (có độ dày hợp lý, cường độ cao, không ròn, ít bị cong vênh, ít thu nhận năng lượng bức xạ, có thể tạo màu sắc đa dạng...) là hợp lý. Tường ngoài cho các công trình nên sử dụng đá nhân tạo với màu sắc đẹp ấn tượng, chất lượng không kém đá thiên nhiên thay vì dùng đá cẩm thạch. Trước khi sơn dầu hay sơn nước, nên quét nước dung dịch nền gruntovka nhằm tăng độ bám dính của màng sơn với lớp trát tít của mảng tường và giảm độ bong cho các màng khi lớp màng sơn bị ẩm. Để tăng độ hút ẩm trong không khí, nên dùng loại sơn nước trên cơ sở keo từ polimer tổng hợp. Để giảm bề mặt tường xây trát cho công trình, giảm bề mặt hay bị mốc, cũng như tăng tính hiện đại cho công trình, có thể sử dụng kính, kính màu, kính chống các tia mặt trời với khung kim loại màu kết hợp với các vật liệu xây nhẹ như bê tông bọt, panel bọt nhựa.

* Và một số giải pháp bố trí không gian cụ thể

Nhiều ngôi nhà phố hiện nay dùng kính bít bùng. Mặc dù có trổ giếng trời giữa nhà, nhưng ngôi nhà vẫn bí, nóng và không thoáng khí. Trường hợp này, KTS có thể dùng thêm loại cửa khác như lá sách để không khí đối lưu. Cửa nên làm hai lớp, lớp ngoài là bông sắt để lấy gió lùa vào; lớp trong là cửa kính, khi cần thì đóng kín chống bụi. Tuy nhiên, khi đó, thì không lấy được gió lùa làm thoáng căn nhà. Do vậy, cần chừa khoảng thông tầng để nhà càng thoáng mát; tức là trổ thêm một họng hút gió nữa, đặt ở cuối nhà ống để đưa gió vào từ phía sau, luồng lên giếng trời giữa nhà. Việc đối lưu không khí khi đó sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời, hướng các không gian chức năng về đó. Từ đó, các khu vực sinh hoạt đều hưởng được thoáng mát, đối lưu không khí tốt và ánh sáng tự nhiên tràn ngập; ngay cả phòng ngủ cũng không cần máy lạnh.

Một giải pháp thường được sử dụng là làm cầu thang ở khoảng giữa nhà cũng là giếng trời để lấy sáng và thoát khí. Hợp lý nhất là đặt buồng thang ở khoảng giữa để làm họng hút khí và lấy sáng. Tuy nhiên, một giải pháp khác là thiết kế nhà lệch tầng. Điều này sẽ hiệu quả hơn trong việc thông thoáng và tràn ánh sáng tự nhiên vào nhà. Với nhà lệch tầng, các không gian trước và sau căn nhà khác cao độ sàn sẽ sáng, thoáng hơn; cũng như sẽ tạo được tầm nhìn, quan sát rộng.

  • K.N (tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Yếu tố bất ngờ trong kế hoạch tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975  (05/05/2007)
Đường 7: 32 năm trước, bây giờ...  (05/05/2007)
Quy Nhơn: Tầm nhìn biển  (05/05/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (05/05/2007)
Nơi bảo tồn và nhân giống gia cầm đáng tin cậy  (05/05/2007)
“Sinh viên Quy Nhơn Town” trên đất Sài Gòn  (05/05/2007)
Xem “tuồng chân đất”  (05/05/2007)
Xu hướng sử dụng máy tính xách tay ngày càng tăng  (05/05/2007)
Thơ  (05/05/2007)
Quả đắng  (05/05/2007)
Dế cơm lên đĩa  (05/05/2007)
Núi Xương Cá  (05/05/2007)
Kẻ lang thang và vụ trộm lúc nửa đêm  (05/05/2007)
Đồ chơi trẻ em ở Nước Mặn  (05/05/2007)
Có một nền văn hóa cảng thị lâu đời trên đất Bình Định  (05/05/2007)