Trung du chuyển mình
10:51', 5/5/ 2007 (GMT+7)

* Ghi chép của Ngọc Thái

… Nhớ một ngày vào đầu năm 2000, lần đầu tiên đến Hoài Ân, tôi không khỏi ngán ngẩm bởi những đoạn đường nắng bụi mưa sình, những đèo dốc cheo leo với những khúc cua quanh co, khúc khuỷu. Trở lại Hoài Ân lần này, tôi như trút bỏ gánh nặng khi chứng kiến sự đổi thay của một vùng đất, đó là sự “lột xác” như lời của người dân nơi đây vẫn thường nói - “đổi đời”.

 

Một góc thị trấn Tăng Bạt Hổ hôm nay. Ảnh: N.T

 

1. Hoài Ân lâu nay luôn được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng kinh tế, với đất đai rộng lớn, màu mỡ và lao động dồi dào. Tuy nhiên, lâu nay nơi đây chưa phát triển vươn lên mạnh mẽ được là vì cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, trình độ khoa học kỹ thuật của người dân còn lạc hậu. Đến năm 1995, lưới điện quốc gia vẫn chưa về đến Hoài Ân, toàn huyện chỉ có 4 máy phát điện diezen, với tổng công suất trên dưới 500 KVA, chủ yếu phục vụ cho các cơ quan và người dân ở khu vực trung tâm huyện. Không chỉ thiếu điện, mạng lưới giao thông ở Hoài Ân cũng còn khá nhiều yếu kém. Mãi đến năm 2000, mạng lưới giao thông ở đây cũng chủ yếu là đường đất, đường chưa vào cấp. Đã vậy, do địa hình trung du, nhiều đồi dốc, đường sá chịu tác động bởi mưa lũ nên chất lượng đường xấu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, đời sống của người dân. Vào những tháng mùa mưa, hầu như mọi sự giao lưu ở đây đều bị đình trệ do đường sá lầy lội, các địa phương trong huyện và giữa huyện với bên ngoài bị chia cắt với nhau...

2. Xác định hạ tầng là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhiều năm qua Hoài Ân đã quan tâm cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cuối năm 1995, Hoài Ân mới có trạm biến áp đầu tiên tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, chính thức hòa lưới điện quốc gia. Từ đây, trung bình mỗi năm huyện đã đầu tư gần 2 tỉ đồng cho việc nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện, nhiều trạm biến áp, nhiều đường dây trung thế và hạ thế được xây dựng ở khắp các vùng quê. Ngay cả các buôn làng xa xôi hẻo lánh, các xã trung du, miền núi như Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Đăk Mang, Bok Tới… vào năm 1998 cũng đã hòa lưới điện quốc gia. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín 100% số thôn, làng trên địa bàn huyện, với 98% số hộ dân sử dụng điện.

Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm huyện Hoài Ân huy động trên 10 tỉ đồng cho việc duy tu, nâng cấp, làm mới nhiều tuyến đường. Trong đó, ưu tiên nâng cấp, làm mới những tuyến đường tới các xã vùng cao, những tuyến đường giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 354 km đường giao thông, bao gồm: 23,4 km đường tỉnh lộ; gần 25 km đường liên huyện; 82,41 km đường liên xã; gần 200 km đường liên thôn, liên xóm và trên 25 km đường nội thị. Trong đó, có trên 14 km đường bê tông nhựa, 204 km đường bê tông xi măng.

3. Có điện, có đường, Hoài Ân đã có điều kiện phát triển toàn diện, khắc phục cái đói vật chất lẫn tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào ở các xã miền núi, vùng cao. Có điện, nhiều địa phương có diện tích lúa chân cao thiếu nước đã đầu tư xây dựng trạm bơm điện để chủ động việc tưới, tiêu. Nhiều hộ gia đình đầu tư mua sắm mô tơ phục vụ nước tưới cho những khu vườn cây công nghiệp, cây ăn quả rộng lớn. Chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Tịnh, một nông dân ở xã Ân Tường Tây, người đã đưa vùng đất khó khăn nhưng giàu tiềm năng này phát triển vươn lên. Tôi thực sự choáng ngợp trước màu xanh tươi tốt trong vườn cây ăn trái của ông. Từng chùm cam, chanh trĩu cành, vỏ bóng loáng; những cây ổi, chuối, xoài, chôm chôm… như toát lên một sức sống tràn trề. Không riêng gì ông Tịnh, hiện nay ở Hoài Ân đã có hơn 200 khu vườn tạp không hiệu quả được cải tạo thành vườn cây ăn quả, với tổng diện tích 639 ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 99 trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, thu nhập bình quân một trang trại đạt trên 50 triệu đồng/năm… Người Hoài Ân bây giờ luôn tự hào rằng, quê mình có thể ví như “mâm ngũ quả” của tỉnh, bởi nơi đây có đầy đủ các loại trái cây từ đu đủ, xoài, sapôchê, cam sành… cho đến các loại cây trái mà ngày trước chỉ có ở miền đất Nam Bộ như chôm chôm, nhãn…

 

Phần lớn đường nông thôn ở Hoài Ân đã được bê tông hóa. Trong ảnh: Một đoạn đường bê tông ở xã Ân Đức. Ảnh: N.T

 

Bên cạnh thế mạnh nông nghiệp, các lĩnh vực tiểu - thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại trên địa bàn huyện cũng đã có sự chuyển biến tích cực, với tốc độ tăng trưởng đạt 20%/năm. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Hoài Ân đã đạt 5,2 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2000.

4. Không dừng lại ở đó, năm 2005, huyện Hoài Ân đã tiến hành quy hoạch tổng thể mở rộng thị trấn Tăng Bạt Hổ về hướng bắc, nhằm đẩy mạnh sự phát triển của khu đô thị trung tâm và các vùng lân cận phát triển. Với định hướng là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện, thị trấn Tăng Bạt Hổ trong tương lai ngoài các cơ quan hành chính Nhà nước, trung tâm chuyên ngành cấp huyện như trường học, bệnh viện, khu liên hợp thể thao…, còn có các cụm - tiểu thủ công nghiệp tập trung, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ quy hoạch một số thị tứ, các cụm công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm, kết hợp với thị trấn Tăng Bạt Hổ thành một chuỗi đô thị làm động lực đưa kinh tế địa phương phát triển đi lên. Ngoài ra, huyện cũng đang thực hiện các giải pháp nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng về đất đai, lao động để đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững. Trên đà phát triển đó, huyện Hoài Ân đề ra mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2010 là: tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12%, bình quân thu nhập đầu người đạt 7 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%...

  • N.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp xúc với gió trời…  (05/05/2007)
Yếu tố bất ngờ trong kế hoạch tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975  (05/05/2007)
Đường 7: 32 năm trước, bây giờ...  (05/05/2007)
Quy Nhơn: Tầm nhìn biển  (05/05/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (05/05/2007)
Nơi bảo tồn và nhân giống gia cầm đáng tin cậy  (05/05/2007)
“Sinh viên Quy Nhơn Town” trên đất Sài Gòn  (05/05/2007)
Xem “tuồng chân đất”  (05/05/2007)
Xu hướng sử dụng máy tính xách tay ngày càng tăng  (05/05/2007)
Thơ  (05/05/2007)
Quả đắng  (05/05/2007)
Dế cơm lên đĩa  (05/05/2007)
Núi Xương Cá  (05/05/2007)
Kẻ lang thang và vụ trộm lúc nửa đêm  (05/05/2007)
Đồ chơi trẻ em ở Nước Mặn  (05/05/2007)