Hát Bội Bình Định - làm gì để tồn tại ?
12:12', 2/6/ 2007 (GMT+7)

LTS: Phải thừa nhận một thực tế rằng, hát Bội Bình Định đang trong cơn bĩ cực. Đây cũng là một thực trạng chung của sân khấu truyền thống cả nước. Tuy nhiên, với một mảnh đất từng được định danh là “Đất Tuồng” như Bình Định, cần làm gì để bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật quý giá này của dân tộc? Bài viết dưới đây của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, một người nhiều tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, gợi mở nhiều ý tưởng cho vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và mong nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc quanh vấn đề này.

 

Phía sau những đêm tổng duyệt thành công là nỗi lo “làm sao để hát Bội Bình Định tồn tại ?”. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Không có vở hay: đâu là nguyên nhân?

Trước hết, phải nhận thức rằng, khán giả ngày nay nói chung không xa lánh với hát Bội mà chỉ xa lánh thứ hát Bội dở mà thôi, cũng như họ đã xa lánh thứ phim dở, kịch nói dở, cải lương dở, chèo dở. Bởi nếu thực sự họ xa lánh hát Bội thì 12 đơn vị nghệ thuật “không chuyên” ở Bình Định làm sao có thể tồn tại  một cách đường hoàng như lâu nay. 

Nhưng vì sao, hiện nay, nhiều vở diễn hát Bội lại dở? Theo chúng tôi, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, hay là mặt chủ yếu của nguyên nhân, là sự khủng hoảng về đội ngũ tác gia viết kịch bản cho sân khấu hát Bội. Nói thẳng ra, lực lượng tác gia, thành viên quan trọng trong cơ cấu nghệ thuật hát Bội sắp đến hồi... tuyệt chủng.

Ắt có người hỏi vặn: hội diễn nghệ thuật các năm qua, năm nào cũng có vở mới được dàn dựng và “ẵm” không ít huy chương vàng bạc đó? Vâng, đó là sự thật, nhưng sau hội diễn, các vở vàng, bạc ấy hầu hết đều... xếp xó, vì diễn không ai xem. Đó cũng là một sự thật. Và nếu tôi không lầm, hầu hết các tác giả có tuồng tham gia Hội diễn đều là những người làm được rất nhiều nghề. Phương pháp hành nghề của quí vị thường là thế này: cứ sáng chế ra đề cương kịch bản tương đối cụ thể, có vai vế, tình tiết, cốt truyện và nhân vật, rồi muốn chuyển thành tuồng hát Bội thì bỏ vào đấy mấy vị thuốc: nam, khách, nói lối... nếu chuyển thành Cải lương thì bỏ vào đấy mấy vị thuốc: vọng cổ, tứ đại, kim tiền... Cuối cùng, cậy vào thao lược và tài “phù phép” của các đạo diễn “tài ba”, mà thành sản phẩm mang nhãn hiệu kịch chủng. Công bằng mà nói các tác giả và tác phẩm ấy có công lấp kín tình thế khủng hoảng tác gia sân khấu hát Bội hiện nay, nhưng đồng thời cũng góp phần thúc đẩy sân khấu hát Bội chóng đến ngày... tạ thế.

* Cần khắc phục thế nào?

Theo tôi, vẫn còn chưa muộn, nhất là tại đất Tuồng Bình Định, phải thừa hưởng thành tựu đào tạo khoa văn chương (tức Khoa Ngữ văn) của các trường đại học, để chọn ra những học viên tốt nghiệp loại ưu, có năng khiếu thơ, nhằm đào tạo đội ngũ tác gia cho hát Bội. Đương nhiên, phải có một chế độ đãi ngộ đặc cách có sức hấp dẫn họ yên tâm học nghề và hành nghề.

Việc đào tạo được tiến hành bằng phương pháp “giảng tập”, chừng hai năm. Nội dung của lớp giảng tập tập trung chuyên tu cho họ về môn nghệ thuật học (tức mỹ học nghệ thuật). Đồng thời, thông qua chương trình kịch tuyển, chọn trong kho tàng kịch mục truyền thống (chừng 20 vở tuồng xưa) nhằm chuyên tu cho họ về các mặt: kết cấu một vở tuồng hát Bội; cách luật của văn học tuồng hát Bội; cách luật của làn điệu hát Bội; thanh nhạc học của sân khấu hát Bội; thể tài và phong cách ở sân khấu hát Bội; quan niệm nghệ thuật kịch và phương pháp biểu hiện nghệ thuật của sân khấu hát Bội. Bên cạnh đó, trang bị thêm cho họ những tri thức về lịch sử nghệ thuật sân khấu (kịch) của xã hội loài người (tức tri thức cần thiết về lịch sử sân khấu thế giới) và học thêm môn Hán - Nôm.

Gọi là “giảng tập”, vì lớp học này sẽ không có thầy, cũng không có trò, chỉ có người hướng dẫn chuyên đề đàm luận với các giảng tập sinh mà thôi. Giảng tập sinh của lớp vừa là trò mà cũng vừa là thầy, vì họ sẽ phải vắt óc ra mà nghiên cứu, nhận thức, suy nghiệm, tranh luận tại giảng đường, nhằm làm vỡ lẽ mọi vấn đề nội tại của sân khấu hát Bội. Từ đó, giúp họ phát huy cái cũ, sáng tạo cái mới, nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của thời đại. Kết thúc khóa học, mỗi giảng tập sinh báo cáo bằng một tác phẩm tuồng hát Bội của mình.

Tôi tin rằng làm được như vậy, chừng hai năm, chúng ta sẽ hình thành một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp cho sân khấu hát Bội Bình Định phù hợp với yêu cầu nguyên lý kế thừa và phát triển.

 

Cảnh trong vở “Diễn võ đình” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Sửa đổi cơ chế quản lý nghệ thuật

Bên cạnh việc phải hình thành đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp của sân khấu hát Bội Bình Định, cần sửa ngay cơ chế quản lý nghệ thuật hiện nay cho phù hợp với tình hình thực tại của hát Bội Bình Định. Cụ thể là nên bãi bỏ tổ chức với tên gọi “Nhà hát Tuồng Đào Tấn” hiện nay. Thử hỏi, việc làm của cái gọi là “Nhà hát” hiện nay, so với các đoàn nghệ thuật ngày trước có gì khác? Chỉ thấy cái khác là chức vị “Giám đốc Nhà hát” nghe ra oai hơn “Trưởng đoàn”, còn công việc thì vẫn thế, nghĩa là chỉ khác tên gọi thang thuốc, còn các vị thuốc vẫn... y sì như thế.

Vậy nên, trên cơ sở vật chất và nghệ thuật sẵn có từ Nhà hát Tuồng Đào Tấn chúng ta nên xây dựng, phục hồi lại một nghệ hiệu đã từng lừng lẫy một thời: “Học Bộ Đình Đào Tấn”. Bên cạnh hoạt động biểu diễn như Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Học Bộ Đình Đào Tấn sẽ gánh vác thêm một nội dung mới, là trở thành trung tâm khoa học, với chức năng: bảo quản, nghiên cứu, đào tạo và biểu diễn thực nghiệm, gìn giữ đi đôi với phát huy di sản nghệ thuật hát Bội Bình Định. Đồng thời, đây cũng là bộ máy đầu não của hát Bội Bình Định, đỡ đầu cho 12 đoàn nghệ thuật hát Bội không chuyên có điểm tựa để bấu víu hành nghề, tránh sự mai một oan uổng.

Ngoài ra, Học Bộ Đình Đào Tấn còn phải hợp tác với Đại học Quy Nhơn giới thiệu nghệ thuật hát Bội một cách thường xuyên với sinh viên, bằng một chương trình có hệ thống, để đào tạo lực lượng khán giả cho kịch chủng hát Bội.

Kinh phí hoạt động của Học Bộ Đình Đào Tấn, ngoài việc trông cậy vào nguồn thu từ kinh phí tài trợ hàng năm do Nhà nước cấp như Nhà hát Tuồng Đào Tấn lâu nay, còn phải có nguồn thu từ biểu diễn nghệ thuật, bán sản phẩm nghệ thuật (băng, đĩa) ra thị trường; thu từ các hợp đồng giao lưu nghệ thuật đối nội và đối ngoại và nguồn thu từ các nhà tài trợ đóng góp vì mục đích bảo vệ văn hóa dân tộc. Muốn vậy, phải có một bộ phận chuyên trách làm kinh tế nghệ thuật cho Học Bộ Đình Đào Tấn.

  • Vũ Ngọc Liễn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bức tranh đáng buồn  (02/06/2007)
Khi võ sĩ trở thành vệ sĩ  (02/06/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/06/2007)
Trung du chuyển mình  (05/05/2007)
Tiếp xúc với gió trời…  (05/05/2007)
Yếu tố bất ngờ trong kế hoạch tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975  (05/05/2007)
Đường 7: 32 năm trước, bây giờ...  (05/05/2007)
Quy Nhơn: Tầm nhìn biển  (05/05/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (05/05/2007)
Nơi bảo tồn và nhân giống gia cầm đáng tin cậy  (05/05/2007)
“Sinh viên Quy Nhơn Town” trên đất Sài Gòn  (05/05/2007)
Xem “tuồng chân đất”  (05/05/2007)
Xu hướng sử dụng máy tính xách tay ngày càng tăng  (05/05/2007)
Thơ  (05/05/2007)
Quả đắng  (05/05/2007)