Sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại chợ Lớn Quy Nhơn vào cuối năm ngoái, trong vòng 5 tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra thêm 21 vụ cháy nữa, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Hỏa hoạn ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có những doanh nghiệp một tháng xảy ra 2 vụ cháy. Nguyên nhân các vụ hỏa hoạn phần lớn là do các chủ doanh nghiệp chưa làm tốt công tác phòng cháy - chữa cháy (PCCC) tại chỗ.
|
Công an tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác PCCC năm 2007.
|
* Chưa coi trọng việc PCCC
Hiện nay, tại Khu Công nghiệp Phú Tài có 119 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trung bình mỗi DN có khoảng 150 công nhân và cũng từng ấy thiết bị, máy móc dùng điện. Nhiều DN sản xuất các mặt hàng gỗ, giấy và nhiều sản phẩm với các nguyên liệu dễ cháy. Có quá nhiều DN chưa ý thức được tầm quan trọng trong công tác đề phòng cháy, nổ. Ở các khu công nghiệp, các thiết bị phục vụ sản xuất, hệ thống điện chưa đúng tiêu chuẩn; việc sử dụng lửa trần trong sấy gỗ và xử lý buồng phun sơn trong vệ sinh công nghiệp chưa tốt; gỗ và bụi gỗ, các loại hóa chất phục vụ sản xuất là những chất dễ cháy mà nhiệt độ bắt cháy thấp, chỉ cần một sơ ý là xảy ra cháy, nhưng nhiều chủ DN không chủ động đề phòng. Trong 5 năm qua, tại Khu Công nghiệp (KCN) Phú Tài đã xảy ra 19 vụ cháy, thiệt hại hàng chục tỉ đồng, tất cả các vụ cháy này đều có chung nguyên nhân là vi phạm các quy trình, quy định về PCCC.
Hàng năm Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh có thông báo mở các lớp huấn luyện kỹ năng PCCC tại KCN, thậm chí tại từng DN, nhưng rất ít DN tham gia, hoặc nếu có tham gia thì cũng cử một ít nhân viên đi dự chiếu lệ. Phần lớn các DN dùng chung bể chứa nước để phục vụ cho công tác PCCC và sinh hoạt, lại thiếu kiểm tra nên khi xảy ra cháy, nguồn nước không đáp ứng đủ; nhiều DN mua sắm một số thiết bị chữa cháy chỉ để đối phó với cơ quan quản lý công tác đề phòng cháy, nổ. Tại Công ty TNHH Trường Lâm, chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ xuất khẩu, trong kho luôn có hàng trăm khối gỗ và hàng ngàn thành phẩm, nhưng vẫn chưa chú trọng đúng mức việc PCCC. Công ty có bể nước 200 m3 nhưng không có máy bơm nước đủ công suất để phục vụ chữa cháy, lực lượng PCCC tiến hành kiểm tra vào tháng 9-2006, đã nhắc nhở nhưng đến nay Công ty này vẫn chưa hoàn chỉnh thiết bị PCCC. Tại Công ty Nguyên liệu Giấy Bình Định, công tác PCCC được chú trọng hơn, nhưng khi kiểm tra một số dây mềm đã bị thủng, hiệu quả chữa cháy giảm.
|
Kiểm tra thiết bị và cơ sở hạ tầng PCCC tại KCN Phú Tài.
|
Cũng cần nhắc lại vụ cháy cách đây một năm tại DNTN Duyên Hải. DN này được xem là một trong những đơn vị có ý thức trong công tác PCCC tốt nhất của KCN Phú Tài hiện nay; tuy nhiên, khi vụ cháy xảy ra đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc chữa cháy, như: lực lượng chữa cháy ban đầu quá mỏng; tin báo cho Phòng Cảnh sát PCCC chậm; bể nước của DN chứa 25m3 nước là ít so với yêu cầu là 50m3, lại mắc chung với hệ thống nước sinh hoạt; lối để xe chữa lửa vào chưa thông nên việc cấp nước không liên tục… Những bất cập này làm hạn chế hiệu quả chữa cháy, đã gây thiệt hại cho DN hàng tỉ đồng. Ngoài ra còn có hàng chục vụ cháy khác, như: cháy Xưởng sản xuất mút, xốp thuộc DNTN Nguyên Đạt; cháy Xưởng chế biến gỗ thuộc Công ty TNHH Hoàng Phát; cháy nhà kho cây xăng Ngọc Sương…; đã để lại hậu quả rất lớn, DN thất thoát tài sản, việc sản xuất kinh doanh đình trệ, tình hình an ninh trật tự của khu vực bị ảnh hưởng.
* Thực trạng và hướng khắc phục
Trước đây, trên địa bàn tỉnh, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, như: Phú Tài (mở rộng đến Long Mỹ), Nhơn Hòa, Gò Đá Trắng, Quang Trung, Nhơn Bình… chưa quan tâm đến các quy chuẩn về PCCC, các trụ nước chữa cháy bố trí rất thưa thớt. Các DN xây dựng nhà xưởng, kho tàng phụ thuộc vào khả năng tài chính của mình, nên còn thiếu quan tâm đến trang thiết bị PCCC đảm bảo tiêu chuẩn. Về phía các cơ quan có thẩm quyền, khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh của các DN, chưa chú ý đến điều kiện đảm bảo an toàn cháy, nổ.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là lực lượng PCCC tại chỗ của các DN chưa được chuẩn bị, chưa được tập huấn nghiệp vụ, thậm chí có DN chưa bố trí lực lượng này. Nhiều chủ DN chưa chú trọng đến việc tuyên truyền Luật PCCC, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC và tổ chức thực hiện các quy định về PCCC cho người lao động. Thậm chí, qua những đợt kiểm tra an toàn cháy, nổ tại một số doanh nghiệp, nhiều công nhân không biết gọi số máy nào (114) cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp! Hàng năm Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho các DN, tổ chức, cơ quan, nhưng nhiều chủ doanh nghiệp ít hợp tác. Trong khi đó, muốn chữa cháy có hiệu quả thì phải có lực lượng chữa cháy tại chỗ để kịp thời dập tắt hoặc khống chế ngọn lửa ngay từ khi phát cháy.
|
Nhà kho cây xăng Ngọc Sương sau vụ cháy.
|
Trong hoạt động PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, có phương án để chữa cháy kịp thời và có hiệu quả. Phải thực hiện “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần chiến đấu tại chỗ. Thực tiễn đã chứng minh, có 80% đến 90% số vụ chữa cháy thành công là do lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở dập tắt hoặc khống chế ngay từ đầu.
Nhìn chung hệ thống điện kinh doanh của các DN phần lớn xây dựng đã lâu, hiện nay đã xuống cấp, dây lắp đặt không phù hợp và rất nguy hiểm khi sử dụng. Nhiều DN chưa mua bảo hiểm cháy nổ, nếu xảy ra cháy thì có nguy cơ mất trắng. Nhận thức của một số chủ DN về công tác PCCC còn rất hời hợt, họ xem PCCC là việc của Nhà nước chứ không phải là bảo vệ tài sản cho chính mình, nên đã đứng ngoài cuộc. Công tác quản lý về PCCC của các DN còn yếu kém, nhất là quản lý điện và nước - nhiều DN chưa đảm bảo 2 lĩnh vực quan trọng này.
Công an tỉnh đã xây dựng dự án thành lập Đội PCCC chuyên nghiệp tại KCN Phú Tài và sau này là Khu Kinh tế Nhơn Hội. Tuy nhiên, điều cốt yếu là các chủ DN cần phải xây dựng tốt lực lượng và phương tiện PCCC tại chỗ, có làm được như vậy thì sự phối hợp trong công tác PCCC mới đạt hiệu quả cao.
|