Bài tham gia cuộc thi Bút ký - Phóng sự - Nhân vật
Cây cau An Lão thăng hoa
13:56', 2/6/ 2007 (GMT+7)

Thu hoạch cau. Ảnh: Tường Thành

Gần đây, phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh đã hơn một lần đề cập đến hiệu quả kinh tế của cây cau trên vùng đất miền núi huyện An Lão. Có thể nói, đây là loại cây xóa đói giảm nghèo được đông đảo người dân An Lão đặc biệt quan tâm kể từ khi trái cau được ào ạt xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan…

Cây cau có tự bao giờ trên đất An Lão cũng không ai biết rõ, chỉ nghe các già làng Hre kể lại rằng từ khi chập chững theo mế lên nương, già làng đã thấy các cụ ông, cụ bà bỏm bẻm nhai trầu với hạt cau tươi rói được hái sau vườn. Những dịp cưới xin, cúng lễ, buồng cau tươi với những lá trầu xanh cũng được bày biện trang trọng trên mâm cỗ. Đây là những nghi lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam mà mấy khi vắng bóng trái cau. Lúc đầu người dân An Lão trồng cây cau cũng chỉ để tạo cảnh quan, làm hàng rào quanh vườn, khi cần thì hái quả dùng cho gia đình và làm quà biếu cho bà con hàng xóm. Về sau, những người buôn gánh từ dưới xuôi lên mới bắt đầu đổi hàng hóa có giá trị thấp lấy trái cau đem về xuôi tiêu thụ. Trái cau ăn trầu đã trở thành hàng hóa từ đó nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp.

* Cây xóa đói, giảm nghèo

Trong vòng 7 năm trở lại đây, trái cau ở huyện vùng cao An Lão đã lên ngôi một cách đến bất ngờ. Hàng ngày có từ 40-50 người ở các xã An Hòa, An Tân, An Trung lũ lượt về tận bản làng, nương rẫy của đồng bào các xã vùng cao An Hưng, An Dũng, An Vinh, An Quang, An Nghĩa để mua cau trái. Trái cau được mua nguyên buồng ngay tại vườn rồi bẻ trái dồn vào bao tải vận chuyển về xuôi bằng nhiều phương tiện như gồng gánh, xe máy, xe đạp, có khi tập kết về một mối rồi vận chuyển bằng xe ôtô. Cây cau ở An Lão ra trái quanh năm, nhưng mùa thu hoạch rộ là vào những tháng cuối năm và bắt đầu của năm mới. Ở các xã An Hòa, An Tân đã hình thành nhiều lò sấy cau thủ công, có thể sơ chế vài tấn cau tươi/ngày. Trái cau ở An Lão bắt đầu lên giá, từ 500 đồng/kg đã lên 1.000 đồng rồi 2.000 đồng/kg (theo giá thị trường hiện nay tại An Lão). Ông Đinh Văn Nhe ở thôn 3, xã An Dũng cho biết: gia đình ông trồng 1.000 cây cau trên vườn đồi đã có 300 cây cho trái, thu hoạch lứa đầu tiên bán được 7 triệu đồng. Không chỉ có ông Nhe mà còn nhiều hộ trong huyện như ông Đinh Văn Tấu ở thôn 3, ông Đinh Văn Mét ở thôn 2 xã An Dũng; ông Đinh Văn Hú ở thôn 2 xã An Vinh… đều có thu nhập hàng năm 5-10 triệu đồng từ bán cau trái. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết riêng tại xã vùng cao An Vinh (100% số hộ đồng bào dân tộc Hre sinh sống) đã có 70.000 cây cau trồng trên vườn đồi, vườn rừng, bình quân mỗi hộ trồng 200 cây, hiện nay hơn 10.000 cây trong số đó đã cho quả. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm nhân dân An Vinh đã thu nhập thêm từ vườn cau hơn 300 triệu đồng. Đây là một con số không nhỏ trong thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn như An Lão.

* Cây cau trong định hướng phát triển kinh tế của An Lão

Thấy được hiệu quả kinh tế của cây cau, mới đây, Phòng Kinh tế – Hạ tầng phối hợp với Phòng Dân tộc huyện An Lão đã tổ chức hội thảo chuyên đề về phát triển trồng mới cây cau bản địa và tổ chức sơ chế mặt hàng cau trái xuất khẩu với 60 hộ có vườn đồi trồng cau và cơ sở chế biến cau xuất khẩu tham gia. Qua khảo sát thực tế, tại hội thảo ông Nguyễn Văn Lợi, phó trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện đã hạch toán được rằng: Cứ 1ha đất trống, đồi trọc sẽ trồng được 3.300 cây cau. Cây cau ăn trái có đặc điểm thân mọc thẳng đứng, tán lá nhỏ, không kén đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật trồng và chăm sóc đòi hỏi không cao. Trong điều kiện ít đầu tư chăm sóc, trung bình một cây cau ở An Lão hiện nay cho thu hoạch 15kg trái/năm, giá 1kg cau tươi hiện nay là 2.000 đồng thì 1ha cau sẽ cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hiện nay huyện An Lão đã hình thành 8 cơ sở sơ chế và sấy cau, hàng năm các cơ sở này đã xuất sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan khoảng 150 tấn cau sơ chế. Ông Châu (An Hòa), ông Dũng, ông Thành, bà Nữ, bà Hồng (An Tân), ông Trung (An Dũng), ông Minh (An Vinh – chủ các cơ sở sơ chế cau – thật thà “bật mí”: Cứ 3-4 tấn cau tươi sẽ luộc, sấy được 1 tấn cau khô, giá 1kg cau khô tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan là 12.000 đồng VN, sau khi trừ chi phí, cơ sở cũng có lãi kha khá. Nhưng điều cơ bản là hàng năm các cơ sở này đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn tại địa phương. Huyện An Lão hiện có 68ha cau, trong đó có 12ha trồng mới, tập trung ở các xã vùng cao.

 

Sấy cau. Ảnh: T.Th

 

Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ huyện An Lão đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế trong 5 năm đến là: “Đẩy mạnh phát triển nông-lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích…”. Trong đó đặc biệt quan tâm phát triển cây cau ở các xã vùng cao. Huyện đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng cau với giống cau có năng suất cao. Đặc biệt, nếu các chủ cơ sở xây dựng lò sấy cau tại các xã vùng cao sẽ được vay vốn ưu đãi. An Lão cũng đã xây dựng 2 khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp Gò Bùi và Cây Duối, ưu tiên cấp đất cho các cơ sở chế biến cau và hạt điều xuất khẩu. Thị trường cau trái ở An Lão đang thực sự sôi động với giá cả đang bắt đầu nóng lên, nhiều người đã bỏ tiền mua cả vườn cau chưa ra quả để chờ vụ thu hoạch tới…

Để giữ được mặt hàng cau ổn định lâu dài, trước mắt huyện An Lão đang quy hoạch lại những vùng đất trồng cau cho phù hợp. Vận động nhân dân thâm canh, cải tạo lại các vùng cau kém hiệu quả. Tăng cường công tác tuyển chọn giống và tổ chức gieo ươm để chủ động nguồn cây cau giống phục vụ cho diện tích trồng mới. Cây cau đang thật sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo được người dân miền núi An Lão quan tâm.

  • Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ở các doanh nghiệp  (02/06/2007)
Hát Bội Bình Định - làm gì để tồn tại ?  (02/06/2007)
Bức tranh đáng buồn  (02/06/2007)
Khi võ sĩ trở thành vệ sĩ  (02/06/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/06/2007)
Trung du chuyển mình  (05/05/2007)
Tiếp xúc với gió trời…  (05/05/2007)
Yếu tố bất ngờ trong kế hoạch tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975  (05/05/2007)
Đường 7: 32 năm trước, bây giờ...  (05/05/2007)
Quy Nhơn: Tầm nhìn biển  (05/05/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (05/05/2007)
Nơi bảo tồn và nhân giống gia cầm đáng tin cậy  (05/05/2007)
“Sinh viên Quy Nhơn Town” trên đất Sài Gòn  (05/05/2007)
Xem “tuồng chân đất”  (05/05/2007)
Xu hướng sử dụng máy tính xách tay ngày càng tăng  (05/05/2007)