Gần 12 giờ trưa, các quán cơm “bụi” nằm dọc trên các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Ngô Mây, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Lữ, Lữ Gia, Vũ Bảo, Diên Hồng, Nguyễn Văn Trỗi… (TP Quy Nhơn), nhằm phục vụ cho sinh viên đã trở nên đông nghịt người. Nhân viên các quán cơm làm việc tối đa công suất, nhưng vẫn không sao đáp ứng được “thượng đế”…
|
Một quán cơm bụi trên đường Lữ Gia (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) chủ yếu phục vụ sinh viên. Ảnh: Văn Lưu
|
* Nở rộ quán cơm “bụi”
Hiện nay chưa thể thống kê chính xác trong nội thành Quy Nhơn có bao nhiêu quán cơm “bụi”, nhưng thực tế thời gian gần đây quán cơm “bụi” mọc lên càng ngày càng nhiều. Bởi, ngoài lượng sinh viên ngoại trú của Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Quang Trung mới hình thành, còn có một lượng lớn thí sinh đang đổ xô về Quy Nhơn ôn thi đại học nên nhu cầu ăn cơm giá bình dân tăng cao. Đó là chưa kể, lượng người lao động đổ về Quy Nhơn làm việc ngày một nhiều nên hàng loạt quán cơm “bụi” cũng xuất hiện theo.
Để hút được nhiều khách, mỗi quán tung ra nhiều chiêu “cạnh tranh” khác nhau. Quán này cho canh thoải mái thì quán bên không tính tiền đĩa cơm thêm đầu tiên; có quán khuyến mãi một trái chuối hoặc ly trà đá cho người ăn. Đặc biệt, một vài quán còn cho “ký sổ” đối với sinh viên nếu lỡ bị “viêm màng túi”…
Tại các quán cơm “bụi” trên đường Ngô Mây, vào thời điểm 12 giờ trưa hàng ngày rất đông người, lớp ngồi trong, lớp ngồi ngoài vỉa hè, chen chúc nhau. Mặc xe cộ chạy ngoài đường xả bụi, khói mù mịt, các quán này vẫn tấp nập thực khách ra vô. Sinh viên đeo cặp, ôm sách ngồi xen với các bác tài xe ôm, xích lô… ăn uống ngon lành. Bình, sinh viên năm thứ 2, khoa Tin học, ĐH Quy Nhơn, nói: “Tan học trên đường về phòng trọ nên tiện thể tấp vào ăn cơm luôn”. Nói xong, Bình cúi xuống ăn vội vàng rồi móc túi 4.000 đồng trả tiền đĩa cơm, nhường chỗ cho các bạn sinh viên khác đang đứng đợi, vì không còn bàn trống.
Nhiều sinh viên trước đây tự nấu ăn, giờ đành chấp nhận ăn cơm “bụi”, vì nấu ăn trong thời buổi “vật giá leo thang” thì tốn kém hơn. Minh Lý, học viên Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, tính toán: “Nấu ăn thì ngon hơn lại bảo đảm vệ sinh, nhưng phòng em chỉ có 2 đứa nên tính ra nấu ăn với ăn cơm “bụi” thì ăn cơm “bụi” lợi hơn nhiều, lại khỏi phải mất nhiều thời gian”.
* Cơm “bụi” giá rẻ, nhưng…
Từng có thâm niên nhiều năm ăn cơm “bụi” nên hầu như các quán cơm “bụi” ở Quy Nhơn, tôi đều thử qua. Mỗi quán đều có giá bình dân khác nhau, nhưng chênh lệch không lớn. Đối với những quán nằm gần khu vực có nhiều sinh viên, công nhân và người lao động chân tay thì giá có mềm hơn so với những quán khác. Tuy nhiên, để ăn những đĩa cơm có giá rẻ thì đành phải chấp nhận cơm vừa dở lại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thanh Tùng - sinh viên năm thứ 3, khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Quy Nhơn - tâm sự: “Mỗi bữa tiêu chuẩn của em chỉ 4.000 đồng thôi. Ba mẹ ở quê viện trợ chỉ 600.000 đồng/tháng nên phải tính toán sao cho đủ tiền nhà, tiền ăn, tiền sách vở, chi tiêu vặt. Nên quán cơm nào có giá rẻ nhất thì được chọn”.
Anh Thanh, nhân viên của một cơ quan Nhà nước, cho hay: “Lúc mới chuyển từ trên An Nhơn xuống Quy Nhơn làm việc, tôi thường xuyên ăn ở các quán cơm sang trọng hơn dành cho cán bộ, nhân viên nhưng giá một đĩa cơm ở đây dao động từ 7.000 đến 10.000 đồng. Trong khi lương tháng của tôi chưa đến 1 triệu đồng, đành phải ra vỉa hè ăn cơm “bụi” cho rẻ”.
Để tận mắt chứng kiến, 10 giờ 30 phút tôi bước vào quán cơm “bụi” nằm ngay góc đường Ngô Mây và hẻm số 3. Vì còn khá sớm nên quán chưa có khách, tôi kêu một đĩa cơm thịt kho, rồi ngồi chờ. Trong khi chờ đợi, tôi lấy cớ đi vệ sinh để ra phía sau bếp-nơi chế biến ra những món ăn để phục vụ mọi người - mới thấy hết sự lộn xộn, bẩn thỉu của quán cơm này. Nền nhà lênh láng nước, mỡ, thịt cá sống nằm chỏng chơ bên cạnh. Rổ rau cải dùng để nấu canh được một nhân viên rửa vội một nước rồi đổ vào xoong…
Có lẽ, người ăn đã quá quen với những hình ảnh như vậy nên dù cho quán có dơ bẩn đi chăng nữa, hàng ngày vẫn đông khách. Hùng, một người làm thợ cơ khí trên đường Nguyễn Thái Học, thường xuyên ăn cơm “bụi”, cho biết: “Cơm “bụi” thì quán nào cũng bẩn như nhau cả thôi, chỉ có điều quán bẩn ít, quán bẩn nhiều. Mà tiền nào của nấy, khuất mắt thì cứ việc ăn”.
Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở những quán cơm “bụi” là điều đáng lo ngại. Vì muốn lôi kéo được nhiều người đến quán hơn nữa, nhiều quán cơm “bụi” chỉ bán giá từ 3.500-4.000 đồng/đĩa cơm. Để vẫn có lãi, họ tận dụng mọi nguồn thực phẩm ôi thiu, dư thừa giá rẻ mua ở các chợ. Và tất nhiên chuyện bát, đũa, rau củ được rửa sạch sẽ là điều… rất hiếm. Bởi nếu vậy thì sẽ phải tốn thêm người làm và mất một khoảng tiền trả công. Đồng thời, với số tiền gia đình chắt chiu gửi cho các sinh viên mỗi tháng và với người lao động thu nhập thấp thì việc chọn lựa quán cơm giá rẻ là điều tất nhiên. Do đó, giá rẻ là lý do khiến các quán cơm “bụi” luôn hút khách. Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong những quán cơm giá rẻ ấy là hiểm họa đối với sức khỏe do tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Một thực tế đáng buồn là các cơ quan chức năng chưa có động thái gì trước tình trạng những quán cơm bụi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn Quy Nhơn.
|