Về thôn Bằng Châu (thị trấn Đập Đá - An Nhơn) hôm nay, người ta không còn thấy hình ảnh những ngọn lửa bùng sáng từ các lò nung, không còn thấy hình ảnh những chuyến xe của thương buôn tấp nập đổ về Bằng Châu lấy hàng bằng chất liệu đồng, nhôm như thập niên 80 của thế kỷ trước. Cơ chế kinh tế thị trường đã làm cho nhiều người thợ đúc thủ công chất phác ở Bằng Châu không trụ được và họ đã phải chuyển nghề. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người tâm huyết với nghề đúc đang khát khao khôi phục làng nghề.
|
Giỗ tổ nghề đúc Bằng Châu tổ chức vào ngày 17-3 (âm lịch) vừa qua.
|
* Khai sáng nghề đúc Bằng Châu
Theo các tài liệu còn lưu giữ được, thì nghề đúc đồng ở Bình Định bắt đầu được hình thành từ cuối thế kỷ XVII, theo bước chân Nam tiến của những người thợ đúc quê xứ Bắc. Huyện An Nhơn hiện có bốn làng nghề truyền thống chuyên đúc đồng là làng Bằng Châu (Đập Đá), Mỹ Thạnh (Nhơn Phúc), Nhơn Thuận, An Lợi (Nhơn Thành) và Kim Châu (thị trấn Bình Định). Cả bốn làng nghề này cũng như nghề đúc Việt Nam đều thờ chung một ông Tổ nghề là nhà sư Dương Không Lộ, quê ở Hà Nam - người mà theo truyền thuyết đã góp phần tạo nên tứ đại khí cho nước Việt từ cách đây hơn 1.000 năm.
Thụ nghề của tổ sư Không Lộ, các cao tổ tộc Nguyễn ngày ấy đã di cư, lập nghiệp tại thôn Bằng Châu vào thời điểm vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, thống nhất đất nước. Đến triều nhà Nguyễn, sau khi Minh Mạng lên ngôi (1820), để thể hiện sự vững mạnh và trường tồn của triều đại, nhà vua đã cho đúc Cửu đảnh (9 cái đỉnh) tại Đại nội Huế, một công trình văn hóa tầm cỡ của Việt Nam vào thế kỷ XIX. Trong đó có bàn tay, khối óc của tằng tổ thợ đúc Bằng Châu - cụ Nguyễn Thẩm. Sau hơn 3 năm phục vụ cho công trình văn hóa nổi tiếng này, cụ Nguyễn Thẩm mới được về quê với sắc phong của vua là Chánh tượng Cửu phẩm.
Từ những thập niên đầu thế kỷ XX trở về trước, các làng nghề đúc đồng An Nhơn - Bình Định rất nổi tiếng, với những thợ đúc tài hoa từng được mời đúc tế phẩm cho hoàng gia và đúc tiền cho nhà nước phong kiến (Đại Nam thực lục chính biên, tập 32, trang 306 chép sự kiện vua Tự Đức cho phép phủ Bình Định đúc tiền cho nhà nước). Các sản phẩm truyền thống của làng đúc Bằng Châu xưa nay chủ yếu là đồ thờ, nhạc khí, tượng Phật, nồi, bung các cỡ, hộp đựng trầu và các đồ dùng khác, được thợ Bằng Châu đúc sắc sảo và ngày càng sáng tạo. Nghề gò, đúc chiêng ở thôn Bằng Châu có nguồn gốc từ làng nghề Đại Bái, Kinh Bắc, tổng Bình Ngô, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Người đầu tiên đến đây là ông Vương Văn Bảy, ông đến Đập Đá làm nghề đúc đồng và lấy vợ ở Bằng Châu. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, gia đình nào có nhiều cồng, chiêng thì gia đình đó giàu có, nên công việc đúc và giác cồng, chiêng đồng trở nên rất thịnh lúc bấy giờ. Sản phẩm đúc của Bằng Châu đã có mặt ở nhiều địa phương trong nước, thậm chí còn bán sang Lào, Cam-pu-chia, Sin-ga-po, Thái Lan, Đài Loan… qua tay các thương buôn những thế kỷ trước.
Trong kháng chiến chống Pháp, bọn thực dân nghe đến lựu đạn mãng cầu của Việt Minh là bạt vía kinh hồn. Chính các thanh niên làngï đúc Bằng Châu là bộ đội Cụ Hồ, thuộc đơn vị Quân khí Khu V đã đúc thành công loại vỏ lựu đạn nổi tiếng này.
* Thăng trầm nghề đúc
Trải qua bao thế hệ nối tiếp, nghề đúc Bằng Châu đã có những bước thăng trầm, nhưng thời kỳ nào cũng để lại những thành tựu đáng ghi nhận. Những tác phẩm nổi tiếng của nghề đúc Bằng Châu như: tượng Phật cao 2m, nặng 750 kg, đặt ở chùa Long Khánh – Quy Nhơn (thợ Bằng Châu đúc năm 1957); năm 1972, các cụ Chánh tự Sáu, Nguyễn Lang, Đặng Văn Anh đã đúc đại chung (chuông) cao 1,2m, đường kính miệng 0,8m, nặng hơn 200 kg tại chùa Long Hoa (Phù Cát), tiếng chuông trong trẻo, ngân xa đến ba dặm; năm 1979, bằng tấm lòng kính yêu Hồ Chủ tịch, thợ đúc Bằng Châu đã tự nguyện dốc tâm sức, của cải, đúc thành công tượng toàn thân của Người, bằng đồng, cao 2,2 m, nặng hơn 1 tấn, hiện đang trưng bày tại Trung tâm Văn hóa huyện An Nhơn. Các tác phẩm phù điêu Bác Hồ, phù điêu vua Quang Trung được một số nghệ nhân đúc đồng Bằng Châu như cụ Trần Néo, Bảy Hà… đem tài nghệ và tình cảm của mình để thể hiện.
|
Hiện nay, sản phẩm chủ yếu của làng đúc Bằng Châu là ngư cụ, chi tiết máy bằng đồng theo đơn đặt hàng. |
Sau ngày thống nhất đất nước, HTX đúc Bằng Châu được thành lập, các thợ đúc có tay nghề cao đã có sự phối hợp làm ra những sản phẩm đạt đến độ tinh xảo. Những cơ sở đúc như: Phát Huy (Sáu Lang), Đặng Văn Anh, Ngô Thanh Sơn, Đào Tấn Lưu… ở Bằng Châu được trang bị như những xưởng cơ khí thực thụ, mỗi xưởng có khoảng 10 công nhân làm việc, có máy tiện, máy khoan, máy hàn…; làm ra những sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp, như: các chi tiết máy thủy lực, ống láp đồng, bạt đồng, chân vịt…, cung cấp cho khách hàng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, Vũng Tàu; các loại vòi tưới, cồng chiêng cung cấp cho bà con các tỉnh Tây Nguyên; khuôn ép ngói thủ công, vòi nước bằng đồng và nhiều mặt hàng mỹ nghệ. Ngoài ra, các cơ sở đúc này còn sản xuất được cả những mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật luyện cao như chì tấm dùng cho X quang y học, tinh chế đồng dùng cho điện tử, vi mạch… Tất cả các sản phẩm nêu trên giá thành chỉ bằng một nửa so với hàng ngoại nhập, nhưng chất lượng không hề thua kém. Tuy nhiên, đến thời kỳ cơ chế thị trường, lối làm ăn theo kiểu bao cấp không còn phù hợp, khâu vốn và bao tiêu sản phẩm không kham nổi, HTX đúc Bằng Châu đã giải thể vào năm 1989.
* Mong mỏi giữ nghề
Trải qua nhiều bước thăng trầm, hiện nay làng đúc Bằng Châu vẫn tồn tại nhưng người trung thành bám trụ với nghề truyền thống thì không còn nhiều. Cả làng Bằng Châu có khoảng 50 hộ có gốc nghề đúc, thì nay chưa đến 20 hộ còn giữ nghề. Các nghệ nhân làng đúc phải bươn bả chạy theo cơ chế thị trường để kiếm sống, phần lớn hộ chuyển sang sản xuất các mặt hàng cơ khí dân dụng. Khó khăn lớn nhất của người làm nghề đúc hiện nay là thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu đầu ra cho sản phẩm. Nghề đúc đồng vàng son một thuở của Bằng Châu dường như đang dần mai một.
Thành tựu và truyền thống nghề đúc kim loại Bằng Châu đáng tự hào là vậy, thế nhưng những người tâm huyết, bám víu với nghề hiện nay đang đối mặt với những khó khăn chưa thể tháo gỡ được. Ông Nguyễn Đức Ngọc - chủ cơ sở đúc Ngọc Lan - cho biết: “Khó khăn lớn nhất của người thợ đúc Bằng Châu là vốn đầu tư để hiện đại hóa sản xuất, từ đó khó tiếp cận với thị trường sản phẩm công nghệ cao nên mất dần ưu thế cạnh tranh. Việc tiêu thụ sản phẩm đúc cũng rất bấp bênh, chỉ có các thương buôn là người được lợi, còn người tạo ra sản phẩm lại phụ thuộc vào thị trường và thương buôn…”. Bà con các làng đúc ở An Nhơn rất mong một Hiệp hội nghề đúc sớm được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người yêu nghề. Chính quyền cần có chính sách thuế hợp lý, hỗ trợ nhiều mặt, tạo điều kiện cho người thợ đúc Bằng Châu và các làng đúc khác có cơ hội khôi phục, gìn giữ và phát triển làng nghề.
|