* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu
Em về Đập Đá quê cha / Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng (Ca dao). Đập Đá là nơi buôn bán sầm uất trong huyện An Nhơn, nơi thương nhân, khách phong lưu thường lui tới (Anh về Đập Đá đưa đò / Trước đưa quan khách sau dò ý em - Ca dao). Gò Găng gần đó là chợ nón: Chợ Gò Găng. Nón trắng, nón ngựa Gò Găng đẹp nổi tiếng. Vậy còn Phú Đa thì ở đâu? Và có gì để mà nổi tiếng, mà đi vào câu ca xưa của người Bình Định?
|
Chợ Phú Đa vẫn họp trên nền chợ cũ. Ảnh: Văn Cảnh
|
Phú Đa là tên của một chợ quê ở thôn Tân Dân, thuộc tổng Háo Đức thượng, nay thuộc xã Nhơn An, nằm trong vùng “gạo trắng nước trong” của huyện An Nhơn. Chợ Phú Đa, thuở trước, lều quán mấy túp tranh tre, bày bán heo gà, bầu bí, gạo nếp… toàn là những sản vật của làng Tân Dân và mấy làng quê gần đó, cùng vài sạp hàng xén. Chợ ngày thường không đông, đến ngày phiên mới đông và hàng cũng nhiều hơn. Trường làng ở trong xóm chợ. Chợ ngó ra con đường làng, cũng là bờ con sông nhánh của sông Côn chảy từ cầu Gò Chàm xuống. Ba mặt khác của chợ là ba dãy nhà tranh, nhà ngói xen nhau, có mấy nhà mở cửa tiệm: vài tiệm rượu, vài tiệm bán thuốc cao đơn hoàn tán, tiệm trà Tàu… Rượu gạo Tân Dân ngon nổi tiếng như rượu Bàu Đá ở phía tây; còn rượu cơm nếp Phú Đa thì được người dân khắp vùng An Nhơn ưa chuộng. Còn nhớ ngày ấy, tôi và lũ bạn thường ra chợ mua cây bút chì, lọ mực tím… nơi bà hàng xén; đôi khi cũng đến tiệm viết chữ thuê của thầy đồ Hữu để xem ông gò lưng viết bức. Chữ ông đẹp như “rồng bay phượng múa”.
Làng Tân Dân có 4 xóm: Miễu Đông, Miễu Tây, Miễu Nam, Miễu Bắc (lấy tên miễu thờ Thổ công làm tên xóm). Chợ Phú Đa ở xóm Miễu Tây (còn gọi là Xóm Chợ). Trong xóm Miễu Tây, còn có đình làng Tân Dân và chùa Long Đa. Đình Tân Dân bị “tiêu thổ kháng chiến” chỉ còn lại nền cũ và hai trụ biểu cao chót vót có con sư tử đá ngồi trên chóp trụ, bên dưới có hàng câu chữ Hán gắn miểng chai đủ màu. Chùa Long Đa là một nếp chùa cổ, mái ngói hiền hòa nấp dưới bóng cây Bồ Đề cổ thụ và cổng tam quan chùa soi bóng nước hồ sen ở trước chùa.
Tân Dân là làng giàu nhất trong 7 thôn của xã Nhơn An. Xung quanh chợ Phú Đa có nhiều nhà lá mái, nhiều nhà ngói có sân gạch để bể non bộ, có vườn cây ăn quả tỏa hương thơm hoa trái. Đường vào các xóm là những ngõ trúc quanh co. Bạn là khách đến thăm, thường được chủ nhân của những ngôi nhà lá mái, những ngôi nhà ngói rêu phong kia đón mời vào nhà xem những đồ thờ, những hoành phi liễn đối mà bạn không thể nào không tấm tắc ngợi khen, rằng đó là những đồ cổ quý giá. Rồi bạn còn được chủ nhà thết đãi mận chín, xoài thơm, bưởi ngọt… để cho câu chuyện giữa chủ - khách thêm đậm đà. Đồng làng Tân Dân rộng, tháng chạp lúa thì con gái trải một màu xanh; tháng hai lúa chín, phơi một cánh đồng vàng và chờ vụ gặt.
Những làng quê lân cận với làng Tân Dân là các làng Tân Long (Nhơn An), Hòa Bình (Nhơn Phong - An Nhơn); An Cửu, Háo Lễ, Quảng Nghiệp (Tuy Phước)… Tân Long, An Cửu có trường hát bội, thường kêu bạn Bầu Thơm, bạn Bầu Hùng về hát. Nằm ở chợ Phú Đa, nửa khuya thanh tĩnh, nghe câu hát Nam, hát Khách vọng tới, cũng đủ nao nao lòng dạ. Làng Háo Lễ có chợ bán nò rẩu, cá nục, cá thu từ Gò Bồi, Vũng Nồm, Vũng Giếng ngư dân gánh chạy bộ hoặc chở thuyền ngược sông lên. Quảng Nghiệp có chợ Chiều với câu ca ai cũng thuộc: Chợ Chiều nhiều khế ế chanh / Nhiều con gái góa nên anh chàng ràng / Chàng ràng như ếch hai hang / Như chim hai tổ, như nàng hai quê (Ca dao). Như thế, chợ Phú Đa nằm giữa một vùng có dân cư đông, có nhiều đường nét văn hóa.
*
* *
Hồi 9 năm kháng chiến, chợ Phú Đa rất sầm uất. Người Quy Nhơn theo đường đất Gò Bồi, Nước Mặn; theo đường sông Háo Lễ, Gò Chàm gồng gánh tản cư lên. Người Quy Nhơn đến chợ Phú Đa - làng Tân Dân, mở tiệm vàng Bách Thành, tiệm bánh trung thu Nguyệt Bạch, tiệm dép lốp cao su Quy Thành; mở rộng giao thương bằng đường bộ, đường sông với chợ Nước Mặn, chợ Gò Bồi. Mặt khác, người Quy Nhơn cùng với người địa phương lập gánh hát bội Thông Kiều, lập đội bóng đá Long Đa và lập sân vận động Tân Long để luyện tập và tổ chức thi đấu với nhiều đội bóng trong huyện An Nhơn và cả tỉnh Bình Định. Người hâm mộ bóng đá tỉnh Bình Định hồi đó, ai mà chẳng biết đội bóng đá Long Đa với những tên tuổi cầu thủ như Hai Ánh, Bốn Anh, Nam Quyền, trọng tài Nga… Chính quyền xã Nhơn An cất trại tiếp cư tại làng Tân Long, cho trăm hộ tản cư tới ở và sinh sống. Trường Quốc học - Quy Nhơn được dời lên làng Hòa Bình, đặt tên là trường Trung học Hòa Bình. Con em những gia đình ở Quy Nhơn đang học trường Quốc học tản cư lên đây, được tiếp tục học ở trường Trung học Hòa Bình, về sau có nhiều người thành đạt.
|
Công trình chợ Phú Đa mới đang được tiến hành xây dựng. Ảnh: V.C
|
Mấy mươi mùa xuân trôi qua rồi, tôi vẫn còn nhớ làng Tân Dân những ngày vào hội xuân. Ở sân đình tổ chức hát Bội, đánh đu, cùng đủ thứ trò chơi: nấu cơm thi, bịt mắt bắt dê, kéo co, đấu vật… Chợ Phú Đa nghỉ nhóm, nhường chỗ làm địa điểm tổ chức vui xuân, song song với sân đình Tân Dân. Hội vui xuân ở chợ Phú Đa năm nào cũng có bài chòi ghế, cờ người, xổ cổ nhân… Ở làng Tân Dân, làng Tân Long có nhiều danh thủ cờ người như ông giáo Tuân, ông Mười Lịnh, ông Ba Còn, ông Lâm Thụ…; còn thầy đồ Hữu, ông giáo Tuân bàn thai cổ nhân, mười thai trúng tới 8 -9. Làng Tân Dân có tiếng tổ chức hội xuân to, cho nên người các nơi đổ về xem, đông như kiến.
Chợ Phú Đa ngày nay trở về với quang cảnh chợ Phú Đa ngày xưa, lều quán, mua bán sơ sài như hồi chưa có người Quy Nhơn tản cư lên, rồi hồi cư về sau ngày hòa bình lập lại. Con đường từ Phú Đa đi chợ Bình Định chỉ dài chừng ba cây số, nay được bêtông hóa, cho nên rất tiện cho người vùng quê này đi mua sắm ở chợ Bình Định.
Con gái Đập Đá sinh ra và lớn lên trên đất kinh đô cũ: Đồ Bàn, Thành Hoàng Đế, lấy chồng Phú Đa là biết chọn chồng “giữa chốn ba quân”. Bởi vì, con trai Phú Đa phần đông là con nhà giàu, được ăn học. Về làm dâu Phú Đa, Tân Dân, có nàng trưa nằm võng thơm ru con, hát câu “Chợ Chiều nhiều khế ế chanh…” mà thấy may cho phận mình và thương cảm cho những phận má hồng không may.
|