Nóng bỏng tai nạn giao thông
14:26', 2/6/ 2007 (GMT+7)

Trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng gia tăng, thời gian qua, tỉnh liên tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và kiềm chế TNGT. Tuy nhiên, những nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo TTATGT vẫn chưa thể làm hạ nhiệt được cơn sốt TNGT...

 

Hiện trường một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Phù Mỹ vào đầu năm 2007.

 

* Bình quân mỗi ngày có một người chết do TNGT

Ngày 19-11-2002, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/2002 NQ/CP về việc lập lại TTATGT, kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần TNGT. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh tình hình TTATGT ở nước ta đang diễn biến phức tạp. Nhiều năm liền, số vụ TNGT năm sau cao hơn năm trước, tình hình vi phạm TTATGT phổ biến ở mọi địa phương và trong nhiều thành phần xã hội. Sau gần 5 năm ban hành, nghị quyết trên đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản thay đổi được bức tranh toàn cảnh về tình hình TTATGT ở nước ta nói chung và Bình Định nói riêng. Ởû tỉnh ta, trong thời gian qua, công tác đảm bảo TTATGT thường xuyên được lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành… đẩy mạnh. Theo đó, cơ sở hạ tầng giao thông như hệ thống đường sá, cầu cống, đèn báo hiệu… thường xuyên được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; phương tiện tham gia giao thông từng bước được cải tiến; công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho người dân được đặc biệt chú trọng.

Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên chưa đạt được hiệu quả cuối cùng đáng khích lệ. Một vấn nạn vẫn còn tồn tại dai dẳng và chưa khắc phục được trong thời gian qua ở tỉnh ta là tình hình TNGT ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, 4 tháng đầu năm 2007, toàn tỉnh đã xảy ra 107 vụ TNGT, làm 113 người chết và 59 người bị thương; tăng 13 vụ TNGT, 7 người chết và 12 người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Mỹ là những điểm nóng về tình hình TNGT. Số liệu trên cho thấy, những tháng đầu năm ở tỉnh ta, bình quân mỗi ngày có 1 người chết do TNGT. Không chỉ trong những tháng qua, thiệt hại do TNGT gây ra gần như gia tăng đều trong những năm gần đây.

Trung tá Trần Kiến Thiết - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh - cho biết: “Kết quả phân tích các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua của các cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các vụ TNGT chủ yếu xuất phát từ sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân. Trong đó, đa số các vụ TNGT dẫn đến chết người đều do người tham gia giao thông vi phạm một trong những lỗi sau: không đội mũ bảo hiểm theo quy định, chạy xe quá tốc độ, điều khiển xe trong tình trạng say rượu bia... Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp dẫn đến TNGT là do công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về TTATGT của một số đơn vị, địa phương có dấu hiệu chùng xuống; cơ sở hạ tầng giao thông ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, hệ thống đường ngang nối thị trấn, nơi đông dân cư vào các tuyến đường tránh trên quốc lộ ở một số đoạn chưa có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia giao thông…”.

* Chưa đủ lực để đẩy lùi TNGT

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo TTATGT, thời gian qua các cơ quan chức năng trong tỉnh liên tục phát động nhiều đợt ra quân đảm bảo TTATGT đến tất cả các cấp, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, chính quyền và các cơ quan chức năng đã thể hiện sự quyết liệt hơn trong cuộc chiến đảm bảo TTATGT và đẩy lùi TNGT. Những đợt phát động ra quân đảm bảo TTATGT gần đây ngày càng chất lượng hơn cả về chiều sâu và rộng so với trước. Điển hình như trong đợt ra quân đảm bảo TTATGT hưởng ứng “Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ I” vừa được phát động ngày 22-4, các ngành chức năng đã gần như huy động tối đa lực lượng phục vụ cho công tác đảm bảo TTATGT trong tháng ra quân. Nếu như trong những đợt ra quân trước đây, tổ công tác phụ trách tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông chỉ đơn lẻ là lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, thì nay được tổng hợp từ nhiều lực lượng, gồm: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113, cảnh sát hình sự, quản lý đô thị...

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong tháng qua, trên khắp các tuyến đường chính như QL 1A, QL 19, QL 1D, tỉnh lộ và tại những điểm nóng về TTATGT như đường Hùng Vương, ngã 5 Tây Sơn, khu vực Phú Tài, các cửa ngõ vào nội thành Quy Nhơn... thường xuyên có sự xuất hiện của các lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT. Không chỉ trong giờ hành chính, mà các lực lượng này thay phiên nhau hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày... Trung tá Huỳnh Đức Hạnh - Phó Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT thường xuyên huy động tối đa cán bộ chiến sĩ của đơn vị để tăng cường lực lượng và thời gian tuần tra kiểm soát. Ban ngày, chúng tôi kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp vi phạm TTATGT và những địa bàn thường xảy ra TNGT... Quá trình tuần tra kiểm soát, ban ngày chúng tôi tập trung xử lý các lỗi vi phạm: ôtô khách chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm trên những đoạn đường bắt buộc. Ban đêm, chúng tôi tập trung xử lý các lỗi vi phạm: ôtô chở quá khổ, sử dụng máy đo tốc độ ban đêm vừa được cấp để xử lý các trường hợp ôtô chạy quá tốc độ...”.  

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT cũng đã được các cấp, ngành quan tâm. Ngoài hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng còn linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền, giáo dục về TTATGT khác đến từng đơn vị, khu dân cư qua tờ rơi, pa nô, hội thi... Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, quản lý chất lượng kỹ thuật phương tiện tham gia giao thông cũng được các cấp, ngành coi trọng. Lãnh đạo tỉnh cũng đã linh động ứng dụng nhiều giải pháp tích cực để đảm bảo TTATGT như đã giao chỉ tiêu giảm thiểu thiệt hại TNGT cho từng địa phương để thực hiện, phân công thành viên Ban ATGT tỉnh theo dõi sát sao từng địa bàn cơ sở...

Nhờ ra quân rầm rộ và sự nỗ lực của các cơ quan chức năng nên tình hình TTATGT thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực, người tham gia giao thông cũng đã có ý thức hơn. Tình trạng vượt đèn đỏ, xe máy chở ba người, lạng lách đánh võng, ôtô khách quần đảo đón khách, người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm trên những đoạn đường bắt buộc... đã giảm dần so với trước đây. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong 2 tuần đầu ra quân hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu vừa qua, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ TNGT, làm chết 13 người. So với thời điểm bình thường, tình hình TNGT trong 2 tuần qua chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Anh Tú

Đại tá Nguyễn Trung Tâm – Phó giám đốc Công an tỉnh, kiêm Phó Trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh:

“Cần có sự chung sức của toàn xã hội mới mong đẩy lùi được TNGT”

Đại tá Nguyễn Trung Tâm. Ảnh: A.T

Trước tình hình TNGT tiếp tục gia tăng trong thời gian qua, phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với Đại tá Nguyễn Trung Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, kiêm Phó Trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh - xung quanh vấn đề này.

* Được biết, trong thời gian qua, các cấp, ngành đã có những nỗ lực trong công tác đảm bảo TTATGT, nhưng vì sao vẫn chưa thể đẩy lùi TNGT được, thưa Đại tá?  

- Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt trong công tác đảm bảo TTATGT. So với năm trước, lực lượng chuyên trách, kinh phí... phục vụ cho công tác đảm bảo TTATGT năm nay tăng nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, theo tôi thì lực lượng trên vẫn chưa đủ mạnh để giải quyết được những thực trạng về TTATGT hiện nay ở tỉnh ta. Người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nhanh, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, tình trạng người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến, trong khi đó lực lượng chuyên trách cho công tác đảm bảo TTATGT thì có giới hạn. Vì thế, TNGT tăng là điều dễ hiểu.

* Vậy để đẩy lùi được TNGT, trong thời gian tới chúng ta phải làm gì, thưa Đại tá?

- Công tác đảm bảo TTATGT là trách nhiệm chung của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể… nhưng thực tế hiện vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo TTATGT. Hiện nay, việc chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT tại một số đơn vị, địa phương chưa đúng tầm về mọi mặt, không huy động hết sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị. Nhiều người coi đây là nhiệm vụ của riêng các lực lượng chức năng nên thiếu sự phối hợp, do vậy kết quả thực hiện công tác đảm bảo TTATGT thời gian qua còn nhiều hạn chế… Về lâu dài, để việc triển khai công tác đảm bảo TTATGT đạt hiệu quả cao và mục tiêu đẩy lùi TNGT có kết quả, ngoài việc các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, vận động, giáo dục, tuyên truyền về TTATGT, thì rất cần đến sự chung sức của toàn xã hội. Đặc biệt là các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể… trong tỉnh cần phải có trách nhiệm cao và sự phối hợp đồng bộ hơn nữa trong công tác đảm bảo TTATGT.  

* Xin cảm ơn Đại tá!

  • Nguyễn Cường (thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)
Tôi đi xe khách giường nằm  (02/06/2007)
Lời tâm huyết từ làng đúc Bằng Châu  (02/06/2007)
Cơm ”bụi”  (02/06/2007)
Thơ  (02/06/2007)
Dòng sông lặng lẽ  (02/06/2007)
Cây cau An Lão thăng hoa  (02/06/2007)
Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ở các doanh nghiệp  (02/06/2007)
Hát Bội Bình Định - làm gì để tồn tại ?  (02/06/2007)
Bức tranh đáng buồn  (02/06/2007)
Khi võ sĩ trở thành vệ sĩ  (02/06/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/06/2007)
Trung du chuyển mình  (05/05/2007)
Tiếp xúc với gió trời…  (05/05/2007)
Yếu tố bất ngờ trong kế hoạch tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975  (05/05/2007)