Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Học tập và làm theo phong cách sống và làm việc của Bác Hồ
14:32', 2/6/ 2007 (GMT+7)

Lối sống, cung cách sinh hoạt, cách nói và viết, cách ứng xử, lề lối làm việc... của Bác Hồ đã tạo nên cái riêng. Cốt cách, phong cách Hồ Chí Minh là những chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang tính thời đại, là những đặc trưng cơ bản của đạo đức cách mạng.

 

Việc mặc của Bác Hồ chỉ cốt đủ ấm. Ảnh: T.L

 

Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta thuyết phục, cảm mến được mọi tầng lớp nhân dân từ già đến trẻ, từ những người lao động bình thường đến các vị nhân sĩ, trí thức danh tiếng, từ đồng bào lương đến các tín đồ tôn giáo... bởi chính phong cách sống giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Người. Đối với một số người, quyền cao chức trọng đã làm tha hóa bản chất, lối sống của họ; nhưng với Bác Hồ, từ buổi đầu khi còn là một thanh niên bình thường, một chiến sĩ cách mạng đi tìm đường cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ, nhiều lần bị tù đày, đến khi trở thành lãnh tụ Đảng, Chủ tịch nước, Người vẫn sống thanh bạch, bình dị, không ham danh lợi, không màng phú quý, vinh hoa.

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, về lại thủ đô Hà Nội, Bác Hồ không sống và làm việc trong lâu đài sang trọng mà chỉ ở trong một ngôi nhà sàn đơn sơ mà một nhà văn đã ca ngợi: “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ là cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh cái ao nuôi cá làm “cung điện” của mình”. Bác bảo: “Nước ta chưa giàu, dân ta còn nghèo, chưa đủ nhà để ở, Bác ở thế này là tốt lắm rồi”.

Bác mặc chỉ cốt đủ ấm, với mấy bộ quần áo ka-ki bình thường, cần thiết cho bốn mùa. Mùa rét, Bác mặc  một chiếc áo bông đã nhiều năm, bông xẹp không còn ấm nữa, cái vỏ bọc ngoài đã bạc màu, lại rách ở vai. Bác bảo anh em vá lại cho Bác. Có người đề nghị cho thay áo mới hay thay vỏ bọc, Bác ân cần bảo: “Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là phúc cho dân đấy. Bây giờ nhiều cụ già ở nông thôn có được cái áo bông này là quý lắm đấy chú ạ”.

Bác ăn uống không cầu kỳ, không thích dùng của sang, vật lạ. Bác luôn nhắc anh em cấp dưỡng: “Các chú làm thức ăn cho Bác ít thôi. Bác ăn không hết, để người khác ăn thì không nỡ, mà đổ đi thì phí”. Trong cuộc sống hằng ngày, Bác sinh hoạt rất điều độ, ăn nhiều rau, hoa quả, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao. Thấy Bác ăn uống thanh đạm, nhiều đồng chí lo cho sức khỏe của Bác, Bác tâm sự: “Anh em chiến sĩ toàn quân đang hy sinh, chiến đấu cực khổ, mà riêng tôi ăn ngon, uống sướng thì cũng không ngon sướng gì”. Trong kháng chiến chống Pháp, trên đường công tác, Bác thường nắm cơm mang theo hoặc ăn cơm cùng các chiến sĩ cảnh vệ. Những ngày ở chiến khu Việt Bắc, Bác luôn tự tay tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Hằng ngày, sau hai buổi làm việc căng thẳng, Bác thường “Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”. Kháng chiến thành công, về sống tại Thủ đô, Bác vẫn giữ thói quen lao động, tự tay trồng cây, tưới nước, nuôi cá...

Bác hết lòng thương yêu, quý trọng nhân dân, mọi suy nghĩ, mọi hành động của Bác đều vì lợi ích của nhân dân. Bác nói: “Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác luôn sâu sát cuộc sống của nhân dân, thăm hỏi người lao động, ngồi bên bờ ruộng xem từng dảnh mạ, bông lúa, hỏi cặn kẽ bà con nông dân tình hình sản xuất. Những năm hạn hán, Bác trực tiếp tham gia chống hạn cùng bà con nông dân. Nhân dân Hà Tây còn nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ tát nước gàu giai trên cánh đồng Thanh Oai; Bác tát nhẹ nhàng, khéo kéo như một lão nông. Bác tự tay trồng cây và phát động “Tết trồng cây” để đất nước ngày càng xanh tươi.

Đi thăm nhà máy, cơ quan, trường học, doanh trại quân đội, chỗ đầu tiên Bác đến thăm là nhà bếp, nơi ăn chốn ở của công nhân, học sinh, cán bộ, chiến sĩ, sau đó Bác mới đến phòng họp nói chuyện với mọi người. Hàng năm, Bác thường tặng lụa cho các cụ già cao tuổi, các bà mẹ sinh đôi, sinh ba; tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Cả đến chiếc máy điều hòa kiều bào gởi tặng Bác dùng trong mùa nóng, Bác cũng bảo đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác - đem tặng thương binh. Bác nói: “Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm, còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là tốt rồi”. Tấm lòng nhân ái của Bác Hồ thật vô cùng bao la ! Với các cháu thiếu nhi, Trung thu năm nào Bác cũng có thư thăm hỏi, động viên; mà thư Bác lại là những vần thơ dễ hiểu, dễ nhớ, chứa chan những tình cảm chân thật, xúc động.

 

Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Bắc. Ảnh: T.L

 

Phong cách diễn đạt, cách nói và viết của Bác Hồ luôn ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu mà súc tích. Bác luôn tránh dùng những câu, những chữ khó hiểu, không ưa dùng những từ sáo rỗng, lai căng. Tuy biết rất nhiều ngoại ngữ, nhưng khi nói và viết, Bác thường chọn những từ thuần Việt để ai cũng có thể hiểu một cách dễ dàng. Văn phong của Bác thường dùng câu đơn, ít dùng câu phức hợp, vì thế bài viết, bài nói của Bác luôn ngắn gọn, trong sáng, chặt chẽ, cô đọng và hàm súc. Bác luôn nhắc nhở những người làm báo, viết văn phải suy nghĩ “Viết cho ai? Viết để làm gì ?”.

Cách đối nhân, xử thế của Bác Hồ luôn giữ được phong độ, cốt cách phương Đông: ung dung, điềm tĩnh, dung dị, nhã nhặn, ân cần, hòa đồng nhưng lịch lãm, uyên bác và theo đúng nguyên lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Những chuẩn mực phong cách làm việc của người cán bộ cách mạng đã được Bác đúc kết trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lề lối làm việc” viết năm 1947. Đó là phong cách làm việc tận tụy mà khoa học, sâu sát cơ sở, sâu sát thực tiễn, sát người, sát việc; làm việc có chương trình, kế hoạch, có định hướng và dự báo mọi khả năng, tình huống có thể xảy ra; làm việc có chất lượng và hiệu quả, hết lòng vì nhân dân.

Cuộc đời Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về lời nói luôn đi đôi với việc làm, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tế. Kỷ niệm 117 năm, Ngày sinh Bác Hồ vô vàn kính yêu, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng và quan trọng hơn là phải làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo phong cách sống và làm việc của Bác - một người cộng sản, một chiến sĩ cách mạng, một công dân suốt đời tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

  • Hoài Nam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nóng bỏng tai nạn giao thông  (02/06/2007)
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)
Tôi đi xe khách giường nằm  (02/06/2007)
Lời tâm huyết từ làng đúc Bằng Châu  (02/06/2007)
Cơm ”bụi”  (02/06/2007)
Thơ  (02/06/2007)
Dòng sông lặng lẽ  (02/06/2007)
Cây cau An Lão thăng hoa  (02/06/2007)
Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ở các doanh nghiệp  (02/06/2007)
Hát Bội Bình Định - làm gì để tồn tại ?  (02/06/2007)
Bức tranh đáng buồn  (02/06/2007)
Khi võ sĩ trở thành vệ sĩ  (02/06/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/06/2007)
Trung du chuyển mình  (05/05/2007)
Tiếp xúc với gió trời…  (05/05/2007)