Người Bình Định ở Phú Quốc
14:53', 2/6/ 2007 (GMT+7)

* Ghi chép của Ngọc Thái

Cho đến bây giờ, không ai biết chính xác người Bình Định có mặt trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ khi nào. Chỉ biết rằng, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người Bình Định đã kề vai sát cánh cùng cư dân ở đây đánh đuổi giặc ngoại xâm. Và trong công cuộc đổi mới hôm nay, người Bình Định có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo.

 

Một góc cảng cá An Thới thuộc huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: N.T

 

1. Điều khá bất ngờ với chúng tôi khi vừa đặt chân lên hòn đảo nằm khá xa đất liền (cách thành phố Rạch Giá 120 km) là gặp ngay đồng hương. Anh Trần Đình Huệ - tài xế xe taxi - mở lời mời chúng tôi bằng chất giọng “xứ nẫu” đã “lai” đôi chút. Trò chuyện với anh thì được biết, quê anh ở Mỹ An (Phù Mỹ). Do cuộc sống ở quê ngày đó quá khó khăn, cha mẹ anh đã đưa cả gia đình ra đảo sinh sống hơn 20 năm nay. Hiện anh đã có vợ và đang sinh sống ở xóm “người Bình Định” thuộc thị trấn Dương Đông. Gặp đồng hương, anh Huệ mừng rỡ, chân tình mời chúng tôi về nhà chơi.

Khi tôi hỏi về số lượng người Bình Định đang sinh sống ở đây, anh Huệ lắc đầu: “Không biết chính xác có bao nhiêu người, chỉ biết rằng ở 10 xã, thị trấn của huyện đảo Phú Quốc nơi nào cũng có người quê mình. Ngay tại thị trấn Dương Đông - trung tâm kinh tế chính trị của huyện đảo - có hẳn một xóm “người Bình Định””. Anh Huệ đưa chúng tôi đi thăm một số gia đình người Bình Định, có nhiều gia đình đã sinh sống ở đây 2-3 thế hệ. Gặp đồng hương, ai cũng vui mừng, thi nhau hỏi chuyện quê nhà. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn người Bình Định đang sinh sống ở Phú Quốc đều chí thú làm ăn, với ước vọng đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển đi lên. Tiêu biểu như gia đình chị Lê Thị Bàng, người gốc Mỹ An (Phù Mỹ) đến huyện đảo Phú Quốc sinh sống đã gần 20 năm. Khi mới đến đây chị đã phải bươn chải nhiều nghề, cuối cùng dừng lại ở việc kinh doanh dịch vụ. Với lợi thế nhà nằm ở trung tâm thị trấn Dương Đông, trên trục đường lớn, diện tích rộng hơn 300m2, chị mở câu lạc bộ bi da và quán cà phê giải khát. Hiện tại cuộc sống của gia đình chị khá ổn định, với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/tháng.

 

Anh Trần Đình Huệ bên chiếc taxi của mình. Ảnh: N.T

 

2. Không riêng gì gia đình chị Bàng, ở Phú Quốc còn nhiều người Bình Định có cuộc sống ổn định và khá thành đạt, như ông Đặng Văn Dũng, chủ khách sạn Thanh Kim Liên ở thị trấn Dương Đông. Gia đình ông Dũng ra Phú Quốc sinh sống đã hơn 15 năm, và đã gầy dựng nên một cơ nghiệp thuộc hàng “đại gia” trên đảo. Hay như gia đình ông Nguyễn Tấn Bình, người Cát Minh (Phù Cát) ra đảo lập nghiệp sau ngày giải phóng. Khi mới đến đảo, ông “đi bạn” cho những chủ tàu ở đây, còn vợ thì vá lưới thuê. Qua hơn 10 năm chắt chiu dành dụm, vợ chồng ông đóng được một chiếc thuyền công suất cỡ 50 CV. Qua nhiều chuyến biển được mùa, ông đóng thêm 1 chiếc tàu mới công suất 100 CV. Cho đến hôm nay, gia đình ông được xếp vào hàng khá giả trên đất đảo, với tài sản là 3 chiếc tàu đánh cá cỡ lớn, tổng công suất trên 500 CV.

3. Còn nhiều người Bình Định đang sinh sống trên đất đảo, tuy cuộc sống không giàu có nhưng cũng khá ổn định. Họ làm đủ thứ ngành nghề, từ đi biển, vá lưới thuê, bán bánh mì đến kinh doanh, dịch vụ để mưu sinh. Với bản tính cần cù, chịu khó, lại đặt chữ tín lên hàng đầu, nên người Bình Định ở Phú Quốc được bà con xóm giềng tin tưởng, quý mến. Nhờ thế mà công việc làm ăn của họ luôn “thuận buồm xuôi gió”. Chị Phạm Thị Dư - quê ở Mỹ Thắng (Phù Mỹ) ra đảo sinh sống từ năm 2000. Ở quê nhà gia đình chị thuộc diện nghèo khó bởi đông con, chồng thường xuyên đau yếu. Chị theo người quen ra đảo lập nghiệp với vốn liếng chỉ là sức lao động. Ngày đầu tiên đến đất đảo, ai thuê gì chị làm nấy, không ngại khó, khổ để có cái ăn hàng ngày. Thấy chị hiền lành lại chịu khó, một người dân gốc đảo vui vẻ cho chị mượn khoảnh sân trước nhà để bán bánh mì. Nhờ vị trí khá thuận lợi, lại được bà con xóm giềng ủng hộ, nên hàng bánh mì của chị luôn đông khách. Mỗi ngày chị thu nhập từ xe bánh mỳ trên 70.000 đồng. Nhờ đó chị đã có điều kiện lo cho 2 đứa con ăn học. Chị tâm sự: “Cuộc sống của mình đã khổ, phải tha phương cầu thực nên khi có điều kiện là tập trung lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn để sau này cuộc đời chúng đỡ vất vả hơn cha mẹ nó”.

 

Chị Phạm Thị Dư (bên phải) đang bán bánh mì cho khách. Ảnh: N.T

 

4. Giữa đất đảo Phú Quốc, tôi còn gặp khá nhiều đồng hương, mỗi người một cảnh riêng, không ai giống ai. Tuy nhiên, tất cả họ đều có chung một đặc điểm: luôn hướng về quê cha đất tổ. Anh Trần Cao Thắng - quê ở Mỹ Thắng (Phù Mỹ), hiện là Chi cục phó Chi cục Thuế Phú Quốc - tâm sự: “Cuộc sống hằng ngày tuy vất vả, nhưng phần đông bà con người Bình Định của mình đều nghĩ về quê hương. Riêng bản thân tôi, hầu như năm nào cũng về thăm nhà một lần. Hai ba năm là tạo điều kiện đưa vợ con về thăm quê để tụi nó biết đến ông bà tổ tiên”.

Quả như lời tâm sự của anh Trần Cao Thắng, những tình cảm nồng ấm, gần gũi của bà con đồng hương trên đất đảo dành cho quê hương đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Nhiều người sinh ra và lớn lên trên đất đảo, chưa một lần đặt chân đến quê cha đất tổ, nhưng đã biết khá rõ về cuộc sống ở quê nhà. Họ rất phấn khởi trước sự ra đời của tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, cầu Thị Nại, khu kinh tế Nhơn Hội. Họ cũng rất đau xót trước sự kiện cháy Chợ Lớn Quy Nhơn… Nghe những tâm sự, những nỗi niềm ấy của họ, tôi cảm thấy hai tiếng “quê hương” sao mà gần gũi, thân thương đến lạ.

  • N.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Học tập và làm theo phong cách sống và làm việc của Bác Hồ  (02/06/2007)
Nóng bỏng tai nạn giao thông  (02/06/2007)
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)
Tôi đi xe khách giường nằm  (02/06/2007)
Lời tâm huyết từ làng đúc Bằng Châu  (02/06/2007)
Cơm ”bụi”  (02/06/2007)
Thơ  (02/06/2007)
Dòng sông lặng lẽ  (02/06/2007)
Cây cau An Lão thăng hoa  (02/06/2007)
Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ở các doanh nghiệp  (02/06/2007)
Hát Bội Bình Định - làm gì để tồn tại ?  (02/06/2007)
Bức tranh đáng buồn  (02/06/2007)
Khi võ sĩ trở thành vệ sĩ  (02/06/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/06/2007)
Trung du chuyển mình  (05/05/2007)