KỶ NIỆM 117 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 – 19-5-2007)
Hát về Người - Hồ Chí Minh, lời ca vang mãi
14:42', 2/6/ 2007 (GMT+7)

Bác Hồ, nguồn cảm hứng sâu sắc cho văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Ảnh: T.L

“Thế giới hát về Người, Việt Nam hát về Người. Bao nhiêu năm qua những bài ca hay nhất của Việt Nam, là những bài ca về Người, là những bài ca viết bằng trái tim…”, đoạn lời bài hát “Hát về Người”  của nhạc sĩ Đoàn Bỗng đã gửi gắm những tình cảm của người nhạc sĩ khi viết về Người - Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta.

Trên thế giới, mỗi một đất nước, mỗi một dân tộc đều có một vị lãnh tụ kính yêu của đất nước, dân tộc mình để ca ngợi. Có thể bằng thơ, bằng ca khúc hoặc cả một tác phẩm khí nhạc đồ sộ như giao hưởng chẳng hạn. Nhưng đối với vị lãnh tụ thiên tài, một danh nhân văn hóa kiệt xuất và là người bạn lớn của nhân dân thế giới, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, vị Cha già của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là “Bác Hồ” yêu quý của các thế hệ thanh, thiếu niên và nhi đồng- tên của Người có sức tỏa sáng và lay động đến mọi con tim và là đề tài lớn cho các tác phẩm nghệ thuật, là nguồn cảm hứng sâu sắc cho biết bao văn nghệ sĩ trong nước và nước ngoài.

Ngay từ những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, khi về nước để lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc chống bọn thực dân, phong kiến, Người lấy tên là Hồ Chí Minh, nhưng nhân dân quen gọi Người là Cụ Hồ. Chính nhạc sĩ Lưu Bách Thụ từ trong nhân dân những năm tháng ấy đã viết câu hát: “…Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời. Một lòng vì dân, Người đấu tranh không ngừng…” trong bài hát “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”. Rồi khi quân đội Cụ Hồ cùng nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công thì “Hoan hô ! Ta đón Cha về, ta đón Cha về/ Đón trong nắng vàng tươi ngày Độc lập…” (Ba Đình nắng – Bùi Công Kỷ, Vũ Hoàng Địch). Ngày 2 tháng 9 năm ấy, từ Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì những bài hát viết về Người của các nhạc sĩ đồng loạt ra đời: “Người về đem tới ngày vui. Mùa thu nắng cỏ Ba Đình với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời…” (Ca ngợi Hồ Chủ tịch – Văn Cao), hay: “Sao vàng phất phới ánh hồng sáng tươi. Toàn Việt Nam đón chào ngày mới. Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta. Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta…” (Ca ngợi Hồ Chủ tịch – Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi).

Nền độc lập giành lại chưa được bao lâu, Người cùng nhân dân phải về Việt Bắc để tiếp tục “trường kỳ kháng chiến”. Rồi cùng với địa danh hang Pác Bó, nơi Người lãnh đạo cuộc kháng chiến, bài ca đầy cảm xúc ca ngợi Người lại vang lên : “Ơ rừng Pác Bó quê ta nhớ rừng xưa ôm bóng Người. Bước chân đi đất chuyển rung theo Người…” (Tiếng hát giữa rừng Pác Bó - Nguyễn Tài Tuệ), hoặc “Dòng suối mát rượi uốn quanh nương đồi/ Là nơi xưa Bác ngồi câu… Ơi suối nước Lênin chảy mãi chẳng hết nguồn… Hợp thành ngàn tiếng ca. Đẹp như những đóa hoa. Hồ Chí Minh như nước trên ngàn. Người còn sống mãi với nước non Việt Nam…” (Suối Lênin- Hà Té, Hoàng Đạm).

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, kháng chiến thành công, Người về Thủ đô giữa đoàn quân chiến thắng với bộ quần áo ka ki bạc màu và “Đôi dép đơn sơ… Bác đi từ ở chiến khu Bác về …”; và, những tháng năm sau này “phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê, đều in dấu dép Bác về Bác ơi ! “ (Đôi dép Bác Hồ - Văn An, Nam Yên ).

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta không muốn nói về mình. Người càng không muốn nhiều bài viết về Người. Tuy nhiên, từ những cảm xúc chân thực về vị Cha già kính yêu của dân tộc, nhiều tác phẩm văn học -nghệ thuật vẫn được viết ra, trong đó có rất nhiều ca khúc. Lúc đất nước còn chia cắt, Người thường nói “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”, và từ câu nói này của Người, nhiều lời ca vang lên như: “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác, có mối tình nào thủy chung son sắt như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam…” (Lời ca dâng Bác - Trọng Loan). Chính miền Nam cũng luôn hướng về Người nên “Dẫu núi có mòn, sông kia có cạn, miền Nam ơi, miền Nam nhớ mãi ơn Người thiết tha...” (Miền Nam nhớ mãi ơn Người – Lưu Cầu, Trần Nhật Nam), hay mỗi khi hát tên Người, dù giữa ngục tù, súng đạn, tiếng hát người dân miền Nam vẫn vang lên “Trên cánh đồng miền Nam, đau thương mây phủ chân trời, khi ca lên Hồ Chí Minh, nghe lòng phơi phới niềm vui” (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người - Trần Kiết Tường). Nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục hòa với tình cảm của nhân dân Đồng Tháp Mười mà viết thành câu hát: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ…”; còn đối với nhân dân Tây Nguyên thì “Ê con chim Nhông, con chim KơTia, con công tung cánh. Này chim có hay rằng: ai thương ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên …” (Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên – Lê Lôi ).

Tháng 9 năm 1969, Người từ giã chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng. Sự đau đớn, mất mát ấy đã khiến cho các nhạc sĩ cảm xúc dâng trào và đồng loạt viết về Người. Từ miền Nam, Lưu Hữu Phước nén đau thương mà viết : “Ôi thiêng liêng tiếng Bác nghe như lời Tổ quốc, xuyên đêm tối dắt đường ta tiến tới”, và nghẹn ngào từng lời hát ngân vang “Người đi xa vắng tiếng của Người còn đây, tình Người bao la sáng soi cuộc đời ta hằng ngày…” (Tình Bác sáng đời ta – Lưu Hữu Phước, Long Hưng, Minh Tuyền). Chu Minh thì thổn thức: “Đất nước nghiêng mình đời đời nhớ ơn. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam…”, và “Thế giới nghiêng mình, loài người tiếc thương. Đây người chiến sĩ đấu tranh cho tự do…” (Người là niềm tin tất thắng). Nguyễn Đồng Nai thì vững vàng hơn từ chiến hào chống Mỹ: “Hồ Chí Minh ánh thái dương rực sáng bầu trời, nâng chúng ta lên cuộc sống làm người, chiến đấu cho độc lập tự do, Hồ Chí Minh niềm kính yêu, Người sống mãi trong lòng miền Nam…” (Người sống mãi trong lòng miền Nam). Từ chiến trường Trị Thiên khói lửa, Huy Thục đã viết: “… Lời Bác vang lệnh tiến công, Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân…” (Bác đang cùng chúng cháu hành quân). Các chiến sĩ Giải phóng quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong đêm trăng đã hát lên: “Đêm Trường Sơn chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây, cảnh về khuya như vẽ, bâng khuâng chúng cháu nghĩ Bác như đang đến nơi này…” (Đêm Trường Sơn nhớ Bác - Trần Chung, Nguyễn Trung Thu).

Dù Người không còn sống với chúng ta nhưng Bác Hồ luôn là niềm thương nhớ của mọi người. Phong Nhã viết: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng…”, còn Xuân Giao thì “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, râu Bác dài tóc Bác bạc phơ…”. Đến tận nước Anh xa xôi, Ewan Maccon với Bài ca Hồ Chí Minh: “… Hồ Chí Minh ngày đêm xót thương dân tộc nô lệ… Vì tự do hòa bình Người hiến dâng đời mình vì thế giới hòa bình…” (Phú Ân dịch lời Việt).

Mùa Xuân năm 1975, khắp cả miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy, quân và dân ta như thấy “… Bác đã cùng về với những đoàn quân, Bác vẫn đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con, Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn…” (Tiếng hát thành phố mang tên Người – Cao Việt Bách, Đăng Trung) và chiến dịch mang tên Người giành thắng lợi hoàn toàn. Trong ngày vui ấy cả nước vang lên lời ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng… Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh…” (Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - Phạm Tuyên) mà lòng trào dâng cảm xúc.

Sau ngày toàn thắng, lúc này Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được hoàn thành; thỏa lòng ước mong nhân dân cả nước về thăm Người trong: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong, trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng, về thăm Bác hôm nay bao mến thương xao xuyến trong lòng…” (Bên Lăng Bác Hồ - Dân Huyền), và những đứa con miền Nam ra thăm Người đã hát “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác, đã thấy trong Lăng hàng tre bát ngát…”, hay
“… Bác nằm trong Lăng giấc ngủ bình yên, giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền…” (Viếng Lăng Bác - Hoàng Hiệp, Viễn Phương); đến anh chiến sĩ bảo vệ Lăng Bác cũng hát về Người: “Vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc…” (Chúng con bên giấc ngủ của Người - Nguyễn Đăng Nước).

Hơn ba mươi năm Người xa chúng ta, mỗi lần về thăm Người, nhìn cảnh vật quanh căn nhà sàn của Người, Đỗ Nhuận viết: “Trông cây tôi lại nhớ Người, rừng bao nhiêu cây mọc thì tôi ơn Người bấy nhiêu …” (Trông cây lại nhớ đến Người). Thuận Yến viết: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại…” (Bác Hồ, một tình yêu bao la).

Những ca khúc viết về Bác Hồ còn rất nhiều và đây sẽ vẫn là đề tài được nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo. Xin mượn lời thơ của Pêlix Pita Rôdrighêt (Cuba) để nói rằng: “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”.

  • Thế Tuyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người Bình Định ở Phú Quốc  (02/06/2007)
Học tập và làm theo phong cách sống và làm việc của Bác Hồ  (02/06/2007)
Nóng bỏng tai nạn giao thông  (02/06/2007)
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)
Tôi đi xe khách giường nằm  (02/06/2007)
Lời tâm huyết từ làng đúc Bằng Châu  (02/06/2007)
Cơm ”bụi”  (02/06/2007)
Thơ  (02/06/2007)
Dòng sông lặng lẽ  (02/06/2007)
Cây cau An Lão thăng hoa  (02/06/2007)
Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ở các doanh nghiệp  (02/06/2007)
Hát Bội Bình Định - làm gì để tồn tại ?  (02/06/2007)
Bức tranh đáng buồn  (02/06/2007)
Khi võ sĩ trở thành vệ sĩ  (02/06/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/06/2007)