Tập kết ra Bắc, tôi được sang Trung Quốc học. Khi về nước tôi làm phái viên Cục Cán bộ, thuộc Tổng cục Chính trị nên có điều kiện gặp Bác Hồ. Sau đây tôi xin nêu một lần gặp Bác sâu sắc nhất.
|
Khu Di tích lịch sử Nhà Bác Hồ ở thuở nhỏ (bên trái) và Nhà ngoại Bác Hồ (bên phải) ở Nghệ An. Ảnh: Văn Tây
|
Đầu năm 1959 tôi được Bộ Tổng tư lệnh chọn trong số 23 cán bộ quân sự người Bình Định, ra Hà Nội học tập để về quê hương chiến đấu. Trong thời gian chúng tôi học tập, Bác có đến thăm vài lần để xem việc ăn ở của anh em thế nào. Sau khóa học, vào một buổi chiều trước khi lên đường về lại quê hương, chúng tôi được tin báo: “Tối nay có cấp trên đến thăm”.
Cơm nước xong, đoàn tập trung tại phòng họp, nhìn ra cửa thấy Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào. Anh em mừng quá, đồng chí nào cũng muốn gần Bác. Sau khi ân cần thăm hỏi sức khỏe và việc học tập của chúng tôi, Bác Hồ dặn dò: “Các cháu về trong đó khó khăn gian khổ lắm, Bác không nói hết được. Bác chỉ nói các cháu nắm chắc 3 điều: “Tin ở Đảng, tin ở dân, tin ở bản thân mình”. Nắm chắc ba điều tin, về trong đó vận dụng cụ thể”. Nói xong Bác ra về, chúng tôi nhìn theo Bác mà vô cùng cảm động, đồng chí nào cũng rưng rưng nước mắt. Ba điều tin Bác dạy, chúng tôi xem đó là “cẩm nang” cho cả cuộc đời mình.
Về tỉnh, tôi được phân công công tác trong Ban cán sự Tỉnh đội, phụ trách xây dựng và chỉ huy lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh. Cuối năm 1960, rút cơ sở thanh niên ở đồng bằng lên được 1 trung đội, tỉnh tổ chức thành lập “Đội vũ trang tuyên truyền 02/9”.
Sau đây tôi xin ghi lại việc thực hiện từng điều tin Bác dạy, mỗi điều tin nêu một trường hợp cụ thể.
* Tin ở Đảng:
- Cuối năm 1960, Tỉnh ủy giao cho đơn vị 02/9 đánh trung đội dân vệ ở trụ sở ngụy quyền xã Hoài Tân (Hoài Nhơn) với điều kiện: không được nổ súng, không được để địch chết; thu vũ khí, tài liệu, giáo dục xong phóng thích tại chỗ.
Nhận nhiệm vụ, tôi rất băn khoăn, bởi tôi cũng đã từng chỉ huy đại đội đánh thực dân Pháp với yêu cầu diệt được nhiều địch. Nhưng trận này Tỉnh ủy lại yêu cầu không được nổ súng, không được để địch chết. Đây là một yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh chưa nói rõ. Nghe theo lời dạy của Bác “tin ở Đảng”, phải bằng mọi cách khắc phục. Đơn vị tiến hành tập võ thuật cho chiến sĩ, kiên quyết bắt sống địch.
Thực hiện đúng ý đồ, kết quả toàn bộ trung đội dân vệ của địch bị bắt sống, ta thu vũ khí, tài liệu, giáo dục và phóng thích tại chỗ. Sau đó được tin cả trung đội dân vệ này không làm việc cho địch nữa hoặc bỏ đi làm ăn xa. Nhân dân ca ngợi sự tài giỏi của quân Cách mạng, cơ sở của xã được phát triển, địch không có cớ gì để khủng bố nhân dân.
* Tin ở dân:
Cũng vào cuối năm 1960, Tỉnh ủy giao đơn vị 02/9 tiến hành vũ trang tuyên truyền tại thôn Thạch Khê thuộc xã Ân Tường (nay thuộc xã Ân Tường Đông - Hoài Ân), phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, rút thanh niên lên xây dựng lực lượng và xây dựng Đội công tác xã. Đơn vị tổ chức cho anh em nắm vững về công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở và nói rõ cho anh em về tình hình dân chúng bị Mỹ- Diệm kèm kẹp khủng bố, chúng dùng chiến tranh tâm lý nói xấu Cách mạng.
Một buổi chiều vào khoảng 17 giờ, đơn vị bắt đầu ra xóm thì dân tỏ vẻ hoảng sợ kéo nhau chạy ra vùng địch không dám quay lại nhìn. Do đã tiên liệu tình hình này nên anh em vẫn yên tâm tiến hành bố trí cảnh giới, phân công làm công tác dân vận: làm vệ sinh sân vườn, đập lúa thu dọn cho dân, cho heo bò ăn...; có chiến sĩ lỡ tay làm bể nồi cám heo, anh em viết thư xin lỗi, góp tiền nhau để lại, nhờ dân mua nồi mới. Mặc dù rất đói, nhưng những đám giỗ và những mâm cơm nhân dân dọn ra chưa kịp ăn, anh em đậy lại cẩn thận, không dám dùng vào một vật gì của dân.
Khi rút về, đơn vị bố trí một tổ lót tại bìa rừng, để sáng hôm sau nghe người dân đi làm ruộng bàn tán về việc chúng ta xuống buổi chiều. Đến 10 giờ trưa, tổ trinh sát báo cáo: “Nhân dân đi làm ruộng, họ tụm năm tụm ba bàn tán rằng, chiều hôm qua không phải địch giả cộng sản, và cũng không phải cộng sản xuống, mà chắc chắn là bộ đội Cụ Hồ về, vì nhà tôi họ không lấy một thứ gì, ngay cả đám giỗ chưa kịp ăn họ vẫn để nguyên; bò, heo họ cho ăn cẩn thận”.
Chiều hôm sau anh em ra làng, dân vẫn đi nhưng không chạy và ngoái nhìn lại để xem bộ đội Cụ Hồ. Đơn vị vẫn tiến hành công tác dân vận như đêm trước. Ngày thứ ba, đơn vị chọn những anh em ăn nói lưu loát, viết sẵn một số câu ngắn gọn cho anh em học thuộc lòng, đại ý nói: “Chúng con là con em các gia đình ở làng xã xung quanh, bị Mỹ - Diệm đánh đập tàn sát, chúng con nghe lời Mặt trận giải phóng, đi theo Cách mạng vào bộ đội giải phóng để đánh Mỹ- Diệm, cũng là bộ đội Cụ Hồ”. Đơn vị nhận định thế nào đêm nay cũng có người trốn lại nhà để xem bộ đội Cụ Hồ cho rõ.
Đúng như nhận định, sau khi làm công tác dân vận xong, anh em ngồi giữa sân nói những câu đã học. Vào khoảng 21 giờ nghe trong nhà có tiếng động, anh em mừng quá vào ngồi ở hè tiếp tục nói. Đến 23 giờ trong nhà thắp đèn và có những cụ ông, cụ bà mở hé cửa ra dòm. Anh em vẫn tiếp tục nói, khoảng 24 giờ đêm ông cụ nói nhỏ: “Anh em vào nhà”. Anh em vừa bước vào nhà, ông cụ, bà cụ vội ôm anh em vuốt từ đầu đến chân, bệu bạo khóc: “Các con có phải bộ đội Cụ Hồ về cứu dân không?”. Các nam nữ thanh niên trong xóm đứng nhìn, nói: “Họ nói các anh ốm yếu, 7 người đeo cộng đu đủ không gãy, sao các anh khỏe mạnh và ăn nói dễ thương thế ?”. Thế là gia đình bắt đầu kể khổ về tội ác của Mỹ - Diệm và họ đã cho ta biết những người nào làm tay sai cho địch, đánh dân; những gia đình nào có người tập kết, những gia đình nào có người bị địch bắt bỏ tù...
Ngày thứ tư, qua tình hình trên, anh em càng phấn khởi và hướng dẫn cho đơn vị cách điều tra, móc nối cơ sở, báo cáo để rút người lên căn cứ. Kết quả, chỉ trong vòng 5 ngày, ta đã xây dựng được cơ sở và đã rút được 7 người lên căn cứ.
* Tin ở bản thân mình:
Giữa năm 1967, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập đồng chí Biên Cương - Bí thư Thị ủy Quy Nhơn - và tôi - phụ trách quân sự Khu Đông - về tỉnh họp. Sau khi họp xong, đồng chí Biên Cương ở lại làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy, còn tôi trở về Tỉnh đội để chủ trì Đại hội thi đua. Sau Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gọi tôi đến cho biết: “Việc chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân gấp quá rồi, đồng chí Biên Cương họp xong thì đường dây bị kẹt 10 ngày không về được. Đồng chí có cách gì đi cùng đồng chí Biên Cương về Khu Đông để chuẩn bị cho kịp”. Tuy còn mệt nhưng tin ở sức mình, tôi đề nghị đồng chí Bí thư nói với đồng chí Biên Cương chỉ đi 3 người, tôi cùng đi với tổ trinh sát, 5 giờ chiều gặp nhau tại xã Cát Sơn - Phù Cát.
Tối hôm đó, đoàn chúng tôi xuống xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), cho tổ trinh sát rà đường thì bọn Mỹ đã phục kích dày đặc. Tôi nói với anh em bám chặt địch, khi chúng sơ hở thì ta bước qua địch mà đi, và đêm hôm đó chúng tôi đã xuống đến đường, băng qua sông La Tinh ở xã Cát Tài vào thẳng Núi Bà. Chúng tôi không phải theo đường mòn, cứ nhắm hướng mà băng, hết gộp đá này đến gộp đá khác, hang sâu này đến hang sâu khác và mãi đến 4 giờ sáng hôm sau thì đến xã Cát Tường. Sau khi nghe anh em đội công tác ở thôn Chánh Lý báo cáo tình hình địch, tôi quyết định vượt sông Chánh Mẫn trước khi trời sáng, lách vào thôn Liêm Lợi thuộc xã Nhơn Phong (An Nhơn) tạm trú, vì bọn Nam Triều Tiên ở Núi Đất quan sát, ban ngày khó đi.
Đúng 12 giờ trưa trời nắng gắt, lợi dụng tình hình ấy, chúng tôi ngụy trang rất kỹ, lướt, bò, lách từng cụm cây một, mãi đến 3 giờ chiều ngày hôm đó chúng tôi đã về đến Sở chỉ huy tiền phương Tỉnh đội ở Khu Đông đóng tại xã Phước Thắng. Thế là nhờ tin ở bản thân mình, tôi đã hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao phó.
|