Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc
14:15', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc suốt ba mươi năm 1945-1975, Lời kêu gọi tập trung toàn bộ “tinh thần và lực lượng, của cải và vật chất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cả nước nhất tề hưởng ứng, đã tạo thành nguồn lực vô song. Văn hóa - văn nghệ thực sự là một mặt trận. Văn nghệ sĩ thực sự là chiến sĩ. Các bộ môn nghệ thuật đều có những đóng góp quan trọng, nhưng xứng tầm nhất, theo kịp cuộc kháng chiến kiến quốc nhất trước hết phải kể đến ca khúc.

 

Ca khúc cách mạng vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả hôm nay. Ảnh: H.T

 

Cũng là điều dễ hiểu, do đặc trưng riêng đầy ưu thế của mình, con người dù mù chữ hay học vấn cao, nhận thức hay quan niệm sống thế nào đi nữa, thì từ chính trong tâm hồn họ đã sẵn ngân nga một chuỗi âm thanh đẹp và dễ dàng tiếp nhận những điệu thức hợp tai từ thiên nhiên, từ âm nhạc. Ca khúc cách mạng đã nhập cuộc tuyệt vời, ngay cả để minh họa một chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng.

Thời 9 năm kháng chiến, không một phong trào nào không có bài ca. Ca từ rõ ràng dễ hiểu, giai điệu đơn giản dễ hát và thế là rộn ràng cùng thôn khắp xóm. Bài ca dùng tiền tín phiếu, hũ gạo nuôi quân, bình dân học vụ, dân công, làm đê điều… Phần đông người dân mù chữ nhanh chóng hiểu chủ trương với niềm tin và khí thế, chẳng hạn: “Lúa khoai ta gắng trồng sườn non cho đến bờ sông. Áo ta chưa ấm lòng thay mía ta trồng bông… Anh em ơi chúng ta góp muôn bàn tay. Gắng sức làm sướng vui rồi đây có ngày…” (Bài ca tự túc - Dương Minh Ninh). Cái thời ba bề bão giông - giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm - tự túc là chủ trương tất yếu, nhưng bài ca là niềm tin và sức mạnh! Động viên tòng quân thì hành khúc lên đường Lá xanh của Hoàng Việt giờ vẫn cứ hay. Cũng tác giả tài năng này, người vợ chu toàn chuyện gia đình rồi “gánh gạo lên ngàn cùng nhau chung sức chung lòng giết Tây” với tin tưởng tuyệt đối “kháng chiến nhất quyết thành công” (Lên ngàn). Những bài ca về người lính, tình quân dân, về lòng căm thù giặc giục giã cầm súng chiến đấu rất nhiều: Bình Trị Thiên máu lửa, Vệ quốc quân, Đâu có giặc là ta cứ đi, Hò kéo pháo, Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên… Không thể kể hết những ca khúc hay về mảng đề tài này. Có tác giả ngã xuống ở chiến trường ngay sau bài ca xuất thần Vì nhân dân quên mình để đời như Trương Quang Khải, có tác giả còn tiếp tục trường lực sau này như Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Huy Du…

Thời chống Mỹ, ca khúc cách mạng vẫn xuất sắc theo kịp cuộc chiến. Suốt chiều dài “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, từ người giải phóng quân đến cô thanh niên xung phong, từ người lính xe tăng đến anh lính giao bưu, anh nuôi… tất cả đều được khắc họa vừa hiện thực vừa lãng mạn trong mưa bom bão đạn với niềm tin tất thắng. Thêm những tên tuổi đáng nhớ: Huy Thục, Xuân Giao, Doãn Nho, Vũ Trọng Hối, Xuân Hồng, Phan Huỳnh Điểu… Và rất nhiều những ca khúc đến giờ vẫn còn làm xúc động lòng người nếu gắn đúng vào bối cảnh cụ thể: Cô gái mở đường, Bác cùng chúng cháu hành quân, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Tiếng đàn Ta Lư, Tiếng chày trên sóc Bom-Bo, Bước chân trên dãy Trường Sơn, Nổi lửa lên em, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiến về Sài Gòn… Ở mảng trữ tình, cũng không thiếu đắm say mãnh liệt, yêu nhau và chiến đấu càng tăng thêm sức mạnh, niềm tin: Tình ca, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Em ở nơi đâu… Ở hậu phương lớn miền Bắc, chị em ta cũng hăng say với Bài ca may áo, Hai chị em, Đường cày ba đảm đang… Ngay ngày Sài Gòn giải phóng, lập tức vang lên tràn ngập niềm vui: Như có Bác trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà)… Vô vàn những dẫn chứng cho cuộc tốc hành đầy hiệu quả của ca khúc trong khúc quân hành gian lao và anh dũng đánh giặc cứu nước của dân tộc.

Thời kỳ này, cũng không thể không nhắc đến những ca khúc của các nhạc sĩ ở miền Nam, những bài ca chất ngất tinh thần dân tộc, động viên sinh viên học sinh xuống đường tranh đấu: Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Hát cho dân tôi nghe (Tôn Thất Lập), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh)… Mỗi người một cảnh, người trực tiếp cầm súng chiến đấu, người chỉ mẫn cảm về tự hào dân tộc, nhưng tất cả chung một lòng yêu nước.

Trừ những bài ca đơn giản vần vè, minh họa chủ trương, ca khúc cách mạng nếu thể hiện đúng tâm thế thời đại, lòng yêu nước gắn với tâm thế thời đại cất lời, chắc chắn sẽ còn lại với thời gian.

  • Hoàng Miên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những nẻo đường hoa  (07/07/2007)
Niềm vui và nỗi lo từ hai đội tuyển  (07/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/07/2007)
Làm theo lời Bác dạy  (02/06/2007)
Hát về Người - Hồ Chí Minh, lời ca vang mãi  (02/06/2007)
Người Bình Định ở Phú Quốc  (02/06/2007)
Học tập và làm theo phong cách sống và làm việc của Bác Hồ  (02/06/2007)
Nóng bỏng tai nạn giao thông  (02/06/2007)
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)
Tôi đi xe khách giường nằm  (02/06/2007)
Lời tâm huyết từ làng đúc Bằng Châu  (02/06/2007)
Cơm ”bụi”  (02/06/2007)
Thơ  (02/06/2007)
Dòng sông lặng lẽ  (02/06/2007)
Cây cau An Lão thăng hoa  (02/06/2007)