Cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh:
Vượt qua nguy hiểm vì sự yên bình cho mọi người
14:23', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Pháp luật về lao động của nước ta có quy định cán bộ, công chức, người lao động bình quân mỗi tuần làm việc 40 giờ; thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh (CS 113) thuộc PC13 Công an tỉnh Bình Định phải trực chiến mỗi tuần hơn trăm giờ. Không được hưởng chế độ bù giờ hoặc tăng ca, nhưng họ vẫn vượt qua gian nan, nguy hiểm, làm việc thật trách nhiệm, thông minh và cần mẫn, vì sự bình yên của mọi người, mọi nhà.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương (áo veston màu đen) thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ CS 113 giữ gìn ANTT đêm Giao thừa.

 

* CS 113 - một địa chỉ quen thuộc

Lực lượng CS113 từ hơn 6 năm nay (thành lập năm 2000) đã trở thành địa chỉ cấp thiết và quen thuộc của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan khi gặp những tình huống nguy nan. Quen thuộc đến mức khi có ai đó bị người khác tấn công, bị đe dọa tấn công, … họ đều nhớ ngay đến số máy 113 để yêu cầu ứng cứu cho mình, hoặc cho người bị hại khác. Thậm chí những lĩnh vực ngoài chức năng của CS 113, vẫn có nhiều người yêu cầu như: những mâu thuẫn nhỏ giữa các em học sinh, giữa các bà nội trợ, chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” dẫn đến vợ chồng to tiếng với nhau…. Chỉ tính từ đầu năm 2007 đến nay, CS 113 tiếp nhận 251 tin, trong đó cố ý gây thương tích 39 vụ, gây rối trật tự công cộng 119 vụ, chống người thi hành công vụ 11 vụ, cháy nổ 4 vụ… Dựa vào những tin báo do người dân cung cấp, lực lượng CS 113 đã bắt giữ 216 đối tượng, cấp cứu 9 người bị thương; tạm giữ 1 ô- tô, 77 mô- tô và thu giữ hàng trăm hung khí gây án và chuẩn bị gây án.

Để xác định độ chính xác của 251 nguồn tin báo nêu trên, lực lượng CS 113 đã sàng lọc hàng nghìn tin báo giả, tin báo không đúng chức năng, không đúng thẩm quyền xử lý, tin báo không rõ… Trung tá Phan Hồng Duy - Đội trưởng Cảnh sát trật tự- phản ứng nhanh, cho biết: “Đã là lực lượng phản ứng nhanh, nên việc có mặt kịp thời để tấn công tội phạm, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng… là tối cần thiết. Thế nhưng, để xác minh tin báo, CS 113 thường liên lạc với công an phường, xã, thị trấn yêu cầu xác minh, đánh giá tính cấp thiết của vụ việc mới triển khai lực lượng đến địa điểm có yêu cầu”. Có những vụ sĩ quan trực ban chuyên trách phải sử dụng óc phán đoán đối với những nguồn tin không rõ nội dụng, địa điểm…, vì có thể người báo tin đang bị truy đuổi, tấn công, nên nguồn liên lạc bị gián đoạn; trường hợp này CS 113 phải dùng biện pháp nghiệp vụ khác để xác minh và ứng cứu.

* Sự hỗ trợ phối hợp của xã hội chưa cao

Sự cộng tác và phối hợp của xã hội trong tấn công, trấn áp tội phạm, ngăn chặn hành vi phạm tội là vô cùng cần thiết đối với CS 113, thế nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong xã hội chưa tham gia cộng tác, phối hợp với lực lượng phản ứng nhanh. Thậm chí một số người còn có hành động quá khích, cản trở khi lực lượng CS 113 thi hành nhiệm vụ. Có những vụ các băng nhóm đánh nhau bằng hung khí nguy hiểm, nhận được tin báo, các chiến sĩ CS 113 có mặt để khống chế, ngăn chặn, thường bị các đối tượng này chống trả quyết liệt, nhiều công dân chứng kiến không những đứng ngoài cuộc không hỗ trợ mà có khi còn che giấu, ngăn cản việc truy bắt các đối tượng này. Phần lớn những vụ vi phạm an ninh trật tự xảy ra, nhiều người hiếu kỳ đến xem, gây tắc đường và khó khăn cho thao tác nghiệp vụ của lực lượng phản ứng nhanh.

Hung khí của các băng nhóm đánh nhau bị CS 113 thu giữ.

Đã có nhiều trường hợp người dân còn hiểu nhầm, xem lực lượng CS 113 như công cụ giải quyết những vấn đề riêng tư, như: Con trẻ ngỗ ngược, cha mẹ gọi điện CS 113 nhờ dọa; Xích mích với người hàng xóm, bị chửi cũng gọi đến CS 113 yêu cầu đến bắt; Nhà hàng xóm nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, gọi CS 113 đến xử phạt; Các nhóm học sinh bậc học PTCS gây gổ nhau, bị nhóm khác dọa đánh, gọi CS 113 bảo vệ…, thậm chí có những việc linh tinh, vụn vặt, riêng tư nhưng có người vẫn gọi đến lực lượng phản ứng nhanh, do thiếu hiểu biết, hoặc cố tình quấy nhiễu. Có vị phó giám đốc cấp sở, gọi điện thoại di động đến CS 113 báo tin về một vụ gây rối trật tự xã hội tại công sở, trực ban hỏi họ tên, địa chỉ người cung cấp tin, thì lập tức bị “sửng cồ” ngay: “Tôi thấy sự việc như vậy báo cho các anh, tôi còn phải khai rõ họ tên nữa sao?”, rồi cúp máy! Xác định nguồn tin, người cung cấp thông tin là cần thiết, nhưng do chưa thông hiểu, nên có người đã phản ứng.

Hàng ngày CS 113 phải chịu nhiều áp lực từ việc nhận tin báo, xử lý tin báo; chỉ có 25% đến 30% số tin báo là đúng, còn lại hầu hết là báo sai, báo giả và quấy phá, nên trực ban cần phải cân nhắc khi nhận tin. Đại úy Nguyễn Ngọc Quý - Sĩ quan Trung tâm nhận tin CS 113 - tâm sự: “Mới đây, có một tin bằng giọng nam báo bị cướp hiếp, tại bãi tắm Hoàng Hậu gần lúc nửa đêm. Chúng tôi báo Công an phường Ghềnh Ráng đến tiếp cứu trước, đồng thời xác minh số điện thoại bàn gọi đến. Cuối cùng Công an phường không tìm ra nạn nhân và thủ phạm, số máy bàn thuộc một nhà riêng trên đường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn), đó là một tin báo giả! Ngược lại cũng vào lúc gần nửa đêm một giọng nữ gọi điện thoại di động báo rằng đang bị một nhóm bạn trai rượt đuổi đòi cưỡng bức, cũng ở phường Ghềnh Ráng; thông tin bị gián đoạn nhiều lần, do lúc gọi nạn nhân ẩn nấp, sợ bị phát hiện. Bằng trực giác nghiệp vụ, trực ban xác định đây là tin thật, mặc dù thông tin rất thiếu và rất khó xác định, cuối cùng vẫn giải cứu kịp nạn nhân”.

Tin báo bằng điện thoại di động dịch vụ cước phí trả trước thì khó xác minh được ngay danh tính, địa chỉ, người báo nên việc tiếp nhận, phân loại tin báo càng gặp khó khăn; tin báo bằng điện thoại cố định (máy bàn) dễ xác minh địa chỉ, tên họ của chủ máy (nếu gọi quấy nhiễu); tuy nhiên hiện nay có nhiều mạng dịch vụ thông tin- liên lạc không đăng ký chủ thuê bao, nên nhiều người lợi dụng để phá, để báo tin giả. CS 113 đã xử lý rất nhiều trường hợp, tuy nhiên hành vi quấy phá này vẫn còn xảy ra đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng phản ứng nhanh.

Trung tá Phạm Năm, Phó trưởng phòng PC13 phụ trách lực lượng cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh, nói về những khó khăn hiện nay của CS 113: Cán bộ, chiến sĩ CS 113 phải làm việc trong điều kiện rất nguy hiểm và gian khó, phần lớn các cơ quan, tổ chức và cá nhân đã cảm thông và ủng hộ, nhưng vẫn còn một số người ý thức công dân chưa cao gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của CS 113. Việc tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ an ninh - trật tự xã hội ở khu dân cư của mọi công dân là rất cần thiết. Bộ Công an và UBND tỉnh cần quan tâm tăng cường biên chế, hỗ trợ kinh phí hoạt động, trang bị thêm phương tiện, công cụ bổ trợ nghiệp vụ chiến đấu, … và có chủ trương tăng cường công tác phối hợp của các ngành, các địa phương tạo điều kiện cho lực lượng Cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc  (07/07/2007)
Những nẻo đường hoa  (07/07/2007)
Niềm vui và nỗi lo từ hai đội tuyển  (07/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/07/2007)
Làm theo lời Bác dạy  (02/06/2007)
Hát về Người - Hồ Chí Minh, lời ca vang mãi  (02/06/2007)
Người Bình Định ở Phú Quốc  (02/06/2007)
Học tập và làm theo phong cách sống và làm việc của Bác Hồ  (02/06/2007)
Nóng bỏng tai nạn giao thông  (02/06/2007)
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)
Tôi đi xe khách giường nằm  (02/06/2007)
Lời tâm huyết từ làng đúc Bằng Châu  (02/06/2007)
Cơm ”bụi”  (02/06/2007)
Thơ  (02/06/2007)
Dòng sông lặng lẽ  (02/06/2007)