Một nhà báo được nhận Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Lăng Bác
14:27', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Hơn mấy chục năm làm báo, nhà báo Hữu Thức (tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thức, nguyên cán bộ Đài Truyền hình Bình Định), không chỉ được biết đến với tư cách là một phóng viên nhiếp ảnh, mà còn là một nhà quay phim với những thước phim tư liệu quý. Đặc biệt, ông từng vinh dự nhận Bằng khen do có thành tích trong việc tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Nhà báo Hữu Thức (bên trái) đang nhớ lại kỷ niệm về những ngày tham gia Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh: N.P

 

* Máy chiếu phim, phóng ảnh tự tạo...

Nhà báo Hữu Thức đến với nghề báo thật tình cờ. Ông sinh năm 1937, tại thôn Tân Thành, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. Những năm 60 của thế kỷ trước, ông hoạt động bí mật trong ngành Hỏa xa Quy Nhơn. Đến ngày 16-3-1964, ông thoát ly, tham gia cách mạng và được tuyển vào Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định. Sau đó, khi Ban Tổ chức tỉnh Gia Lai xuống xin người lên phục vụ cho Tây Nguyên, ông tình nguyện về Tiểu ban Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gia Lai. Tại đây, ông được đào tạo làm phóng viên nhiếp ảnh. Ông bén duyên với nghề báo từ đó.

Nhà báo Hữu Thức kể: “Hoàn cảnh lúc ấy rất khó khăn, phương tiện kỹ thuật cho điện ảnh còn thiếu thốn”. Nhưng những khó khăn ấy không làm ông nản lòng. “Cái khó ló cái khôn”, ông đi xuống vùng đồng bằng, xin một bóng điện tròn to về tháo đuôi, cho nước vào để làm… kính hội tụ. Rồi ông lại xin về một cái thùng thiếc tây, lọ mọ gò thành một chiếc đèn, vừa rọi ảnh, vừa chiếu phim. Sau đó, ông đã dùng kính lúp phóng ảnh, đinamô xe đạp và vành xe đạp quay ánh sáng phóng ra ảnh 18x24 để đi triển lãm lưu động.

Và rồi vào ngày 2-9-1965, nhân dịp Quốc khánh 2-9, ông đã dùng những trang thiết bị tự tạo này để chiếu những bộ phim về tội ác của giặc và sự chiến đấu của bà con dân tộc Tây Nguyên, cho các cán bộ và đồng bào cùng xem. Đến dự buổi chiếu phim này, nhà báo Bút Thép đã biểu dương tinh thần dám nghĩ dám làm của ông.

Cứ như vậy, ông vừa đi phục vụ bà con, vừa nghiên cứu, phát minh ra những công cụ để chiếu phim, rọi ảnh cho rõ, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn lúc bấy giờ.

* Và những thước phim tư liệu quý

Đến năm 1969, ông được Ban Tuyên huấn Khu V đào tạo quay phim nhựa 16 ly, sau đó cấp máy và phim cho ông. Đã có phương tiện, ông cùng với hai nhà quay phim Trần Thế Dân (hiện là Cục phó Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thông tin) và Y Vang quay bộ phim “Những người săn thú trên núi Đak Sao”. Bộ phim này đã đạt giải Bồ Câu Vàng tại Liên hoan Phim Quốc tế ở Liên Xô. Sau này, bộ ba lại tiếp tục quay bộ phim “Phá khu dồn Chư Nghé”.

Có một kỷ niệm đáng nhớ với ông trong những tháng ngày mấy anh em cùng lặn lội đi quay phim tài liệu. Ông kể: “Khi làm phim “Những người trên núi Đak Sao” và “Phá khu dồn Chư Nghé” xong, mấy anh em giao liên đưa đoàn phim của chúng tôi trở về. Lúc băng qua một thung lũng ở Gia Lai, tụi tôi bắn được một con vượn và quyết định sẽ khiêng về hậu cứ. Lúc đi ngang qua một khu vực trồng mít, thì gặp địch phục kích. Tụi nó núp trong những gốc cây mít từ trước và nã đạn ra. Chúng tôi bắn trả lại, nhưng rồi một lúc sau, do địch quá đông, nên đành phải rút chạy. Tôi chạy theo các anh em giao liên, còn anh Trần Thế Dân thì chạy theo một hướng khác. Lúc chúng tôi đã thoát vào rừng, đang ngồi nghỉ, thì nhìn thấy một người, đầu đội chiếc mũ giống như mũ của lính Mỹ. Mấy anh em giao liên giơ súng định bắn, tôi chợt nhận ra đó là anh Trần Thế Dân và vội la lên: “Đây là anh em của mình!”. Vì thế, bây giờ, mỗi khi gặp lại nhau, anh Dân vẫn nói vui: “Lúc ấy, không có ông, chắc tôi đã nằm xuống rồi”.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1977, nhà báo Hữu Thức được chuyển về công tác tại Đài Truyền hình Quy Nhơn, làm Phó phòng Biên tập Thời sự. Tại đây, ông lại tiếp tục quay nhiều bộ phim tài liệu quý. Trong đó, bộ phim: “Những người khai thác tổ yến” đã đạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Phim Truyền hình Việt Nam, tổ chức lần đầu tiên tại Huế, năm 1979.

 

Bằng khen của Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhà báo Hữu Thức.

 

* Và tấm Bằng khen xây Lăng Bác

Kỷ niệm sâu sắc nhất với nhà báo Hữu Thức trong cả cuộc đời mấy chục năm làm báo vẫn là việc ông được tham gia đóng góp công sức vào việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày đó, khi Bác Hồ mất, để thể hiện niềm thương yêu của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Bác, hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đã đóng góp gỗ cây trắc, làm vật liệu xây dựng Lăng Bác. Nhà báo Hữu Thức được Ban Tuyên huấn Khu V cử đi quay phim vận chuyển gỗ ra Bắc. Ông vừa chụp ảnh, vừa quay phim, vừa phụ giúp bà con kéo gỗ ra khỏi đường mòn, gởi về Hà Nội.

Sau ngày giải phóng, ông được Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen về thành tích xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tâm sự: “Tôi rất bất ngờ khi biết tin mình nhận được tấm bằng khen cao quý này. Nói thật là lúc làm, tôi chỉ nghĩ mình làm một cuốn phim tư liệu về xây Lăng Bác để phục vụ bà con. Tôi thật sự vui và hãnh diện, vì mình đã đóng góp một phần nhỏ vào việc tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Còn những tấm ảnh ông chụp trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và khai thác gỗ xây Lăng Bác, hiện đã được phóng lớn, trưng bày tại Bảo tàng Gia Lai. Với nhà báo Hữu Thức, đó là những gì quý giá nhất trong cuộc đời làm báo của mình. Hiện nay, tuy đã nghỉ, nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt tại Chi hội Nhiếp ảnh (Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định). Mới đây, ông lại được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam.

  • Nam Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vượt qua nguy hiểm vì sự yên bình cho mọi người  (07/07/2007)
Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc  (07/07/2007)
Những nẻo đường hoa  (07/07/2007)
Niềm vui và nỗi lo từ hai đội tuyển  (07/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/07/2007)
Làm theo lời Bác dạy  (02/06/2007)
Hát về Người - Hồ Chí Minh, lời ca vang mãi  (02/06/2007)
Người Bình Định ở Phú Quốc  (02/06/2007)
Học tập và làm theo phong cách sống và làm việc của Bác Hồ  (02/06/2007)
Nóng bỏng tai nạn giao thông  (02/06/2007)
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)
Tôi đi xe khách giường nằm  (02/06/2007)
Lời tâm huyết từ làng đúc Bằng Châu  (02/06/2007)
Cơm ”bụi”  (02/06/2007)
Thơ  (02/06/2007)