Chữa bệnh ở khu dịch vụ
14:53', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã từng bước thực hiện các giải pháp nhằm phục vụ bệnh nhân (BN) ngày một tốt hơn. Việc tổ chức khu chữa bệnh dịch vụ là một giải pháp.

 

Khu chẩn đoán kỹ thuật cao mới được đưa vào sử dụng đầu tháng 5-2007. Người dâng đang chờ kiểm tra tại phòng chụp cắt lớp vi tính.

 

* Từ điều trị dịch vụ...

Gia đình làm nông, vốn dĩ thắt lưng buộc bụng quanh năm, thế nhưng khi chồng bị tai nạn phải đưa vào khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (NTK-CS) BVĐK tỉnh chữa chạy, bà Trâm (Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) đã quyết định đưa ông vào nằm ở khu điều trị dịch vụ. Tiền giường mỗi ngày 75.000 đồng, cộng với chi phí ăn uống, vị chi cả thảy 100.000 đồng/ngày. Nửa tháng, bà Trâm đã mất đứt 1,5 triêïu đồng chưa kể chi phí thuốc men điều trị. Dù thế bà vẫn vui lòng vì “tiền nào của nấy”. Phòng điều trị có khu vệ sinh khép kín, gắn máy lạnh mà lại chỉ có 2 giường gồm hai BN và hai người nhà chăm sóc nên rất yên tĩnh, sạch sẽ và mát mẻ chưa kể vào - ra cổng khoa cũng dễ dàng hơn. Còn BN Phan Văn Phong, chồng bà Trâm, nhận xét: “Tôi thấy thoải mái, dễ chịu như nằm ở khách sạn chứ không phải trên giường bệnh. Có lẽ, tôi hồi phục nhanh cũng nhờ nằm ở bên dịch vụ”.

Hiện khoa NTK-CS có 4 buồng điều trị, từ loại 2giường/buồng đến loại 4-6 giường/buồng, mức giá dao động từ 50.000 đến 75.000 đồng/giường/ngày tùy theo yêu cầu của BN. “Nếu người nhà yêu cầu 1 BN 1 buồng khoa cũng có thể đáp ứng được với giá 150.000 đồng/ngày. Hầu hết các BN qua giai đoạn phẫu thuật đều muốn chuyển sang khu điều trị dịch vụ nhưng khoa không thể đáp ứng đủ” - điều dưỡng viên của khoa cho biết.

Từ năm 2005 đến nay, không chỉ mình khoa NTK-CS mà một số khoa khác như Sản, Nội, Hồi sức cấp cứu nội… của BVĐK tỉnh cũng đã lần lượt thực hiện điều trị dịch vụ theo yêu cầu của BN, tùy thuộc vào cơ sở vật chất của từng khoa. Theo nhận xét chung của các khoa, mức sống của người dân trong tỉnh hiện ngày càng cao nên yêu cầu về phòng dịch vụ ngày càng nhiều nhưng cho đến nay, “cung” vẫn chưa thể theo nổi “cầu”. Hầu hết BN đều phải thông báo trước để khoa sắp xếp nhưng có khi cũng phải chờ. Chị Tố U., mới sinh con đầu lòng, kể: “Ngay từ lúc vào nhập viện tôi đã đăng ký nằm phòng dịch vụ ở khoa Sản. Sinh xong, hai mẹ con phải nằm ngoài giường xếp chờ hết một ngày mới đến lượt”.

Việc ra đời của các khu điều trị dịch vụ là xu thế chung đa dạng hóa mọi loại hình phục vụ phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau trong xã hội, không chỉ riêng trong lĩnh vực y tế mà trên tất cả mọi lĩnh vực khác. Tuy nhiên, TS Phạm Tỵ, Giám đốc BVĐK tỉnh, khẳng định: “Người có tiền hơn sẽ chỉ được quyền ưu tiên hơn trên cơ sở vật chất, tiện nghi. Còn lại, người giàu cũng như người nghèo, đều phải được hưởng chung thái độ phục vụ của y, bác sĩ lẫn phương pháp điều trị, thuốc men… không thể có trường hợp nhất bên trọng, nhất bên khinh. Tinh thần phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện chúng tôi là phải cho mọi BN đều cảm thấy hài lòng vì được phục vụ tốt, kịp thời”.

* …đến chẩn đoán kỹ thuật cao

Từ tháng 5-2007, BVĐK tỉnh đã đưa vào sử dụng chẩn đoán lâm sàng kỹ thuật cao. Khu khám mới được trang bị 2 máy X quang cao tầng kỹ thuật số hiện đại, 1 máy chụp CT 6 lớp cắt, các trang thiết bị sinh hóa hiện đại như máy xét nghiệm laser, máy siêu âm màu 4D… nhằm phát hiện, chẩn đoán nhanh và chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân. Tổng kinh phí đầu tư thiết bị máy móc khoảng 25 tỉ đồng đều từ nguồn vốn xã hội hóa do cán bộ, nhân viên của BVĐK tỉnh đóng góp. Phí các dịch vụ kỹ thuật cao này đều được thu theo mức quy định của UBND tỉnh và theo các thông tư của Liên bộ Y tế - Tài chính và LĐ-TB&XH.

TS Phạm Tỵ giải thích: Tại sao người dân ở các thành phố lớn được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế cao cấp, hiện đại mà người dân Bình Định lại không? Vì sao cứ phải đi Sài Gòn, Hà Nội mới chẩn đoán ra được bệnh thay vì ở tại quê nhà. Là do chúng ta chưa thể trang bị được các máy móc chẩn đoán cận lâm sàng hiện đại… Ngoài ra, đầu tư trang thiết bị tiên tiến hiện đại cũng là cách thu hút được nhiều bác sĩ giỏi trở về quê hương làm việc đồng thời là động lực để đội ngũ y, bác sĩ tiếp tục nâng cao trình độ, nắm bắt khoa học, kỹ thuật tiên tiến hiện đại trong y học. Mới đây, nhờ có máy CT 6 lớp cắt, các bác sĩ của bệnh viện mới phát hiện ra trường hợp BN có một khối u cực nhỏ trong mô thần kinh. Trước đó, BN này bị đau đầu đi khám năm lần bảy lượt vẫn không biết mình bị bệnh gì.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Nội chiến” của thanh niên xã Nhơn Lý - Bao giờ chấm dứt ?  (07/07/2007)
Ngày Chủ nhật  (07/07/2007)
Một nhà báo được nhận Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Lăng Bác  (07/07/2007)
Vượt qua nguy hiểm vì sự yên bình cho mọi người  (07/07/2007)
Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc  (07/07/2007)
Những nẻo đường hoa  (07/07/2007)
Niềm vui và nỗi lo từ hai đội tuyển  (07/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/07/2007)
Làm theo lời Bác dạy  (02/06/2007)
Hát về Người - Hồ Chí Minh, lời ca vang mãi  (02/06/2007)
Người Bình Định ở Phú Quốc  (02/06/2007)
Học tập và làm theo phong cách sống và làm việc của Bác Hồ  (02/06/2007)
Nóng bỏng tai nạn giao thông  (02/06/2007)
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)
Tôi đi xe khách giường nằm  (02/06/2007)