Sinh quá thưa - nên hay không ?
14:55', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Trước đây, thói quen trong khoảng cách giữa các lần sinh của phụ nữ nước ta là 2-3 năm. Còn nay, thay vì mỗi con cách nhau 3-5 năm như Pháp lệnh Dân số quy định, nhiều phụ nữ kéo dài khoảng cách giữa hai lần sinh lên đến 7 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm. Việc này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe bà mẹ, em bé cũng như tâm lý gia đình không?

* Xu hướng mới

Khi cuộc sống phát triển, nhận thức về sức khỏe sinh sản, lợi ích của việc kế hoạch hóa gia đình của phụ nữ khá lên cũng là lúc xuất hiện một xu hướng mới trong sinh đẻ: thay vì đẻ dày như trước, nay nhiều phụ nữ lại đẻ thưa đến “vượt chỉ tiêu”: cách nhau 5 năm.

Đứa con gái đầu 15 tuổi, công việc buôn bán đã ổn định, chị Vân mới quyết định đẻ thêm đứa nữa. Tuy nhiên, có một chút rắc rối phát sinh từ đứa con gái lớn. Chị kể: “Nó suốt ngày học với chơi, không chịu chăm sóc em gì cả. Chỉ thỉnh thoảng nó chạy lại vuốt má em, hôn một cái, rồi thôi”. Có lúc nó còn nói: “Má đẻ em chi vậy không biết!” .

Nhà anh Lân thì sinh hai con cách nhau 7 năm. Vợ anh Lân cho biết, nhờ vậy mà việc chăm sóc con đối với chị rất thoải mái vì con lớn đã học lớp 12, có thể tự lo cho bản thân được, chị chỉ vất vả với con nhỏ một chút vì cháu còn học tiểu học. Dù vậy, điều làm chị băn khoăn là dường như hai con mình không bao giờ chơi được với nhau, bởi thằng anh đã đến tuổi hò hẹn, còn em gái nó thì vẫn là “con nít” - như lời thằng anh vẫn quát mỗi khi bị em “phá đám”.

Còn như chị Hoài, khi đứa con lớn học lớp 6, chị quyết định đẻ đứa nữa thì bị “trục trặc” nên bị bạn bè chọc: “Để lâu quá nên tịt ngòi rồi”. “Lâu không đẻ, làm biếng lắm. Với lại nghĩ tới cảnh đang “tung tăng” mà phải vất vả chăm con nhỏ thì ngại” - đó là giải thích của chị Hoài khi ai đó hỏi vì sao để quá lâu mới có ý định sinh thêm. Lý do của chị Hoài đưa ra dường như cũng là suy nghĩ của đa số phụ nữ trong hoàn cảnh tương tự.

* Sinh quá thưa - nên hay không?

Việc sinh con quá dày, hại thì đã rõ, thế còn sinh quá thưa thì sao, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi không? Xung quanh vấn đề này hiện có nhiều ý kiến  khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, khoảng cách giữa các lần sinh quá xa chỉ không tốt với trường hợp phụ nữ trên 35 tuổi. Khi đó, khung xương chậu người phụ nữ khó giãn nở, chất lượng trứng và tinh trùng kém nên nguy cơ có thể xảy ra với thai phụ là khó sinh, sinh non, còn bé thì có thể nhẹ cân, chậm phát triển… Còn nếu như người mẹ dưới 35 tuổi thì việc sinh thưa sẽ giúp bà mẹ có điều kiện phục hồi sức khỏe. Những ảnh hưởng khác về tâm lý, có chăng là thái độ ngại sinh vì đã có một thời gian dài không nuôi con nhỏ.

Còn theo bác sĩ Cao Thị Minh Ẩn - Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Bình Định - thì: “Khoảng cách giữa hai lần sinh quá dài có khả năng gây vô sinh cho phụ nữ bởi những tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai, do cơ thể “nghỉ” lâu quá nên việc phục hồi chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo chậm. Mặt khác, nếu tuổi của 2 con cách nhau quá xa thì chúng sẽ không bổ sung cho nhau trong quá trình học hành, sinh hoạt. Cho nên, tốt nhất là hai lần sinh cách nhau 3-5 năm”.

Trong khi đó, theo một kết quả nghiên cứu năm 2006 của Tổ chức Santa Fe de Bogota (Columbia) thì khoảng thời gian giữa 2 lần sinh ít hơn 18 tháng (1 năm rưỡi) hay nhiều hơn 59 tháng (khoảng 5 năm) đều gia tăng nguy cơ có hại cho thai nhi. Cụ thể, những phụ nữ mà khoảng cách giữa hai lần sinh ngắn hơn 18 tháng thì nguy cơ sinh non gia tăng 40%, 61% khả năng trẻ bị thiếu cân và 26% khả năng trẻ bị nhỏ về kích cỡ so với nhóm có thời gian nghỉ lâu hơn. Ngược lại, những em bé có bà mẹ ngừng sinh nở lâu hơn 59 tháng thì cũng gia tăng từ 20-43% các nguy cơ trên. Theo phân tích của Tiến sĩ Agustin Conde-Agudelo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thì nguy cơ xảy ra việc đẻ dày là do cơ thể bà mẹ chưa có đủ thời gian để hồi phục về mặt tâm sinh lý sau khi sinh đứa con thứ nhất; còn ảnh hưởng của việc đẻ thưa thì bắt nguồn từ sự suy giảm khả năng của cơ thể người mẹ để đáp ứng nhu cầu mang thai lần sau. Từ kết luận này, các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên: khoảng cách quá ngắn hoặc quá dài giữa những lần sinh con sẽ gia tăng nguy cơ trục trặc với đứa trẻ thứ hai. Thời gian “nghỉ” giữa hai lần sinh tốt nhất nên là từ 2 - 5 năm.

Đó là về mặt sức khỏe sinh sản, thực tế cho thấy việc sinh quá thưa cũng gây ra một số ảnh hưởng nhỏ cho tâm lý, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Việc sinh hai con cách nhau khá xa, một mặt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người mẹ vì con lớn (nhất là con gái) có thể giúp mẹ chăm em, nhưng mặt khác, có thể con lớn vì xấu hổ hay cảm thấy “khoảng cách thế hệ” quá lớn nên không thể chăm sóc, giúp đỡ hay vui chơi với em.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chữa bệnh ở khu dịch vụ  (07/07/2007)
“Nội chiến” của thanh niên xã Nhơn Lý - Bao giờ chấm dứt ?  (07/07/2007)
Ngày Chủ nhật  (07/07/2007)
Một nhà báo được nhận Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Lăng Bác  (07/07/2007)
Vượt qua nguy hiểm vì sự yên bình cho mọi người  (07/07/2007)
Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc  (07/07/2007)
Những nẻo đường hoa  (07/07/2007)
Niềm vui và nỗi lo từ hai đội tuyển  (07/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/07/2007)
Làm theo lời Bác dạy  (02/06/2007)
Hát về Người - Hồ Chí Minh, lời ca vang mãi  (02/06/2007)
Người Bình Định ở Phú Quốc  (02/06/2007)
Học tập và làm theo phong cách sống và làm việc của Bác Hồ  (02/06/2007)
Nóng bỏng tai nạn giao thông  (02/06/2007)
Phú Đa quê chàng  (02/06/2007)