Đề thi, đáp án (chưa được công bố) là tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành GD&ĐT. Do đó, công tác sao in đề thi phải thực hiện đúng quy định bảo mật và người sao in đề thi cũng vì thế mà triệt để… cách ly.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng (thứ hai, từ phải qua) kiểm tra nơi sao in đề thi của Sở GD-ĐT Bình Định.
|
* Vào “cấm cung”
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007 được tổ chức trong 3 ngày (từ 30-5 đến 1-6) nhưng từ chiều ngày 20-5, các cán bộ sao in đề thi đã phải từ biệt vợ con để đi… sao in đề thi. Năm nay, số lượng đề thi cần phải sao in tăng hơn rất nhiều so với năm trước (khoảng 250.000 tờ) do có đến 3 môn thi trắc nghiệm. Mỗi môn thi trắc nghiệm có số trang sao in gấp 3-4 lần so với môn thi tự luận. Hơn nữa, cán bộ sao in còn phải làm thêm các công đoạn ghim, bấm và tổ hợp mã đề (do đề thi trắc nghiệm ở mỗi môn có 8 mã đề khác nhau, cán bộ sao in đề thi phải tổ hợp mã đề sao cho đảm bảo được nguyên tắc các thí sinh ngồi gần nhau không có đề thi giống nhau).
Để thực hiện việc sao in đề thi, năm nay, Sở GD-ĐT cũng đã quyết định tăng thêm 5 thành viên (Hội đồng sao đề thi gồm 14 người: chủ tịch, phó chủ tịch và 7 ủy viên, 2 công an bảo vệ, 2 cán bộ phục vụ và 1 thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT). Những người được chọn cho công việc cực kỳ quan trọng này phải hội đủ các tiêu chuẩn: sức khỏe tốt để đảm đương nhiệm vụ, am hiểu công việc, có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm cao…
Địa điểm sao in đề thi là một khu vực biệt lập, hoàn toàn cách ly với bên ngoài và được bố trí theo 3 vòng. Vòng 1 (vòng sao in đề thi) chỉ gồm những người trực tiếp sao in đề, được tiếp xúc trực tiếp với đề thi. Đây là khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi mở đề thi gốc và bắt đầu in sao đến khi thí sinh thi xong môn cuối cùng. Cửa sổ phòng này luôn được đóng kín và niêm phong, các khoảng trống thông ra bên ngoài cũng bị bịt kín. Vòng 2 (vòng bảo vệ trong) có 2 cán bộ an ninh bảo vệ và 1 thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT. Khu vực này cũng khép kín và tiếp giáp với vòng 1, cách ly tuyệt đối với bên ngoài. Đây cũng là nơi ăn ở hàng ngày của những người làm việc ở “vòng 1” và “vòng 2”. Theo quy định, trong suốt thời gian cách ly, những người làm việc ở “vòng 1” chỉ được ra “vòng 2” trong giờ ăn và những người làm việc ở “vòng 2” có nhiệm vụ tiếp nhận đồ ăn, uống từ vòng ngoài. Vòng 3 (vòng bảo vệ ngoài) lúc nào cũng có công an và nhân viên bảo vệ, đảm bảo tối thiểu 2 người trực và phải trực 24/24 giờ.
Người làm nhiệm vụ tại khu vực sao in đề thi không được tiếp xúc với người bên ngoài. Không được sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện thoại trong khu vực sao in đề thi (trừ 1 điện thoại cố định có loa ngoài SP-phone đặt tại “vòng 2” được cán bộ an ninh kiểm soát 24/24 giờ. Mọi cuộc liên lạc đều phải bật loa ngoài, phải ghi biên bản hoặc ghi âm). Chị Y. một trong hai nhân viên phục vụ kể vui: “Tuy cách có một vách ngăn nhưng tôi gởi lời hỏi thăm sức khỏe đến đồng chí thanh tra Bộ nửa tháng sau mà vẫn chưa được hồi âm!”.
|
Khi thí sinh thi xong môn thi cuối cùng, cán bộ sao in đề thi mới được “giải phóng” khỏi nhiệm vụ.
|
* Công việc đặc biệt
Đề thi do Bộ GD&ĐT soạn thảo được ghi trong đĩa CD, mã hóa và gởi về Ban chỉ đạo thi của Sở GD-ĐT. Hội đồng sao in đề nhận đĩa CD chứa đề và bản mật mã từ lãnh đạo Sở rồi tiến hành giải mã từng đề theo hướng dẫn của Bộ và in bản chính. Sau đó, Hội đồng mới phân công các thành viên trong tổ in sao lần lượt từng môn thi cho từng phòng thi, từng hội đồng thi. Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng sao in đề thi cho biết: “Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định, việc sao in đề thi phải đến tận từng phòng thi. Do đó, người sao in đề phải thêm rất nhiều công đoạn và tính toán cho thật chính xác số lượng đề phải sao in sao cho phù hợp số lượng thí sinh của từng phòng thi, từng hội đồng thi”.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, tính phức tạp còn tăng hơn gấp nhiều lần. Người sao in đề phải sao in theo đúng danh sách thí sinh dự thi học chương trình phân ban, không phân ban hay bổ túc…, hệ 3 năm hay 7 năm (đối với môn ngoại ngữ), số thí sinh trong một phòng thi, số thí sinh trong từng hội đồng thi…
Quy trình sao in đề thi trắc nghiệm cũng khá phức tạp. Mỗi nhân viên được giao quản lý các đề thi gốc có mã số khác nhau, điều khiển máy in, thực hiện in theo từng trang của mỗi đề thi, lần lượt theo từng mã đề và kiểm soát các trang in ra. Theo một kỹ thuật viên: “Do phải tiết kiệm giấy (sao in 2 mặt) nên mỗi trang in, chúng tôi còn phải cẩn thận kiểm tra kỹ xem giấy có bị nhăn không, bản in có chỗ nào mờ, mất chữ hoặc trang trắng không…; kiểm tra lại số đề để phát hiện các mã đề giống nhau đi liền nhau để loại ra ngoài. Sau đó, bỏ đề vào túi đề thi, xếp túi đề thi theo từng hội đồng coi thi”…
Để phục vụ sao in đề thi, Sở GD-ĐT đã trang bị 2 máy photo cao tốc, 2 máy vi tính, 1 máy in. Khu vực đặt điểm sao in, tuy được chọn nơi tốt nhất, an toàn nhất trong Sở GD-ĐT nhưng chưa đảm bảo được những tiện nghi cũng làm cho các cán bộ sao in thêm phần vất vả. Ông Cao Văn Bình cho biết: “Tuy vậy, các anh em trong tổ đều rất nhiệt tình, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, có đêm họ phải làm việc đến 3-4 giờ sáng để kịp tiến độ”.
Việc sao in đề thi kết thúc trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, nhưng số anh em làm nhiệm vụ in sao đề vẫn chưa thôi… nhiệm vụ. Trong những ngày thi là những ngày họ hồi hộp nhất và luôn “giật mình” khi nghe chuông điện thoại… reo. Khi môn thi cuối cùng kết thúc cũng làø lúc cán bộ sao in đề thi được “xổ lồng”.
Nhiều năm qua, Hội đồng sao in đề thi ở tỉnh ta chưa khi nào để xảy ra những sai sót lớn trong sao in đề thi. Điều đó thể hiện những cố gắng của các thành viên trong hội đồng vì một mùa thi an toàn, nghiêm túc và công bằng.
|