Vi phạm bản quyền phần mềm:
Câu chuyện còn dài
15:14', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Khái niệm bản quyền phần mềm (BQPM) dường như vẫn còn rất mới mẻ với đại đa số những người sử dụng máy tính. Bởi lẽ, lâu nay, chúng ta vẫn mặc nhiên sử dụng phần mềm máy tính không mất tiền. Đây cũng là một vấn nạn ngăn cản sự phát triển của ngành CNTT của nước ta.

 

Trong thời gian tới, việc kiểm tra vi phạm BQPM sẽ nghiêm khắc hơn. Ảnh từ Internet

 

* Cuộc chiến cam go

Ngày nay, việc sở hữu một chiếc máy tính không phải là điều quá khó. Việc sử dụng máy tính để giải quyết công việc và phục vụ cho nhu cầu giải trí đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Từ trước đến nay, người sử dụng máy tính đã quen với việc hễ mua máy tính là đã có các phần mềm tiện ích được cài đặt sẵn. Việc dùng phần mềm “chùa” quá lâu khiến người dùng quên khái niệm chọn mua phần mềm phù hợp với mình. Hầu như người tiêu dùng không tốn một xu nào để trả cho các phần mềm mình đang sử dụng. Điều này xảy ra đối với hầu hết mọi người, từ các cá nhân đến doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước. Vì vậy, khái niệm BQPM dường như vẫn còn xa lạ đối với nhiều người.

Theo tính toán sơ bộ của Tổ chức Phần mềm Thương mại thế giới (BSA), hiện Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ vi phạm BQPM cao nhất thế giới. Mức độ vi phạm hằng năm trên 50 triệu USD. Tỉ lệ này trên thực tế còn cao hơn, vì đây mới chỉ là con số được tính dựa trên phần mềm Microsoft, căn cứ theo đầu máy tính cá nhân có sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows và Microsoft Office, mà chưa kể đến các phần mềm hệ thống, phần mềm chuyên dụng và các phần mềm cài đặt sẵn trong máy tính nhập khẩu.

Bài toán giải quyết nạn vi phạm BQPM đang được ngành chức năng tìm lời giải. Vì nếu chọn cách mua BQPM Microsoft thì sẽ tốn một khoản tiền khổng lồ. Theo tính toán của các chuyên gia, trong vòng 5 năm tới, sẽ có khoảng 6 triệu máy tính cá nhân mới được sử dụng, có nghĩa là sẽ phải trả khoảng 3 tỉ USD cho BQPM thông dụng nhất. Nếu Chính phủ mua bản quyền cho các cơ quan Nhà nước, sẽ phải chi khoảng 1 tỉ USD cho một hợp đồng giá trị 3 năm.

Theo Công ty Dữ liệu quốc tế (IDC) của Mỹ, nếu từ nay đến năm 2008, vi phạm BQPM ở Việt Nam giảm được 10 điểm, thì sẽ trực tiếp đóng góp 1 tỉ USD vào GDP, tạo ra trên 4.000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao, đóng góp thêm 43 triệu USD tiền thuế. Tuy nhiên, Việt Nam không thể mua ngay các BQPM, mà sẽ đi theo hướng ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở. Dù vẫn cần đến các chi phí về dịch vụ kỹ thuật, con người sử dụng... Giải pháp này được xem là “trong tầm với”.

* Những động thái đầu tiên

Sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Bill Gates -ông chủ của Tập đoàn Microsoft, Bộ Tài chính trở thành cơ quan Chính phủ đầu tiên dùng phần mềm có bản quyền đầy đủ trong toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin khi ký thỏa thuận với Microsoft để sở hữu vĩnh viễn 15.000 giấy phép sử dụng Office 2003. Tiếp sau đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ FPT cũng tuyên bố chính thức mua nhiều sản phẩm của Microsoft với số lượng lớn.

Những động thái này được đánh giá là bước ngoặt tích cực cho thị trường phần mềm Việt Nam. Tuy nhiên, đi đầu trong vấn đề ký kết với Microsoft đều là những “đại gia” với tiềm lực tài chính mạnh. Dù không ai trong số họ tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về số tiền thỏa thuận với hãng sản xuất phần mềm danh tiếng này, người ta cũng có thể thấy ngay rằng đó là những con số không nhỏ.

Các phần mềm thường bị vi phạm bản quyền ở Việt Nam như Microsoft Windows 98, 200, XP, 2003, NT, Server 2000, Server 2003; Microsoft Office 97, 200, XP; Autocad; Norton Antivirus; McAfee; SQL Server; Photoshop; Oracle; Lạc việt từ điển MTD 300, MTD 2002; Viet key và một số phần mềm kế toán, xây dựng…

Ngoài ra, tại một số cửa hàng kinh doanh máy tính ở các thành phố lớn đã bắt đầu bán các loại phần mềm của Microsoft. Tuy nhiên, theo các chuyên gia vi tính, nếu mua BQPM, bình quân mỗi máy phải bỏ ra 500 USD - một chi phí khá lớn đối với người sử dụng, nhất là khi mức thu nhập bình quân của người dân còn khá thấp. Nhiều người cho rằng nếu mua bản quyền phần mềm gói lớn thì sẽ lãng phí vì không tận dụng hết các chức năng. Và hiện nay có một số phần mềm nguồn mở tự do mang tính cộng đồng đã được Việt hóa, tính năng tương đương với phần mềm có bản quyền. Đây là một trong những giải pháp trước mắt nhằm hạn chế tình trạng “xài chùa” BQPM. Tuy nhiên, việc sử dụng phần mềm nguồn mở vẫn chưa phổ biến.

Trong khi các chuyên gia CNTT và các nhà lãnh đạo đang nỗ lực để tìm ra một giải pháp khả thi, chúng ta- những người sử dụng máy tính cũng nên tập làm quen dần với việc trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải trả tiền cho những phần mềm mình sử dụng. Đây là cách làm đúng đắn để thể hiện sự tôn trọng của Việt Nam với các cam kết quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho thị trường công nghệ phần mềm ở Việt Nam phát triển.

  • H.M (Tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (07/07/2007)
An Lão phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số  (07/07/2007)
Chuyện của những người sao in đề thi  (07/07/2007)
Sinh quá thưa - nên hay không ?  (07/07/2007)
Chữa bệnh ở khu dịch vụ  (07/07/2007)
“Nội chiến” của thanh niên xã Nhơn Lý - Bao giờ chấm dứt ?  (07/07/2007)
Ngày Chủ nhật  (07/07/2007)
Một nhà báo được nhận Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Lăng Bác  (07/07/2007)
Vượt qua nguy hiểm vì sự yên bình cho mọi người  (07/07/2007)
Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc  (07/07/2007)
Những nẻo đường hoa  (07/07/2007)
Niềm vui và nỗi lo từ hai đội tuyển  (07/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/07/2007)
Làm theo lời Bác dạy  (02/06/2007)
Hát về Người - Hồ Chí Minh, lời ca vang mãi  (02/06/2007)