Hồi sinh một làng nghề truyền thống
15:20', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Vốn là đất kinh đô xưa, huyện An Nhơn tập trung khá nhiều làng nghề truyền thống. Qua những thăng trầm của thị trường, nhiều làng nghề truyền thống ở đây dần bị mai một. Tuy nhiên, bằng đôi bàn tay tài hoa và lòng yêu nghề, các nghệ nhân của làng thêu Phương Danh (thị trấn Đập Đá) đang ngày ngày nâng niu, gìn giữ, phát huy truyền thống làng nghề.

 

Một góc cơ sở thêu Hai Thảo.

 

1- Thêu là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân Phương Danh. Từ xa xưa, những sản phẩm thêu ở Phương Danh, như đồ thờ tự, hoành phi, nghi trướng… đã nổi tiếng với đường chỉ sắc sảo, những nét hoa văn độc đáo, tạo cảm giác thích thú cho khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vào những năm trước 1975, lúc làng nghề thịnh vượng có cả trăm hộ làm, với 150-200 lao động. Một thời gian dài sau đó, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, nhu cầu sử dụng các đồ thêu để trưng bày, thờ cúng… trong gia đình giảm mạnh, nên nghề thêu dần mai một. Có thời điểm làng thêu Phương Danh chỉ còn 5-7 hộ giữ nghề, với chừng 10-15 lao động. Những hộ giữ nghề là những nghệ nhân tâm huyết, họ giữ nghề không vì kế sinh nhai mà vì không muốn để những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề trở thành… “dấu xưa xe ngựa…”.

Và rồi, cơn bĩ cực của làng nghề dần qua. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, kinh tế của đất nước phát triển hơn, nỗi lo “cơm áo” không còn là gánh nặng của nhiều gia đình, nhu cầu làm đẹp, hướng đến cội nguồn, tổ tiên được nhiều người quan tâm hơn. Nhờ đó, làng thêu Phương Danh có điều kiện hồi sinh và phát triển.

2- Một ngày giữa tháng 6-2007, khi đến làng thêu Phương Danh chúng tôi đã cảm nhận được sự phồn thịnh của làng nghề. Tiếng máy thêu chạy xè xè vọng ra đều đều từ những gia đình làm nghề thêu nghe thật rộn rã. Chúng tôi ghé vào nhà cụ Lê Công Trang - một nghệ nhân cao tuổi trong làng nghề - trong lúc ông đang hướng dẫn người cháu gái phác thảo tác phẩm “Ngũ hạc qui tùng” trên bức trướng rộng hơn 1 mét. Nhìn những động tác mà ông hướng dẫn, sự tập trung chăm chú của cô cháu gái vừa tròn 17 tuổi, chúng tôi mới hiểu được lao động của nghề thêu vất vả như thế nào. Không như nhiều nghề khác, nghề thêu đòi hỏi người làm, trước hết phải có đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên nhẫn... Không chỉ thế, người thợ thêu còn là những nghệ sĩ thực thụ. Bằng những sợi chỉ mong manh đủ màu sắc, với những khuôn vải rộng, hẹp nhiều kích cỡ và đôi bàn tay khéo léo, bộ óc giàu trí sáng tạo, người thợ thêu Phương Danh đã thả hồn vào chỉ, vào vải, tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại…

Sản phẩm và tiếng tăm của làng nghề thêu Phương Danh không chỉ những người trong tỉnh biết đến mà nhiều người ở các địa phương khác, như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Hà Nội, Sài Gòn và nhiều người Việt ở nước ngoài cũng tìm đến đặt hàng. Tuy nhiên, trước sức cạnh tranh của thị trường, đòi hỏi các sản phẩm thêu, đặc biệt là thêu máy, yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao, độ tinh tế càng lớn mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, chinh phục được những thị trường khó tính. Chính vì vậy, việc nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mặt hàng thêu đã trở thành yêu cầu sống còn của làng thêu Phương Danh.

Bây giờ, người thợ thêu ở Phương Danh không chỉ dựa vào vốn nghề truyền thống mà còn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, biết sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Không chỉ thêu đồ thờ tự, hoành phi, nghi trướng… phục vụ cho nhu cầu thờ cúng, tân gia, hiếu hỷ với những công đoạn thủ công truyền thống, làng thêu Phương Danh còn thêu thêm nhiều mặt hàng mới theo mẫu mã của khách hàng. Một trong những người con của làng thêu Phương Danh có công trong việc đưa những sản phẩm mới về làng nghề là anh Nguyễn Văn Thảo - chủ cơ sở thêu Hai Thảo. Năm 1998, anh Thảo vào các tỉnh phía Nam tìm hiểu thị trường hàng thêu và nhận ra một điều: các mặt hàng quần áo thêu, tranh thêu… rất được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích. Từ đây, anh đã hợp đồng làm hàng gia công cho các cơ sở thêu ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó một thời gian, anh ký các đơn hàng làm trực tiếp cho các công ty lớn ở TP Hồ Chí Minh và đầu tư giàn máy thêu với 15 chiếc, thuê thợ thêu ở địa phương về làm. Việc làm này của anh đã được bà con trong làng nghề hưởng ứng, nhiều hộ gia đình đã nhận hàng của anh về thêu gia công.

 

Ông Lê Công Trang hướng dẫn người cháu gái của mình thêu bức trướng “Ngũ hạc qui tùng”.

 

3- Hiện nay, khi Nhà nước có chính sách khôi phục và phát triển làng nghề thì nghề thêu đã có điều kiện để phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu về các mặt hàng thêu của thị trường ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm thờ tự, hiếu hỷ, tranh ảnh… nên làng thêu Phương Danh có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Bình - một thợ thêu ở Phương Danh - nói một cách đầy tin tưởng về tương lai của làng nghề: “Khi mức sống được nâng cao thì nhu cầu các mặt hàng thêu sẽ ngày càng tăng. Tôi tin những sản phẩm của làng nghề thêu Phương Danh, với chất lượng cao, kiểu dáng mới, lạ, đẹp, giá cả phải chăng… sẽ ngày càng thu hút nhiều khách hàng”.

Anh Bình cho biết thêm: “Mấy năm gần đây có nhiều khách hàng “sộp” đặt thêu những bức trướng mừng thọ, tân gia với giá 5-7 triệu đồng. Cũng có nhiều người đặt thêu hoành phi để thờ cúng ở từ đường họ tộc hoặc ở nhà riêng. Nhiều người đặt thêu nghi trướng để đi đám tang… Vì thế, người trong làng nghề luôn có việc làm”. Hiện nay, làng nghề thêu Phương Danh có trên 20 hộ tham gia với hơn 100 lao động, phần đông đều còn trẻ, nhưng rất tâm huyết với nghề. Với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng, thợ thêu Phương Danh đã có thể gắn bó được với nghề.

Để làng nghề tồn tại và phát triển, những người thợ cao niên, tâm huyết với nghề thêu luôn căn dặn con cháu mình phải luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đặt chữ tín lên hàng đầu. Bên cạnh đó, để tạo nên bước phát triển bền vững cho làng thêu Phương Danh, hiện nay chính quyền địa phương và người dân trong làng nghề cũng đang tích cực xây dựng Hiệp hội nghề thêu Phương Danh.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu chuyện còn dài  (07/07/2007)
Thơ  (07/07/2007)
An Lão phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số  (07/07/2007)
Chuyện của những người sao in đề thi  (07/07/2007)
Sinh quá thưa - nên hay không ?  (07/07/2007)
Chữa bệnh ở khu dịch vụ  (07/07/2007)
“Nội chiến” của thanh niên xã Nhơn Lý - Bao giờ chấm dứt ?  (07/07/2007)
Ngày Chủ nhật  (07/07/2007)
Một nhà báo được nhận Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Lăng Bác  (07/07/2007)
Vượt qua nguy hiểm vì sự yên bình cho mọi người  (07/07/2007)
Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc  (07/07/2007)
Những nẻo đường hoa  (07/07/2007)
Niềm vui và nỗi lo từ hai đội tuyển  (07/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/07/2007)
Làm theo lời Bác dạy  (02/06/2007)