* Bút ký của Sương Nguyệt Minh
|
Trên Đồi thi nhân, bên mộ Hàn Mặc Tử. Ảnh: Hoàng Tuấn |
LTS: Bài bút ký dưới đây của Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh (Trưởng Ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội), được sáng tác sau khi ông tham gia Trại viết do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tại TP. Quy Nhơn. Đây là những cảm nhận tinh tế, chân thực về đất và người Bình Định dưới cái nhìn của một nhà văn mặc áo lính. Báo Bình Định xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
* Bình Định lắm duyên với thi sĩ
Sau một tuần thực tế ở Tây Nguyên, ngày 1-5, chúng tôi xuôi Quốc lộ 19, về Nhà khách Bình Dương của Binh đoàn 15 ở thành phố biển Quy Nhơn. Quy Nhơn chan hòa nắng gió, nóng ấm tình người và mến khách.
Do những ưu thế nghề nghiệp, tôi có dịp đi nhiều nơi, nhưng tôi rất cảm động để bất ngờ nhận một điều: chưa nơi nào trên dải đất hình chữ S này, yêu quý văn chương như ở đất Quy Nhơn. Nhóm tứ linh “long, ly, quy, phượng” của nhóm thơ Bình Định, với Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan dưới suối vàng, hẳn đã mỉm cười bởi hậu sinh không những không quay lưng lại với văn chương, mà còn yêu mến văn chương đến mức gần như tôn thờ. Nhà văn Lê Hoài Lương nói với tôi rằng: “Việc các nhà văn tham gia Trại viết Văn nghệ Quân đội về Quy Nhơn sáng tác, có thể xem là một sự kiện trong đời sống văn nghệ Bình Định”. Lê Hoài Lương còn bảo: “Đây là lần đầu tiên, một Trại viết của tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức ở đây; vì vậy, giới cầm bút Bình Định đã háo hức đón chờ các đồng nghiệp từ trước đó cả tháng”. Những cây bút Bình Định như nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định), rồi Mai Thìn, Trần Quang Lộc, Dương Viết Hòa... lần lượt đến thăm các nhà văn tham gia trại viết. Và tất nhiên, quà là rượu Bầu Đá nổi tiếng, trong vắt, thơm ngon rất đặc trưng. Và cả những đêm ngồi hát, nhìn sao, nói chuyện nghề, trên bãi biển Quy Nhơn.
Buổi xế chiều, đứng lặng trước mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng, lòng ta không khỏi bồi hồi, thương nhà thơ trẻ bạc mệnh, cảm phục thi tài của ông; mà xót xa trách mình tài mỏng. Đêm gió mát lồng lồng, dát vàng cây cầu Thị Nại dài hơn 2 cây số, đổ tràn xuống đầm. Và khuya khoắt, thao thức dằn vặt bởi một câu thơ, bởi đoạn kết một truyện ngắn chưa thành... Quả thật, tôi chưa bao giờ thấy cái sự vui chơi ngút trời, nhưng viết cũng hết mình, đổ mồ hôi sôi nước mắt như ở trại viết này. Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định luôn có tin, ảnh, bài phản ánh, phỏng vấn các nhà văn về kết quả, quan điểm sáng tác. Tôi chưa thấy phóng viên báo địa phương nào nhanh nhạy, nắm bắt vấn đề cũng như tác phong làm báo chuyên nghiệp như ở Bình Định. Tôi đồ rằng: thành công của trại viết, một phần là nhờ cái không khí sáng tác, tình cảm ấm cúng thân mật, mà giới cầm bút đất Võ mang đến.
* Tiếp từ mạch nguồn truyền thống
Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) và thành Hoàng đế (huyện An Nhơn) là hai trong những điểm các nhà văn đi thực tế. Các cây me đều rất xanh, xanh ngằn ngặt và ngùn ngụt sức sống; không thấy dấu vết héo cỗi, già nua. Khu đất Bảo tàng Quang Trung vốn trước kia là tư gia ba anh em Tây Sơn. Trong số nhiều cây me lớn, tán rộng, có một cây cổ thụ, nghe nói được trồng từ hơn 250 năm trước. Cây me chi chít quả, mỗi vụ trẩy được hơn năm tạ; nếm thử thấy chua, nhấm nháp lâu thì hơi ngọt đầu lưỡi và đặc biệt là rất thơm. Chúng tôi ngồi dưới gốc me, trầm ngâm nghĩ đến chuyện binh đao nước lửa được mất, chuyện thế thái nhân tình...
Có một cái giếng tròn như cái nia, đá ong cạp kín chung quanh, có chỗ rêu phong, giống như bao cái giếng đá ong tôi vẫn thấy ở trung du Bắc Bộ. Chúng tôi múc nước uống; nước trong, mát rượi; bao cái nhọc mệt bay biến đâu mất; có cảm giác như mình đang múc nước giếng cổ ở làng mình vậy.
Thành Hoàng đế nay chỉ còn ít phế tích. Nghe kể, sau khi chiếm thành, Nguyễn Ánh đã sai quân lính tàn phá, hòng xóa mọi dấu vết oai hùng của thời đại Tây Sơn. Nay thì ngay cả kiến trúc thời Nguyễn xây lại trên nền thành Hoàng đế cũng còn rất ít, bởi chiến tranh, mưa nắng.
|
Cầu Thị Nại (Quy Nhơn) về đêm. Ảnh: Phạm Văn Chai
|
* Mắc nợ của người cầm bút
Dường như, sau mỗi chuyến văn chương mỗi người viết đều sâu sắc và có nhiều ngẫm ngợi, liên tưởng... Chúng tôi đến thôn An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) viếng Nhà bia tưởng niệm những người dân lương thiện chết trong vụ thảm sát Bình An năm 1966. Lặng lẽ. Trầm mặc. Khói hương… Ngày ấy, quân Đại Hàn trang bị nhà binh từ chân đến răng, mang lựu đạn, tiểu liên nã vào đầu người dân vô tội. Ông già, bà lão, trẻ em, dân làm ruộng, chăn bò... chết 1.001 người. Chỉ riêng thôn An Vinh đã có tới 380 người chết thảm thương. Cả làng cả xã có chung một ngày giỗ... Bia tưởng niệm, bức phù điêu lửa cháy và các tư thế người đổ gục, chỉ gợi được một phần rất nhỏ sự mất mát, hy sinh thần thánh của nhân dân. Dường như, các nhà văn chúng ta còn đứng ngoài những nỗi đau này?
Trại viết Văn nghệ Quân đội có một đêm giao lưu với Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu và các em học sinh lớp 10, lớp 11 chuyên văn Trường PTTH Lê Quý Đôn. Các em hỏi chúng tôi rằng: Ngoài các sáng tác về chiến tranh cách mạng và người lính, tạp chí Văn nghệ Quân đội có in các tác phẩm về đề tài xã hội không? Theo chú, chúng cháu nên đọc những trường ca, tiểu thuyết chiến tranh nào? Xin một nhà văn quân đội khái quát thành tựu và hạn chế của văn học chiến tranh? Thưa chú! Văn học chiến tranh và người lính hiện nay có gì mới lạ?... Những câu hỏi thông minh và… không dễ trả lời. Để giải đáp thấu đáo các câu hỏi đó, không chỉ cần năng lực tư duy, kiến thức, kinh nghiệm, mà cả tấm lòng nữa. Chúng tôi chỉ giải đáp được những vấn đề cơ bản mà kinh nghiệm trải qua mấy chục năm viết văn thu nhận được. Giờ phút thăng hoa nhất là phần đọc thơ; thơ của những nhà thơ mặc quân phục, thường phục, rồi thơ của các em. Chúng tôi chợt nhận ra và rất mừng, rằng sẽ có những em trong những đêm giao lưu ấy, sẽ trở thành nhà thơ trong một tương lai gần.
Trong chiến tranh, Bình Định là một trong những chiến trường khốc liệt nhất miền Trung. Hơn một vạn người lính thuộc sư đoàn Sao Vàng đã nằm lại với đất đai, cây cỏ và nhân dân Bình Định. Dạo ấy, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ đóng ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão... (bắc Bình Định); sư đoàn Mãnh hổ của Đại Hàn đóng ở An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước... (nam Bình Định). Cách Tây Vinh không xa là thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn). Ở đó, có một ngôi mộ chôn chung 153 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Sao Vàng. Cũng lại bọn Đại Hàn, chúng đã dùng cả một trung đoàn tăng cường cùng với hỏa lực mạnh bao vây một tiểu đoàn quân giải phóng. Những người lính Sư đoàn Sao Vàng đã chiến đấu anh dũng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. Địch đã dùng xe ủi gạt hết số xác anh em mình vào một hố rồi san phẳng... Tôi đã đọc tên các anh khắc trên bia đá. Rất nhiều anh chưa có ngày tháng năm sinh, quê quán. Dù biết tên các anh, nhưng có cách gì để người thân các anh biết tìm đến? Thật xót xa và lẫm liệt!
Tôi chợt đau đớn nhận ra rằng: Những điều mình viết từ xưa đến nay quả thật còn điệu đàng, hoa hòe hoa sói; còn đi ngoài đường biên nỗi đau khổ, mất mát, hy sinh của con người…
Quy Nhơn, tháng 5 năm 2007
|