Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn:
Giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng nguồn điện
15:33', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Sửa chữa nâng cấp hệ thống lưới điện ở Tuy Phước. Ảnh: Hoàng Vân

 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý, kinh doanh điện ở khu vực nông thôn, từ năm 2003 tỉnh ta đã tiến hành có hiệu quả việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn (QLĐNT). Với mô hình mới, tỉ lệ tổn thất điện năng đã giảm gấp nhiều lần so với trước, chất lượng nguồn điện ngày càng được nâng cao, giá bán điện đến hộ sử dụng đảm bảo theo quy định.

* Giảm tổn thất điện năng

Các công trình điện nông thôn phần lớn đều được xây dựng từ những năm 1985-2000, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên còn nhiều bất cập. Có những khu vực bán kính cấp điện quá rộng; sử dụng vật tư, thiết bị không đúng quy cách, không bảo đảm kỹ thuật, đã gây tổn thất điện năng lớn. Đã vậy, do không có kinh phí để thường xuyên sửa chữa, cải tạo đúng mức, nên qua thời gian sử dụng hệ thống lưới điện đã xuống cấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý mỗi nơi mỗi kiểu, không được quy định rõ ràng về trách nhiệm, quy chế tổ chức hoạt động, nên đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất hợp lý…

Chính những điều nói trên đã làm cho chất lượng nguồn điện ở một số vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ta còn thấp, giá bán điện đến hộ sử dụng còn cao. Trước thực trạng này, Chính phủ có chủ trương chuyển đổi mô hình QLĐNT, từng bước giải quyết những vấn đề bất cập, bức xúc trong quản lý, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện của người dân. Năm 2003, tỉnh ta đã triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình QLĐNT, đến năm 2005 công tác chuyển đổi đã hoàn thành, với 150 đơn vị, tổ chức được cấp phép hoạt động điện lực. Từ năm 2005 đến nay, mô hình mới ngày càng được củng cố, gia tăng hiệu quả hoạt động.

Sau khi được cấp phép hoạt động, các đơn vị làm dịch vụ điện nông thôn đã tích cực huy động vốn để duy tu, sửa chữa hệ thống lưới điện đã xuống cấp. Các cột điện tạm bợ, các chủng loại dây dẫn không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã được cải tạo, thay mới. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý điều hành và lực lượng trực tiếp quản lý, vận hành lưới điện cũng đã được các đơn vị chú trọng củng cố. Nhờ đó, hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, chất lượng nguồn điện được nâng cao, lượng điện năng tổn thất giảm đáng kể. Hiện nay, lượng điện năng tổn thất chỉ còn khoảng 25%, giảm 15% so với thời điểm trước khi chuyển đổi.

* Không còn giá điện “trên trời”

Nhờ hệ thống lưới điện được cải tạo, lượng điện năng tổn thất giảm, nên điện áp ở khu vực nông thôn đã ổn định và tình trạng người dân sử dụng điện phải trả tiền điện giá “trên trời” đã giảm đi đáng kể. Qua tìm hiểu một số hộ sử dụng điện ở khu vực nông thôn sau khi chuyển đổi theo mô hình quản lý mới, phần lớn họ đều phấn khởi vì được mua điện với giá thấp, chất lượng nguồn điện ổn định hơn. Nhờ đó, người sử dụng điện đã tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể để chi dùng vào việc khác.

Anh Nguyễn Văn Bình, ở Hòa Tây - Nhơn Hạnh - An Nhơn, cho biết: “So với thời điểm trước khi chuyển đổi, tiền điện hàng tháng mà gia đình tôi phải trả đã giảm đi 1/3. Cụ thể, ngày trước gia đình tôi sử dụng 100 kWh điện phải trả đến hơn 90.000 đồng, còn hiện nay chỉ khoảng 60.000 đồng. Ngoài ra, nhờ chất lượng nguồn điện ổn định, nên các thiết bị điện của gia đình cũng ít bị hư hỏng hơn so với trước”. Không những thế, từ khi chuyển đổi mô hình QLĐNT, tất cả các sự cố về điện trên đường dây đều do các đơn vị kinh doanh điện lực chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa, các hộ sử dụng điện không còn phải đóng góp tiền nữa. Đây là điều làm cho các hộ dân sử dụng điện ở khu vực nông thôn hết sức vui mừng và cũng là thành công của việc chuyển đổi mô hình QLĐNT.

* Một số hạn chế         

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi mô hình QLĐNT đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, các đơn vị được cấp phép kinh doanh điện lực ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế nhất định. Ở một số đơn vị do không có kinh phí đầu tư sửa chữa, nên vẫn còn tình trạng lưới điện không đảm bảo an toàn, xuống cấp, phạm vi bán kính cấp điện còn rộng, nên tổn thất điện năng vẫn còn lớn. Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, thợ điện ở một số đơn vị còn hạn chế, có đến gần 50% số công nhân đang làm việc chưa qua các lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật…

Đứng trước thực tế này, để công tác chuyển đổi mô hình QLĐNT ở tỉnh ta đem lại hiệu quả cao hơn nữa, ngành chức năng đã yêu cầu các đơn vị được cấp phép hoạt động điện lực cần phải tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công nhân, nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn lao động trong ngành điện. Đồng thời, các đơn vị cũng cần linh hoạt, chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm ở những đơn vị làm ăn năng động, hiệu quả… để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của đơn vị mình.

  • Nguyễn Ngọc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định ký sự  (07/07/2007)
Hồi sinh một làng nghề truyền thống  (07/07/2007)
Câu chuyện còn dài  (07/07/2007)
Thơ  (07/07/2007)
An Lão phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số  (07/07/2007)
Chuyện của những người sao in đề thi  (07/07/2007)
Sinh quá thưa - nên hay không ?  (07/07/2007)
Chữa bệnh ở khu dịch vụ  (07/07/2007)
“Nội chiến” của thanh niên xã Nhơn Lý - Bao giờ chấm dứt ?  (07/07/2007)
Ngày Chủ nhật  (07/07/2007)
Một nhà báo được nhận Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Lăng Bác  (07/07/2007)
Vượt qua nguy hiểm vì sự yên bình cho mọi người  (07/07/2007)
Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc  (07/07/2007)
Những nẻo đường hoa  (07/07/2007)
Niềm vui và nỗi lo từ hai đội tuyển  (07/07/2007)