KỶ NIỆM 82 NĂM, NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 -- 21-6-2007)
Báo chí địa phương và những vấn đề cần quan tâm
15:41', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Ngày 21-6-1925 Báo Thanh Niên ra đời, tờ báo cách mạng đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Trải qua 82 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng lớn mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn mới của đất nước. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí địa phương nói riêng phải nâng tầm để khỏi lạc hậu trong thời đại thông tin bùng nổ.

 

Báo Bình Định không ngừng nỗ lực tăng chỉ số phát hành. Ảnh: Đ.X

 

Với 9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là tiêu chí cũng như yêu cầu mang tính bắt buộc, để người cầm bút luôn luôn cố gắng trau dồi và rèn luyện, đúng như lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn trách nhiệm vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Có lẽ người thấm nhuần sâu sắc nhất tư tưởng chỉ đạo này là cố Tổng Bí thư Đảng CSVN Trường Chinh, đồng chí đã viết “Mười tám điều tự răn trong khi viết văn” vào năm 1947 và “Hãy gây một phong trào làm trong sáng lời và văn của chúng ta” vào năm 1948; đồng chí cũng không quên nhắn nhủ những người cầm bút chúng ta rằng:

“Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ

Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”…

Đối với báo chí cách mạng nước ta, qua 82 năm phát triển, hiện nay ở mỗi tỉnh đều có báo địa phương. Thời gian trở thành vốn kiến thức tích lũy mà nhân dân ta đang kế thừa, từ người đạp xích lô, cô hàng nước, anh tài xế taxi cho tới các cơ quan, doanh nghiệp... đâu đâu cũng đều có báo để đọc, để nghiên cứu, học hỏi. Điều này bắt buộc những người làm báo phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực khách quan, tôn trọng sự thật, đặc biệt là chấp hành nghiêm luật pháp. Ở đây ta gặp một tư tưởng lớn nữa của Hồ Chủ tịch khi Người viết: “Không nên chỉ biết cái tốt mà giấu cái xấu, phê bình phải đúng đắn; nêu cái hay cái tốt phải có chừng mực, chớ có phóng đại”. Thực tế có những nhà báo thiếu tự trọng, thiếu khách quan trong nhận định, đánh giá sự việc và hiện tượng một cách trần trụi, võ đoán, cá nhân, cục bộ địa phương. Đồng ý rằng, việc nói thẳng nói thật, thông tin đầy đủ là cần thiết, nhưng phải gắn liền với hoàn cảnh cụ thể của từng sự việc, viết đến mức độ nào và phải biết dừng ở đâu. Đó có lẽ là chiêu thức bí truyền của các tờ báo lớn vẫn đang áp dụng để thu hút độc giả. Đó cũng là khoảng thời gian cần thiết, để người viết kịp nghe ngóng thông tin nhiều chiều về bài viết của mình mà có hướng giải quyết ổn thỏa; là khoảng thời gian quý giá đủ để chúng ta có thể bắt gặp những tư tưởng lành mạnh lóe sáng, thay vì bộp chộp nhận định này nọ... Có người còn lúng túng trong giải pháp, đành loanh quanh bằng những câu hỏi mông lung, không có lời giải đáp thiết thực, khác gì anh “cu li chữ” viết cho đủ dung lượng để “quy thóc”, mà quên rằng phải viết cho ai, viết để làm gì, và viết như thế nào mới là cốt lõi vấn đề.

 

Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên với nội dung “Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương” do Báo Bình Định đăng cai tổ chức. Ảnh: Ngọc Diên

 

82 năm qua, báo chí cách mạng nước ta vẫn không ngừng phát triển, đó là mặt tích cực. Thế nhưng, bên cạnh đó còn khá nhiều tờ báo địa phương không có hoặc có rất ít người đọc, tại sao? Đây là vấn đề đau đầu của một số tờ báo địa phương, bởi không có người đọc mà vẫn hoạt động, vẫn in ấn, vẫn xuất bản, vẫn phải tốn tiền. Một sự lãng phí ghê gớm. Dù rằng báo chí địa phương là tiếng nói của cư dân địa phương đó nên không thể không có, nhưng có mà không có người đọc (vì chẳng có điều gì cần thiết đối với họ) thì nhức nhối dữ lắm. Bác Hồ đã từng dạy: “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”. Thực tế nhiều tờ báo địa phương nội dung chưa thiết thực với người dân, những vấn đề xã hội quan tâm ít được báo chí địa phương đề cập, hoặc có thì cũng chỉ nhàn nhạt, không “nuốt” nổi. Thêm nữa, nhiều báo địa phương còn được Nhà nước bao cấp nên ít quan tâm đến chỉ số phát hành, giá báo rẻ đến không ngờ nhưng vẫn rất ít người mua đọc, chỉ phát hành lẩn quẩn trong các cơ quan Nhà nước. Được biết, có tờ báo địa phương 8 trang, trong đó có 2 trang màu mà giá bán chỉ 500 đồng, và một số tờ báo giá còn rẻ hơn nữa mà vẫn ít người đọc.

Báo địa phương là công cụ của cấp ủy và chính quyền địa phương; báo không có người đọc thì không truyền đạt được định hướng chỉ đạo của cấp trên tới người dân, có nghĩa là cơ quan Báo không hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.

Không ai có thể phủ nhận giá trị và sự cần thiết của báo địa phương trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội... Để báo địa phương nâng tầm, hòa nhập với làng báo cả nước, những người cầm bút nhất thiết phải không ngừng học tập nâng cao kiến thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người đọc; nhận từ họ sự tán thưởng, yêu mến bởi vẻ đẹp của ngôn ngữ, bởi chiều sâu của trí tuệ, bằng những bài viết súc tích... Tin tưởng vào những điều có thể, sẽ giúp cho chúng ta mạnh dạn hơn nữa trong công cuộc đổi mới tư duy, đổi mới cách làm... xứng với bước đi của đất nước trên đường hội nhập với quốc tế.

Hữu xạ tự nhiên hương, hy vọng báo chí địa phương của chúng ta sẽ được đông đảo nhân dân ta tìm đọc.

  • Phan Thành Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Học tập gương viết báo của Hồ Chủ tịch  (07/07/2007)
Giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng nguồn điện  (07/07/2007)
Bình Định ký sự  (07/07/2007)
Hồi sinh một làng nghề truyền thống  (07/07/2007)
Câu chuyện còn dài  (07/07/2007)
Thơ  (07/07/2007)
An Lão phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số  (07/07/2007)
Chuyện của những người sao in đề thi  (07/07/2007)
Sinh quá thưa - nên hay không ?  (07/07/2007)
Chữa bệnh ở khu dịch vụ  (07/07/2007)
“Nội chiến” của thanh niên xã Nhơn Lý - Bao giờ chấm dứt ?  (07/07/2007)
Ngày Chủ nhật  (07/07/2007)
Một nhà báo được nhận Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Lăng Bác  (07/07/2007)
Vượt qua nguy hiểm vì sự yên bình cho mọi người  (07/07/2007)
Ca khúc cách mạng và kháng chiến kiến quốc  (07/07/2007)