Hợp tác để phát triển văn hóa địa phương
15:0', 28/7/ 2007 (GMT+7)

Bên cạnh chương trình hợp tác phát triển văn hóa giữa ngành Văn hóa - Thông tin (VHTT) hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đã được ký kết vào tháng 10 năm 2005, dự kiến trong tháng 7 này, Sở VHTT Bình Định sẽ ký kết thêm các chương trình hợp tác phát triển văn hóa với Sở VHTT Phú Yên và Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh. Các chương trình này sẽ góp phần mở ra nhiều hoạt động hợp tác thiết thực và hiệu quả…

 

Đoàn nghệ thuật cồng chiêng thị xã An Khê biểu diễn tại nhà rông Bana ở Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: H.T

 

* Những kết quả đạt được

Về lĩnh vực thư viện, Thư viện tỉnh Bình Định và Thư viện tỉnh Gia Lai đã phối hợp trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin. Hai bên đã trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về vấn đề xây dựng và đưa trang điện tử của thư viện lên mạng internet, hồi cố dữ liệu sách, lưu thông phục vụ bạn đọc, cách thức tổ chức, quản lý khi thực hiện lưu thông tài liệu tại phòng mượn theo phương thức mới. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh Gia Lai đã có sự phối hợp tốt với ngành Bưu điện, nên mô hình bưu điện văn hóa xã và mạng lưới thư viện huyện phát triển mạnh. Đây là điểm mà Thư viện tỉnh Bình Định đang nghiên cứu học tập. Mặt khác, Thư viện tỉnh Bình Định đã chia sẻ kinh nghiệm với Thư viện Gia Lai về việc đầu tư, phát triển thư viện cấp xã, thư viện - phòng đọc sách phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Hội Nông dân.

Trong hai năm 2005 và 2006, UBND thị xã An Khê và Sở VHTT Gia Lai đã tiến hành xây dựng và hoàn thành công trình nhà rông Ba na tại Bảo tàng Quang Trung; với tổng kinh phí xây dựng 900 triệu đồng. Công trình đã được tỉnh Gia Lai bàn giao cho tỉnh Bình Định, đưa vào sử dụng vào tháng 2 năm 2007. Nhân kỷ niệm 218 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2007), Sở VHTT tỉnh Gia Lai cũng đã cử đoàn nghệ thuật cồng chiêng An Khê xuống tham gia biểu diễn phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Quang Trung. Tỉnh Gia Lai cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bảo tàng Quang Trung sưu tầm hiện vật liên quan đến di tích thời Tây Sơn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, mua một số nhạc cụ sinh hoạt văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đem về trưng bày tại Bảo tàng.

Trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hai năm qua, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã thực hiện 4 đợt biểu diễn phục vụ công chúng và giao lưu tại Gia Lai, với nhiều chương trình đặc sắc, thu hút hàng ngàn khán giả đến xem. Năm 2007, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định cũng đã lên đường biểu diễn phục vụ cán bộ, nhân dân Gia Lai. Bảo tàng Quang Trung cũng đã chuyển Tượng đài Nguyễn Huệ (tượng cũ) đặt tại Công viên thị xã An Khê vào ngày 6-1-2006.

* Khắc phục hạn chế để nâng tầm hợp tác

Nhìn vào những gì đã làm được sau hai năm, có thể thấy việc hợp tác phát triển văn hóa giữa hai tỉnh Bình Định và Gia Lai vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nên chưa thể gắn kết và khai thác một cách có hiệu quả thế mạnh văn hóa của mỗi bên. Hai sở VHTT hai tỉnh Bình Định và Gia Lai vẫn chưa tổ chức được các cuộc giao lưu, trao đổi, học tập mang quy mô ngành. Một số lĩnh vực khác trong chương trình ký kết hợp tác vẫn chưa được triển khai thực hiện như bảo tồn di sản văn hóa, nhà văn hóa, thông tin triển lãm, đào tạo… Ông Nguyễn Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định, nhận xét: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hợp tác chưa đạt được hiệu quả cao như việc trao đổi thông tin giữa hai sở VHTT chưa thực sự gắn kết; các đơn vị trực thuộc hai Sở vẫn chưa chủ động liên kết hợp tác với nhau… Do vậy, trong đợt sơ kết hai năm thực hiện chương trình hợp tác sắp đến, chúng tôi sẽ nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn chương trình hợp tác trong thời gian tới”.

Cũng theo lời ông Nguyễn Chí Cường, thời gian qua chỉ mới có các đoàn nghệ thuật của ta lên Gia Lai biểu diễn, chứ chưa có chiều ngược lại. Để khắc phục tình trạng này, Bình Định sẽ mời thêm các đoàn nghệ thuật dân tộc của Gia Lai xuống giao lưu trong các Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền núi tỉnh Bình Định, nhằm làm cho sắc màu văn hóa lễ hội phong phú hơn. Ngoài ra, trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, Sở VHTT Bình Định sẽ đề nghị Sở VHTT Gia Lai cử Đoàn ca múa nhạc Đam San xuống tham gia biểu diễn. Còn vào các dịp lễ hội tại Gia Lai, phía bạn cũng sẽ mời Bảo tàng Quang Trung và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bình Định lên biểu diễn. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc hai Sở sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động mang tính chuyên ngành. Trong đó, sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa tại nhà rông Ba na (Bảo tàng Quang Trung) như sinh hoạt thường nhật liên quan đến nhà rông, các ngày hội truyền thống… Trong hoạt động thư viện, sẽ phối hợp trong việc bổ sung tài liệu, giới thiệu, tuyên truyền sách, triển khai các dịch vụ trong thư viện và chuyên môn nghiệp vụ.

* Thêm nhiều chương trình hợp tác mới

Nhằm mở rộng hơn nữa việc hợp tác phát triển văn hóa với các địa phương, dự kiến trong tháng 7 này, Sở VHTT Bình Định sẽ ký kết thêm các chương trình hợp tác phát triển văn hóa với Sở VHTT Phú Yên và Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình hợp tác phát triển VHTT giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên là điều hết sức cần thiết, bởi đây là hai tỉnh liền kề nhau, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, nên có thể trao đổi, bổ sung, giúp đỡ cho nhau trên các lĩnh vực VHTT. Theo chương trình, các nội dung hợp tác sẽ gồm lĩnh vực quản lý nhà nước, thư viện, bảo tàng và nghệ thuật chuyên nghiệp… với việc trao đổi các xuất bản phẩm, sản phẩm văn hóa; luân phiên phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về văn hóa có liên quan, đưa đội thông tin lưu động của mỗi tỉnh giao lưu phục vụ một số điểm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, hai bên sẽ phối hợp xây dựng không gian văn hóa vùng biển, phối hợp nghiên cứu lịch sử văn hóa - nghệ thuật các dân tộc thiểu số có những nét tương đồng ở những vùng tiếp giáp hai tỉnh. Từ đó, có những định hướng bảo tồn và phát huy thích hợp…

Nội dung hợp tác phát triển văn hóa giữa Sở VHTT Bình Định và TP. Hồ Chí Minh mở rộng hơn trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, sẽ có thêm nội dung hợp tác về lĩnh vực đào tạo để các trường văn hóa - nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh và Bình Định phối hợp, giúp đỡ nhau trong nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. “Trong tương lai, Sở VHTT tỉnh sẽ tham mưu và đề xuất với UBND tỉnh để triển khai việc ký kết các chương trình hợp tác phát triển văn hóa với các tỉnh Nam Lào. Điều này sẽ thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết giữa ta và bạn; đồng thời, mở ra cơ hội giao lưu văn hóa sâu rộng hơn…”- ông Nguyễn Chí Cường cho biết.

  • Hoài Thu
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ một cơn mưa  (28/07/2007)
Một thương binh tâm huyết với phong trào TDTT cơ sở  (28/07/2007)
Bóng đá thực dụng lên ngôi  (28/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2007)
Báo chí địa phương và những vấn đề cần quan tâm  (07/07/2007)
Học tập gương viết báo của Hồ Chủ tịch  (07/07/2007)
Giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng nguồn điện  (07/07/2007)
Bình Định ký sự  (07/07/2007)
Hồi sinh một làng nghề truyền thống  (07/07/2007)
Câu chuyện còn dài  (07/07/2007)
Thơ  (07/07/2007)
An Lão phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số  (07/07/2007)
Chuyện của những người sao in đề thi  (07/07/2007)
Sinh quá thưa - nên hay không ?  (07/07/2007)
Chữa bệnh ở khu dịch vụ  (07/07/2007)