Người nông dân dám nghĩ, dám làm
15:6', 28/7/ 2007 (GMT+7)

Từ quốc lộ 19 vào thôn Đông Bình thuộc xã Nhơn Thọ (An Nhơn) chừng 3km là đến trang trại tổng hợp VAC của ông Nguyễn Văn Nam. Đập vào mắt chúng tôi là màu xanh ngút ngàn của vườn điều; cùng trang trại nuôi 400 con heo siêu nạc gần một tháng tuổi, phía sau là các ao cá với những bầy cá đang lượn lờ đớp bóng.

 

Ông Nguyễn Văn Nam (bên phải) trong thời gian dự Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông dân - nông thôn Việt Nam.

 

Sống vùng quê thuần nông ở xã Nhơn Tân (An Nhơn), từ lâu ông Nguyễn Văn Nam đã ấp ủ việc phát triển kinh tế trang trại để làm giàu. Năm 49 tuổi (1999), cái tuổi không trẻ nhưng cũng chưa già, ông được Công ty CP mời tập huấn chăn nuôi gia trại, rồi ông tự lực làm chuyến “hành phương nam” vào tận Đồng Nai tham quan cách làm ăn ở đây để mở rộng tầm mắt. Sau khi được mục sở thị, học hỏi, nắm được kỹ thuật chăn nuôi heo, gà ở các trang trại lớn, về nhà ông Nam quyết định bắt tay hợp tác với Công ty CP xây dựng gia trại nuôi 3.000 con gà vào đầu năm 2000. Năm đó ông thu lãi 3 cây vàng.

Mới ra quân trận đầu đã thắng, sẵn có vốn, năm 2001 ông phát triển lên 3 trại gà nữa, rồi xây dựng một trại heo nuôi 200 con đều thành công cho đến năm 2003, thu lãi mỗi năm bình quân trên 66 triệu đồng. Nhưng gia trại tại nơi ở của ông nằm giữa khu dân cư, không tránh khỏi ô nhiễm môi trường, thế là ông bôn ba xuống xã Nhơn Thọ tìm miền đất mới. May cho ông, Nhơn Thọ đang kêu gọi người dân đầu tư làm kinh tế trang trại vùng đất dưới chân núi An Trường. Vào tận nơi quan sát, thấy địa lợi ở đây phù hợp với điều kiện làm kinh tế VAC, ông liền ký hợp đồng thuê 4ha đất dài hạn (10 năm) và 3ha đất ngắn hạn (3 năm) với điều kiện tiền ký hợp đồng trả cùng một lúc, và sau một năm phải hình thành cho được trang trại, nếu không thì chẳng những xã sẽ thu hồi đất mà ông còn phải bồi thường nữa.

Ký xong hợp đồng thuê đất tháng 5 năm 2003, trước một vùng đất hoang vu không một bóng người, vợ chồng ông đã động viên nhau đồng cam cộng khổ để làm ăn. Vợ chồng ông đã vận động bạn bè, người thân cho mượn vốn, dốc hết vốn liếng tích lũy mấy năm chăn nuôi để đầu tư cho vùng đất mới. Ông đã lên kế hoạch đề án giải phóng mặt bằng, nơi nào đào ao nuôi cá, nơi nào làm trại nuôi heo, gà, diện tích nào trồng điều… rồi đi thuê máy ủi, công đào, chuyển cơ sở gia trại cũ xuống làm trang trại mới. Theo ông, vùng đất dưới chân núi An Trường tuy hoang vu nhưng lại hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhơn hòa”, cách biệt với khu dân cư nên nếu nuôi con gì, trồng cây gì cũng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; nguồn nước cấp cho trang trại thì lấy từ hồ Núi Một; đường đi lại thì sẽ làm cầu qua kênh, chính quyền hỗ trợ thuận tiện; điện thì kéo đường dây từ HTX Nhơn Thọ 1 qua..., đủ cả. Thế là ông an tâm bỏ vốn đầu tư. Cuối năm trang trại cũng hình thành theo ý tưởng đề ra. Ông đến Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ mua 1.000 cây điều ghép về trồng 2ha (đến nay sau gần 3 năm, điều đã bắt đầu cho trái bói); 1ha ông xây 2 trại nuôi 400 con heo siêu nạc, mỗi năm 2 lứa; 2ha ông đào ao thả nuôi 34.000 con cá các loại; 2ha trồng mía, mì để lấy ngắn nuôi dài. Tính chung, ông đã bỏ vốn vào xây trang trại trên vùng đất mới ngót nghét 700 triệu đồng.

Vườn điều rộng 2ha của ông Nguyễn Văn Nam đã bắt đầu cho trái bói.

Đất trả công người, 2 năm 2005-2006 ông bắt đầu có nguồn thu mỗi năm bình quân 8 tấn cá các loại, 80 tấn thịt heo hơi, lãi 200 triệu đồng; trên bờ ao cá ông còn trồng 4.000 gốc chuối... Phương châm “lấy ngắn, nuôi dài” của ông là lấy con heo, con cá, cây mía, chuối, cây mì… nuôi cây điều và xây các công trình phục vụ chăn nuôi lâu dài.

Chỉ sau gần 3 năm xây dựng, trang trại của ông Nguyễn Văn Nam ở xã Nhơn Thọ làm ăn có bài bản, đạt được kết quả vượt trội. Cuối năm 2006, ông Nam được vinh dự là một trong hai chủ trang trại thay mặt cho 1.200 trang trại trong tỉnh tham dự Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông dân - nông thôn Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội. Theo ông Nam, Đại hội này đã làm cho ông “sáng mắt ra”, là dịp cho ông tiếp thu thêm kiến thức về làm kinh tế trang trại, kiến thức khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi… Tại Đại hội, ông đã có dịp gặp gỡ nhiều nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà làm trang trại lớn; ký được hợp đồng cung ứng cá bống tượng cho một doanh nghiệp ở Bình Dương. Ông đã hình thành ý tưởng làm ăn mới, nên khi về đến nhà, ông bỏ vốn mua liền 3.000 con cá bống tượng thả nuôi, một thời gian sau, vào tháng 3.2007, ông mua và thả nuôi tiếp 3.000 con nữa, loài cá này ông đã nghiên cứu nuôi thử nghiệm thành công từ trước. Ngoài ra, ông cũng xây xong một trại gà, chuẩn bị đưa về 4.000 con để nuôi. Ông còn có dự định rất táo bạo là khi vườn điều khép tán, sẽ mua nhím về nuôi. Ông vui vẻ “bật mí”: “Tui mới đưa con dâu đi học lớp Internet. Khi nó về là sắm máy vi tính nối mạng, để còn truy cập trang web nông nghiệp, nắm bắt thông tin thị trường nông sản, thực phẩm trong nước và thế giới, tiếp cận khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hội nhập của trang trại mình khi nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”.

Với dáng dong dỏng cao, ăn mặc lịch sự, giọng nói dứt khoát, ông Nguyễn Văn Nam rất truyền cảm với mọi người. Một nông dân trong thời kỳ đất nước đổi mới, chịu khó học hỏi, ham làm, giàu nghị lực, mạnh dạn đổi mới cung cách làm ăn, biết hợp tác với các doanh nghiệp để đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế trang trại, bước đầu làm ra sản phẩm mang tính hàng hóa, phục vụ thị trường trong tỉnh, trong nước và tương lai hướng tới xuất khẩu, đã khiến mọi người cảm phục.

  • Xuân Thức
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hợp tác để phát triển văn hóa địa phương  (28/07/2007)
Nhớ một cơn mưa  (28/07/2007)
Một thương binh tâm huyết với phong trào TDTT cơ sở  (28/07/2007)
Bóng đá thực dụng lên ngôi  (28/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2007)
Báo chí địa phương và những vấn đề cần quan tâm  (07/07/2007)
Học tập gương viết báo của Hồ Chủ tịch  (07/07/2007)
Giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng nguồn điện  (07/07/2007)
Bình Định ký sự  (07/07/2007)
Hồi sinh một làng nghề truyền thống  (07/07/2007)
Câu chuyện còn dài  (07/07/2007)
Thơ  (07/07/2007)
An Lão phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số  (07/07/2007)
Chuyện của những người sao in đề thi  (07/07/2007)
Sinh quá thưa - nên hay không ?  (07/07/2007)