* Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt
Sau ngày quê hương giải phóng, người từ chiến khu, kẻ từ thành phố, người tập kết ra Bắc lần lượt về làng. Cùng niềm vui dâng tràn của những gia đình đoàn tụ, là nỗi đau của những mảnh đời góa bụa như chị tôi. Đắn đo mãi, rồi tôi cũng lựa lời bày tỏ điều trăn trở: “Anh Hai hy sinh đã lâu, chị còn trẻ, cần phải có người làm chỗ dựa cho ba mẹ con, chị ạ”. Chị giật mình, tròn mắt: “Sao cậu nói vậy?”. Nhìn vẻ ái ngại lẫn bối rối của người đối thoại, nét mặt chị dịu lại. Mắt dõi về trảng cát trước làng, nơi có những hàng bia mộ đang nhòa trong nắng chiều đã vãn, giọng chị buồn buồn như tự nhủ: “Nhìn thằng Vinh, thằng Quang, tôi chẳng còn lòng nào nghĩ chuyện riêng cho mình”. Nước mắt chị ứa ra, khoảng lặng kéo dài trong tê tái.
|
Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền
|
Và rồi, trước bao lời thật lòng của những người đàn ông muốn chắp nối cảnh đời dang dở, chị tôi đều lắc đầu. Một mình, chị quần quật từ trong nhà ra ngoài đồng, chẳng kể nắng trưa mưa chiều. Tôi bảo: “Hai cháu lớn rồi, chị phải bày cho chúng làm”. Chị cười, gạt ngang: “Ối dào, chúng làm chẳng bằng tôi làm ráng!”. Giọng chị xót xa, rằng ăn uống kham khổ quá, nên hai đứa tong teo như cây sậy, trông mà nát lòng. Chị ước điều không hiện thực nhưng rất thật của lòng mình, giá chị san sẻ được để các con chị có da thịt hơn. Nói vậy chứ chị nào mập mạnh hơn ai. Mới bốn mươi mà trông chị sắp lên lão. Cứ đăm đắm lo cho con, chị quên luôn cả mình. Những bận con đi cắm trại hay lên thành phố thăm cô, bữa cơm của chị chỉ độc sắn, khoai nối nhau quay vòng. “Ăn thế này, sống sao nổi, hả trời?”. Chị cười: “Cậu cứ lo xa!”.
Xong việc nhà, việc đồng, chị lại bày con học. Trừ những tối họp đội sản xuất, còn dù ốm mệt, chị vẫn nằm trên giường cạnh đó, chỉ bài cho con. Chiếc bàn ăn được trải lớp lá chuối khô, chị ngồi giữa, cầm mo cau quạt cho hai con kèm hai bên. Lắm lúc, chị dừng quạt, cầm tay con uốn từng chữ run run, đứt đoạn. Một bữa nghe hai đứa nhỏ cãi nhau chí chóe, tôi đạp rào, vọt qua. Thấy cậu, chúng hạ giọng, nhưng quyết không xí xóa cuộc giằng co đúng, sai. Thì ra, hai đứa đang làm toán và cứ tranh phần đúng, lại không có “trọng tài”, nên sinh chuyện. Tôi lên tiếng và trật tự được vãn hồi. Thằng Vinh nghênh mặt, đắc thắng: “Thấy chưa, thấy chưa?”. Quang tẽn tò, cúi gằm xuống vở. Khác mọi khi, chị tôi ngồi trong góc tối, hai tay buông xuôi, bất lực. Ngước nhìn tôi, giọng chị buồn buồn: “Tôi hết chữ bày cho chúng rồi, dốt nên tủi quá, cậu ạ”. Nước mắt chảy dài trên má chị, khiến tôi đứng lặng trong đau thương chợt đến. Tôi đưa tay kéo chị ngồi lên giường, những mong lời mình giúp chị dịu vợi ưu tư: “Cũng bởi thằng giặc nên cả làng thất học, chứ nào riêng ai, hả chị?”. Chị gạt nước mắt.
Chị tôi bắt đầu xa con khi chúng lên cấp ba. Nhà cách trường cấp ba của huyện hơn hai mươi cây số, lại không có xe đạp, nên Vinh, Quang ở trọ, đi học. Chiều thứ Bảy, chị lại bồn chồn ngóng con. Chốc chốc lại hỏi giờ, rồi chị chạy ra đầu làng, mắt dõi về con đường đất đỏ xa xa. Mẹ con gặp nhau, mừng tíu tít, rồi chị lật đật lấy gạo, nấu cơm. Đi cấy hay cắt lúa, bắt được con cua, con cá, chị đều bỏ vào chậu nước đậy lại, chờ thứ Bảy. Nhân đại hội xã viên, hợp tác xã chia cho mỗi nhà mấy lạng thịt heo, chị chỉ chấm vài lát phèo phổi, chỗ còn lại kho thật mặn, để dành chờ con. Mong gặp con là thế nhưng mỗi lần ốm, vò võ một mình, chị vẫn dặn đi dặn lại: “Cậu đừng cho chúng biết, không khéo lo cho mẹ mà xao nhãng việc học thì hỏng”.
Ra trường rồi đi làm, những lần về thăm mẹ của Vinh, Quang có phần thưa hơn. Khi có vợ, có nhà trên phố, chúng mời mẹ lên ở cùng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Chúng bảo, mẹ ở một mình, rủi có mệnh hệ nào, chòm xóm lại cười bọn con. Chị nói như rên: “Lên đó, mẹ thấy như bị giam lỏng, con ơi!”. Ấy vậy nhưng khi nghe vợ Vinh sinh cháu, dù đang giữa mùa gặt, chị cũng bỏ đó lên với con. Chị còn đi lại nhiều lần như thế, với niềm vui rạng rỡ, mỗi khi có đứa cháu mới chào đời. Nghe hai con bàn nên bán nhà ở quê, chị giãy nãy. Chúng năn nỉ riết thì nhận được lời giãi bày: “Đời mẹ chẳng còn mấy ngày. Nhưng bán nhà để các con thành kẻ có quê mà chẳng có nhà sao?”. Những đứa cháu lần lượt nối nhau tới trường, chị tôi lại về làng, về với ngôi nhà nhỏ của mình. Lâu lâu, chị lên phố thăm cháu, cũng chỉ được mấy ngày. Tuổi già, đau ốm liên miên, nhưng chị chẳng muốn xa quê để gần con. Bởi thế, chúng năng về và có vẻ bực trước ý định không thể chuyển lay được của mẹ: “Mẹ cứ một mình một bóng thế này, thiên hạ nhìn vào lại cho tụi con bất hiếu”. Hai đứa “hòa âm phối khí” và điệp khúc ấy được “đảo băng” nhiều bận. Sao có quá nhiều điều chúng sợ “thiên hạ”, “người ta”, “chòm xóm” đến thế!. Đằng sau nỗi sợ vu vơ kia là cõi lòng chật hẹp? Tôi tự vấn trong nỗi buồn mong manh ùa đến.
Dịp thanh minh năm trước, chị tôi gọi con cháu về, rồi dẫn cả nhà qua trảng cát, nơi có nghĩa địa của làng, chỉ mồ mả tổ tiên. Trước đó, sau nhiều năm chắt chiu từ số tiền tử tuất của chồng, chị cho dựng bia, ghi dấu phần mộ tiền nhân. Chị đưa cho con mảnh giấy đề ngày giỗ của những người thân đã khuất: “Sau này, tới ngày của ông bà, các con nhớ thay mẹ thắp hương”.
Tôi giật mình khi nghe chị nhờ đóng cho cái chõng tre. Giường gỗ thừa để bụi nằm, thêm chõng làm gì cho chật nhà? Chị cười gượng: “Nằm cho mát”. “Nằm chiếu trúc bóng láng như bôi mỡ thế này, chẳng mát hơn sao?”. Bị hỏi dồn, hết đường né, chị đành nói thật. Rằng, trước lúc lên đường về với tổ tiên, chị chẳng muốn nằm trên chiếc giường đẹp như long sàng kia. Bởi chị lo, con cháu sẽ hóa kiếp nó theo người quá cố, rồi mất chỗ nằm mỗi khi về thăm quê. Ôi, chiều sâu lòng mẹ! Tôi thảng thốt trong câm lặng. Tất nhiên, tôi không dễ dàng chiều theo điều lo xa của chị, nhưng cuối cùng cũng không thể khác trước lời chị: “Cậu không giúp được, tôi lên chợ mua vậy”. Rồi đến lượt Vinh, Quang tròn mắt nhìn “vật thể” lạ đặt ở góc nhà. Nghe ý định của mẹ, cả hai nhún vai, nhăn mặt, lắc đầu: “Cất ngay, để người ta thấy, còn ra thể thống gì nữa!”. Chúng khiêng chõng ra ngoài, định gác lên giàn chuồng heo. Tôi ngăn, Vinh gật gật cái đầu húi cao, nhìn cậu, cật vấn: “Con là chủ cơ sở đồ gỗ xuất khẩu mà để mẹ nằm chõng tre. Cậu thấy đó có phải đề tài hay để người ta đàm tiếu cho ê mặt?”. Tôi sôi máu: “Chúng mày lúc nào cũng sợ thể diện mình bị sứt mẻ nên chẳng còn lòng nào nghĩ đến người khác, kể cả người thân yêu nhất của mình! Thật ra, chúng mày chỉ vuốt ve, mơn trớn cái “tôi”, chứ sợ gì ai?”. Cả hai giật mình như bất ngờ bị bấm đúng huyệt, tròn mắt nhìn cậu rồi lẳng lặng quay đi.
Ngày chị tôi mất, Vinh, Quang muốn giữ mẹ trên dương thế ba ngày. Tôi bảo, quy ước thôn văn hóa được mọi người nhất loạt giơ tay tán đồng rồi, theo đó phải hoàn tất việc đưa tiễn người quá cố trong vòng hai bốn giờ. Chúng nhăn nhó: “Cả đời mình chu đáo việc hiếu hỷ của người ta, nay mới có dịp để họ trả nghĩa, cứ thư thư chứ đi đâu mà vội”. Tôi thả tay, ngao ngán. Chỉ đến khi ông trưởng thôn lên tiếng, chúng mới miễn cưỡng làm theo. Sau đó, hai ông còn mời cậu dì, chú bác cùng bàn bạc việc xây mộ cho mẹ. Tất nhiên phải hoành tráng, phải đẹp nhất làng, mẫu mã phải “độc” - ấy là chủ trương được đồng chủ sự mau chóng thông qua. Và nữa, mộ phải xây thật cao, để ai cũng ngước nhìn, để người đi ngoài đường cái kia cũng có thể thấy. Phải làm sao để không hổ danh những người đứng ra lập cõi riêng cho mẹ. Chuyện bỗng chùng xuống khi bàn đến khoản đầu tiên: tiền đâu. Những ánh mắt nhìn nhau chờ đợi. Tôi không thể nén lòng, nói mà giọng lạc đi như của kẻ khác: “Thì ra, các cháu xây mộ cho mẹ nhưng vì… người còn sống!”.
Tôi đứng lên, quay lưng. Biết là có những đôi mắt sửng sốt đang dồn về phía mình nhưng không vì thế mà nỗi đau như sờ thấy trong tôi được xoa dịu.
|