Sao em nỡ… chưa lấy chồng ?
15:47', 28/7/ 2007 (GMT+7)

Ngày càng có nhiều công dân thuộc giới gương lược trì hoãn hoặc nói không với hôn nhân. Có phải cuộc sống lứa đôi đối với họ không còn là một thế giới hấp dẫn với nhiều điều cần khám phá?

 

Công việc căng thẳng hàng ngày là một trong những nguyên nhân khiến một số chị em chưa vội lấy chồng (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: N.D

 

* Hội chứng sợ hôn nhân đến sớm

Trước đây con gái 24-25 tuổi chưa lập gia đình đã bị coi là “ê sắc”. Bây giờ 27 - 28 tuổi vẫn hơn hớn là chuyện bình thường. Như Thu, kế toán trưởng một trường học, dù đã đặt chân sang tuổi “băm” nhưng vẫn ung dung, yêu đời. Tối tối, sau buổi học văn bằng 2, cô cùng hội độc thân của mình hết cà phê lại chân gà nướng, hoặc phở…. Có ai hỏi Thu: “Bao giờ?”, “Chơi mãi không chán à?”, cô phẩy tay: “Đi đâu mà vội. Còn được sướng ngày nào cứ sướng đã. Tội gì!”.

Suy nghĩ “đi đâu mà vội” của Thu cũng là tâm lý phổ biến của nhiều cô gái thời nay. Công việc ổn định, có nhiều cơ hội thăng tiến, thu nhập không những đủ xài cho bản thân mà còn có thể giúp đỡ được nhiều người trong gia đình…, những cô gái “đi đâu mà vội” thường rất sợ những ràng buộc của hôn nhân. Đối với họ, cuộc sống gia đình là một cái gì đó vừa hay hay nhưng cũng vừa dễ sợ. Họ, một mặt vừa muốn nhảy vào, nhưng mặt khác lại sợ nhảy vào sẽ bị mất đi một số thứ. Và rồi ở ngoài, nhìn vào cuộc hôn nhân của các “bậc tiền bối”, nghe những lời răn kiểu như: “Những tháng ngày tươi đẹp của người phụ nữ sẽ chính thức chấm dứt kể từ ngày lên xe hoa”, họ lo lắng xa xôi. Hãy nghe Khanh, 29 tuổi, nhân viên hành chính của một công ty xuất nhập khẩu - một đại diện của những nữ công dân sợ kết hôn - tâm sự: “Nói đến cưới là thấy ngại. Không biết người mình lấy làm chồng rồi có yêu thương mình không, có chia sẻ việc nhà với mình không, hay chỉ thích rong chơi để mình phải nai lưng ra làm ôsin sau tám giờ vàng ngọc tại công sở? Con gái ngày nay không mấy người biết nấu ăn và rất ít người vào bếp, nên cứ nghĩ đến chuyện chiều chiều phải chui vào bếp mà ngán”.

* Đàn ông chán phèo!

Một nguyên nhân khác khiến các cô gái đủng đỉnh trong chuyện hôn nhân là do họ cảm thấy đàn ông không còn là thế giới bí ẩn đầy sức cuốn hút. Thảo, nhân viên của một công ty du lịch, từng tuyên bố: “Đàn ông bây giờ chán phèo! Mới nói nửa câu đã biết tỏng định nói gì”. Bị đồng nghiệp trêu là “hàng phế phẩm”, nhưng Thảo chẳng lấy thế làm buồn. Ngược lại, cô chỉ thấy miễn cưỡng và sốt ruột mỗi khi phải đóng bộ tiếp mấy anh chàng đang có “ý đồ” nhưng chỉ biết nói toàn những điều tẻ nhạt. “Thà nằm xem phim hoặc đọc sách còn sướng hơn!” - Thảo tâm sự với cô bạn thân. Quyết liệt hơn, cô còn đi đến quyết định ở một mình nhưng sẽ “đặt hàng” một anh chàng có chỉ số sắc đẹp và IQ cao để về sau cho “ra lò” một “sản phẩm” đẹp về hình thức, tốt về chất lượng.

Theo chuyên gia tâm lý về hôn nhân - Trịnh Trung Hòa: dửng dưng với đàn ông là tâm lý có thật ở một số phụ nữ, nhất là những người có trình độ học vấn cao. Không phải họ không có nhu cầu yêu và được yêu, nhưng những phụ nữ ở đẳng cấp này thường có yêu cầu cao về người bạn đời: lịch thiệp, thông minh, am hiểu; trong khi đó, không hiểu vô tình hay hữu ý, tạo hóa lại xếp đặt cho họ gặp toàn những anh chàng nhạt nhẽo, vô vị, tóm lại là dưới tầm họ. Từ đó, một kết luận nhanh chóng được xác lập: Trên đời này còn có nhiều thứ khác hấp dẫn hơn đàn ông! Như trường hợp của Tâm, một tiến sĩ Ngôn ngữ học từng du học tại Nhật, là một ví dụ. Cô có một niềm đam mê học ngoại ngữ. Thông thạo 4 thứ tiếng với Tâm vẫn là chưa đủ. 35 tuổi, bị mọi người trong gia đình hối thúc, nhưng cô chẳng thiết tha gì chuyện yêu đương. Mỗi khi buồn hay trống trải, Tâm lại quyết định học một ngoại ngữ mới. Bạn bè cứ khuyên: Tâm học được nhiều thứ tiếng, nhưng tiếng… “anh” không chịu tìm hiểu!

* Mây lang thang

Những cô gái thuộc tuýp phụ nữ này là những người “cả thèm chóng chán”. Giống như những đám mây, họ cứ trôi, trôi mãi trong bầu trời tình ái mà không dừng lại được, chỉ vì cứ mỗi khi đến hồi chung kết, họ bỗng dưng lại thấy một sự nhàm chán, một sự tẻ nhạt trỗi dậy. “Cuộc tình nào đối với em cũng rất thật, nhưng không hiểu sao, cứ càng gần đến đích, em lại không thể “chung kết” được. Em ngại phải gắn bó cuộc đời mình với một người đàn ông”- Thu, 36 tuổi, nhân viên một cơ quan truyền thông, tâm sự. Cho đến giờ, Thu đã trải qua ba, bốn cuộc tình nhưng hỏi cô: “Định bao giờ dừng chân?”, Thu chỉ cười: “Không biết nữa. Chắc cả đời chỉ lang thang như mây thôi”.

Không như nhiều vị mày râu vẫn chủ quan, nhiều phụ nữ có thể dễ tiếp cận, cởi mở, quảng giao nhưng “khoảng trời riêng” của họ thì không dễ gì “xâm phạm”. Thế nên khi có ý định “riêng tư” với họ, kẻ “tấn công” không nên chỉ biết kiên nhẫn mà còn phải chuẩn bị tinh thần cho một cuộc “đào thoát” ngoài mong muốn.

Tuổi tác càng nhiều, sự níu kéo, lực cản từ chính họ với những thứ đã định hình như nếp sống, thói quen, sở thích, tính cách… càng khiến họ “khó chịu” hơn với những ràng buộc của hôn nhân, thứ mà họ quan sát nhiều hơn trải nghiệm. Chính vì thế, có thể vấn đề không phải ở “đối tượng” mà lại là chính chị em. Hôn nhân, với họ cũng như cậu học trò với môn nhảy cao trong giờ thể dục, cứ nhìn thấy độ cao là ngại, nhưng nhảy được rồi thì mới biết và tin rằng mình có thể nhảy cao hơn. Đoan, công tác ở một cơ quan đoàn thể, lập gia đình năm 40 tuổi và một năm sau chị sinh con. Với mọi người, chuyện tưởng không thể đã thành có thể. Còn Đoan, đáp lại những trêu đùa thân thiện của họ hàng, đồng nghiệp, thi thoảng chị bế con lên nựng, rất kêu: “Biết thế này, mẹ phải sinh con hồi… 18 tuổi”.

  • Đức Huy - Nguyễn Ngọc
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chút lịch sử về Hip hop  (28/07/2007)
Thơ  (28/07/2007)
Mẹ con  (28/07/2007)
“Bánh tráng bẻ giòn giòn”  (28/07/2007)
Người nông dân dám nghĩ, dám làm  (28/07/2007)
Hợp tác để phát triển văn hóa địa phương  (28/07/2007)
Nhớ một cơn mưa  (28/07/2007)
Một thương binh tâm huyết với phong trào TDTT cơ sở  (28/07/2007)
Bóng đá thực dụng lên ngôi  (28/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2007)
Báo chí địa phương và những vấn đề cần quan tâm  (07/07/2007)
Học tập gương viết báo của Hồ Chủ tịch  (07/07/2007)
Giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng nguồn điện  (07/07/2007)
Bình Định ký sự  (07/07/2007)
Hồi sinh một làng nghề truyền thống  (07/07/2007)