Mùa săn “hùm” dưới biển
17:0', 28/7/ 2007 (GMT+7)

* Phóng sự của Văn Thý

Đã nép mình tận dưới những rạng đá ngầm đáy biển, thế nhưng tôm hùm không thoát khỏi nguy cơ bị tận diệt. Thực khách ngày càng đông, thợ lặn ngày càng nhiều, lợi nhuận ngày càng cao và tôm hùm ngày càng cạn kiệt.

 

Chỉ trang bị đơn giản thế này, họ bắt đầu một “xô” lặn. Ảnh: V.T

 

* Nghề nguy hiểm

Nhờ có người quen bảo lãnh, tôi được Sơn – một thợ lặn có đẳng cấp ở Tuy Hòa (Phú Yên), cũng là chủ thuyền – đồng ý cho theo một chuyến ra khơi. Đúng 7 giờ sáng một ngày tháng 6, thuyền khởi hành tại cửa biển Đề Gi (thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Chuyến đi còn có 3 thợ lặn chuyên nghiệp. Chiếc thuyền nhỏ, lắp động cơ 15 mã lực khởi động rung lên bần bật. Cả thảy trên thuyền có 5 người nhưng duy nhất chỉ có 1 chiếc phao bơi cá nhân, 3 can nhựa loại 20 lít đựng nước uống, không định vị, không la bàn, không radio; thuyền quay mũi hướng ra biển, bắt đầu cuộc hành trình mà không hề có sợi dây liên lạc nào với đất liền.

Sóng bạc đầu tung bờm trắng xóa. Chiếc thuyền nhào lộn, đảo điên, lắc lư trên mặt biển, giữa những con sóng lớn. Sau chừng khoảng 2 tiếng đồng hồ, chủ thuyền chầm chậm giảm ga. Người ngồi ở đầu mũi thuyền chừng 30 tuổi thành thạo thả neo. Thuyền vẫn chạy chầm chậm, Sơn giải thích: “họ đang tìm rạng”, 2 trong số 3 thợ lặn chuẩn bị xuống nước. Họ trang bị khá đơn giản gồm kính lặn, áo quần và ống dẫn khí từ miệng đến một máy nén khí đặt ở trên thuyền, hai bên hông móc 2 cục chì nặng. Máy nén khí khởi động, 2 thợ lặn nhảy ùm xuống biển và mất hút trong làn nước xanh, lạnh. Mỗi lần xuống nước, dân lặn gọi là “xô”. Mỗi xô có thể kéo dài 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Một thanh niên trên thuyền chăm chú vào việc vận hành máy. Sơn vừa khéo léo điều khiển con thuyền nhỏ, vừa căng thẳng quan sát mọi động tĩnh dưới nước và máy nén khí. Chúng tôi ngồi im chờ… Hơn 30 phút trôi qua, biển vẫn thế, xanh và đầy bất trắc. Tôi hỏi nhỏ Sơn: “Họ thường lặn ở độ sâu bao nhiêu?”. “Khoảng 10 đến 15 sải tay” – Sơn đáp. Tôi nhẩm tính, mỗi sải tay khoảng 1,6m vậy là thợ lặn săn tôm hùm luôn phải làm việc trong một áp lực nước ở độ sâu từ 16 - 24m. Làm việc ở độ sâu như thế mà chỉ với trang bị như thế này thì quả là nguy hiểm. Ngồi trên thuyền, Sơn kể cho tôi nghe hàng loạt rủi ro của nghề. Cách đây vài tháng một thợ lặn trong một xô lặn, vì mải theo một chú tôm hùm mang trứng đã kẹt vào hang đá rạng, bị dập chân trái và bả vai, phải nằm viện điều trị gần 2 tháng. Ngay bản thân Sơn, vì lặn nhiều nên bị ù tai…

Đang mải mê kể, bỗng Sơn reo lên: “Sắp lên rồi!”. Tôi nhìn xuống biển thấy những bong bóng nước nhỏ, to nổ tung. Liền đó, hai thợ lặn trồi lên, một tay bám vào mạn thuyền, còn tay kia đưa vợt lướt trên thuyền, mở vội chụp dẫn khí, toét miệng cười: Đủ nhậu! Anh thanh niên vận hành máy giúp họ lên thuyền, chiếc vợt được đổ ra. Khoảng 40 con tôm hùm nhỏ, to đủ cỡ, nẩy bụng lên mặt sàn.

Cũng khéo léo như khi điều khiển con thuyền, Sơn lôi từ dưới chỗ mình ngồi những thứ đã được chuẩn bị sẵn. Bây giờ, Sơn đang là một đầu bếp thành thạo. Anh chọn 6 con tôm hùm to chừng 2-3 lạng/con, rửa qua bằng rượu trắng đựng sẵn trong một chiếc can 5 lít. Xong, anh uốn cong mình từng con tôm cho đầu, đuôi chạm nhau và giữ chặt. Rồi bằng động tác thuần thục, anh lách mũi dao bén ngọt vào gáy tôm hùm, một dòng nước trắng đục chảy xuống chiếc ly cối đựng rượu đã chờ sẵn. Một thợ lặn cầm đũa đánh đều và giải thích: “Nếu không đánh đều, tiết tôm hùm sẽ đông lại”. Cứ tiết 2 con tôm được cho vào một ly cối rượu. Thịt tôm hùm được nhanh chóng lấy ra, thái mỏng bày ra đĩa, vắt chanh cho săn lại và có màu trắng đục. Đồ ghém gồm nộm chua, rau sống, đậu phụng giã nhỏ, xì dầu, mù tạt và bánh tráng dùng để cuốn các thứ lại với nhau. Chuẩn bị xong, cuộc nhậu bắt đầu. Với tôi, chẳng biết vì biển cả mênh mông, sóng dập dềnh, hay vì rượu ngon mà cảm thấy thật thú vị trước món ăn lần đầu tiên trong đời được thưởng thức. Sơn bảo: “Món ăn này bổ dưỡng”. Một thợ lặn cãi: “Chưa đâu, phải là món tiết canh tôm hùm mới là độc chiêu”. Rượu vào, lời ra và câu chuyện cứ xoay quanh thân phận của những thợ lặn và số phận những con tôm hùm.

 

Một con tôm hùm mang trứng thế này có giá 2,5 triệu đồng. Ảnh: V.T

 

* Hủy diệt

Theo các “lão ngư” ở Đề Gi cho hay thì những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, vùng biển này thợ lặn có thể bắt được tôm hùm cỡ 2-3kg/con, thậm chí trên 4kg/con không phải là chuyện hiếm. Thế mà giờ đây bắt được tôm hùm khoảng nửa kg đã mừng húm. Tôm hùm ở đây bị hủy diệt không thương tiếc. Trước đây, vào mùa khai thác tôm hùm để xuất khẩu, ngư dân chỉ được phép đánh bắt loại tôm có kích thước từ 175mm trở lên, mỗi cân tôm hùm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu bán cho đại lý với giá 500-600 ngàn đồng. Thế nhưng khi lên bàn nhậu nó sẽ có giá… trên trời. Với lượng khách nhậu tôm hùm ngày càng đông, nếu không có tôm lớn thì tôm bé cũng được, miễn là đúng… tôm hùm. Và thế là mỗi “xô” thợ lặn xuống biển, tất cả tôm mẹ, tôm con đều bị họ cho vào vợt tuốt.

Tôm hùm được phân ra làm 3 loại: Tôm trắng, tôm xanh và tôm đỏ (còn gọi là tôm Tề Thiên), với giá chênh lệch nhau. Tôm trắng giá 600-650 ngàn đồng/kg; tôm xanh chia ra 2 loại: loại nặng 0,3kg/con trở lên giá 400 ngàn đồng/kg, dưới 0,3kg giá 250 ngàn đồng/kg; tôm Tề Thiên giá 20 ngàn đồng/kg. Cũng theo chủ thuyền, mỗi chuyến ra khơi kéo dài 4-8 giờ thu nhập trung bình 2-5 triệu đồng, có khi trúng được tôm hùm mang trứng bán giá 2-3 triệu đồng/con. Còn ăn chia thì sau khi trừ chi phí xăng dầu, tổn mã, còn lại chia đôi giữa chủ thuyền và thợ lặn. Trung bình một thợ lặn sau một xô lặn thu nhập 50-100 ngàn đồng.

Tôm hùm sinh sản vào tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Nghiệt ngã thay, đó cũng là mùa khai thác tôm hùm. Sơn trầm ngâm: “Gần 15 năm làm nghề này rồi, bắt những con tôm bé tí như ngón tay, xót lắm chứ. Nhưng ông tính xem, nếu không bắt thì lấy tiền đâu để trả công cán, xăng dầu…?”. Vào mùa tôm sinh sản, mỗi thuyền ra biển khai thác tôm hùm, khi quay về bờ mang theo khoảng 4-6kg tôm nhập cho hàng chục quán nhậu đang “đói” hàng, ước mỗi ngày có khoảng 1 - 1,5 tạ tôm hùm từ “tầng âm” lên làm món “bổ dưỡng” cho người trần thế. Tôi chợt nhớ có một cơ quan chức năng mang tên là Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) nên hỏi Sơn: “Có bao giờ anh bị BVNLTS bắt và phạt chưa?”. Sơn “hồn nhiên” nói: “Chưa. Mà lấy gì để phạt, dân đi biển thì bắt được con gì bán có tiền là… bắt. Thế thôi!...”.

Thuyền nhổ neo vào bờ, thấp thoáng sau những hàng phi lao trên bãi biển là hàng chục “khách hàng” đang đợi “hàng”. Nếu cứ vẫn như thế, có lẽ mai này trẻ em Đề Gi chỉ biết con tôm hùm qua tên gọi và hình ảnh trên trang giấy.

  • V.T
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sao em nỡ… chưa lấy chồng ?  (28/07/2007)
Chút lịch sử về Hip hop  (28/07/2007)
Thơ  (28/07/2007)
Mẹ con  (28/07/2007)
“Bánh tráng bẻ giòn giòn”  (28/07/2007)
Người nông dân dám nghĩ, dám làm  (28/07/2007)
Hợp tác để phát triển văn hóa địa phương  (28/07/2007)
Nhớ một cơn mưa  (28/07/2007)
Một thương binh tâm huyết với phong trào TDTT cơ sở  (28/07/2007)
Bóng đá thực dụng lên ngôi  (28/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2007)
Báo chí địa phương và những vấn đề cần quan tâm  (07/07/2007)
Học tập gương viết báo của Hồ Chủ tịch  (07/07/2007)
Giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng nguồn điện  (07/07/2007)
Bình Định ký sự  (07/07/2007)