* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu
Trước đây, trong làng An Định quê tôi, các hộ giàu thì “trâu ruộng bề bề”; hộ bậc trung cũng đôi “trâu đực sức” để trước cày ruộng nhà, sau cày thuê ruộng người, trong đó có hộ ba tôi, ngoại tôi. Nói chung, làng tôi có nhiều nhà nuôi trâu bò, vì làm nông thì “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
|
... vừa là chỗ tha ma mộ địa, vừa là chỗ cho trâu bò “đứng”... Ảnh: Duy Tân
|
Trong làng có cái gò Đình rộng rãi vừa là chỗ tha ma mộ địa, vừa là bãi cho trâu bò “đứng”. Mỗi ngày, mới sáng tinh mơ, người ta đã lùa trâu ra gò, ra đồng. Nhà thức dậy muộn, trâu “báng” sừng “cốp cốp...” vào cổng chuồng, đòi thả ra. Con trâu cũng được người đặt tên: Con đực thì Chản, Tượng... cho mạnh; con cái thì Bầy, Đàn, Lũ... đặng đẻ sai. Chản đang đi trong đàn trâu, tới ngã ba đường, mục đồng hô: - Chản “dí !”, Chản tức thì rẽ phải; nếu hô: - Chản “thá !”, Chản rẽ trái ngay; hô: - Chản “dí dọ...dí dọ!”. Chản đứng lại. Tên trâu không nhiều, mấy tên đó thôi, cho nên trăm trâu ngoài gò, ngoài đồng, người ta phải gọi kèm tên trâu với tên chủ hoặc tên thằng nhỏ chăn trâu cắt cỏ cho dễ phân biệt. Con trâu Chản của ba tôi thì gọi là con Chản Tám Rự.
Trâu ra gò, ra đồng ăn cỏ, về chuồng ăn rơm, rạ. Trâu ăn no cành hông, cứng sừng rồi thì nằm nhai lại và ngủ lim dim. Trưa nằm ngủ dưới bụi tre già thì trâu thích. Những năm hạn hán, làng tôi đồng khô cỏ cháy, ba tôi theo người trong làng “lừa trâu gởi núi” dưới chân Hòn Ông để trâu còn có trảng cỏ mà ăn. Tôi vẫn thường nghe ba tôi khuyên trâu, “tâm sự” với trâu: “... Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đó ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
“Trâu đực sức” ra đồng kéo cày ruộng sâu. Cảnh “Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” là một cảnh quen thuộc ở làng quê tôi. Cày bừa tới mặt trời đứng bóng khiến người mệt, thở dốc, còn trâu thì sùi bọt mép, “thở như trâu”; nhưng trâu không “yếu”: “Cày thì thở, mở thì theo cái”. Xong buổi cày chiều, trâu hết một ngày làm lụng. Trâu đang được mục đồng lừa đi, thấy vũng bùn đen hay vũng nước trắng lóa đằng xa, trâu xăm xăm chạy tới, lăn kềnh xuống vũng, “mẹp” bùn, mẹp nước, chổng bốn chân lên trời quẫy đạp, trông trâu sướng lắm; dù cho mục đồng đánh mấy, trâu cũng không rời đi. Vũng nước mưa đọng, lúc đầu nhỏ, do trâu thường đằm mình mà lõm to, thành “vũng trâu đằm”. Mục đồng tắm trâu ở bến sông quen, thường đặc những trâu ngâm mình trong nước. Cái bến sông ấy được gọi là “Bến Trâu” nước chảy lờ đờ, đỉa trâu, đỉa mén lội như bánh canh. Tắm trâu, mục đồng cởi hết quần áo để trên bờ, ở truồng tồng ngồng vừa kỳ cọ, rũ bùn cho trâu, vừa canh chừng đỉa cắn mình và cắn trâu. Sau khi tắm, trâu sạch sẽ mát mẻ, chở mục đồng về trong ánh trời chiều bảng lảng: “Gõ sừng, mục tử lại cô thôn” (Bà Huyện Thanh Quan). Trâu sức rảnh mùa kéo cày thì bận mùa kéo xe, kéo cộ chở lặc lè lúa thóc, heo gà, than củi, rạ rơm... của nhà nông. Đến vụ thu hoạch mía, ép đường, trâu còn kéo “ông che” ngoài đám ruộng mía trong mùi thơm phức của mía đường nấu chín trên chảo và mùi khói đốt đồng đến ngột ngạt. Người quê tôi hay kể câu chuyện về một chuyến cộ trâu, nghe “rất trâu”. Đầu hôm, Năm Bền điều khiển một cộ trâu khởi hành đi giao hàng. Năm Bền lái cộ nằm trên đống bao thóc chồng chất lên nhau, phía trước treo leo lét ngọn đèn bão. Cộ di chuyển trên các hương lộ nối tiếp nhau, dưới bóng đêm tối mịt và tiếng ếch nhái kêu ran. Đi đến nửa đêm lái cộ ngủ say, có người thấy cộ trâu đi, chơi ác đến kéo đầu cộ quay ngược lại. Thế là cộ trâu lại bắt đầu một hành trình trở lộn về. Gần sáng, Năm Bền mở choàng mắt thức dậy, tức ơi là tức, vì thấy mình vẫn ở tại chỗ, cộ trâu chất đầy hàng đang lăn bánh vào sân nhà! “Lạc đàng theo chó, lạc ngõ theo trâu”, dân gian đã đúc kết thành kinh nghiệm.
Trâu cái cày bừa những ruộng cạn. Khi trâu mẹ kéo cày thì trâu nghé lội ruộng, theo từng bước chân trâu mẹ. Khi trâu mẹ cày xong, lên gò cao ăn cỏ, trâu nghé theo bú vú mẹ. Bú no nghé liền xa mẹ tung tăng dạo chơi như muốn tập dần đời sống tự lập và “khám phá thế giới”. Trâu mẹ và trâu nghé tìm nhau qua tiếng “nghé ngọ... nghé ngọ...” gọi - thưa, vang xa trên đồng làng và tan biến ở phía chân trời.
Trâu vốn hiền, khi bị ai chọc, bị hành hạ thì trâu mới dữ. Trâu hung lên thì mắt đỏ sòng sọc, gằm đầu chạy xồng xộc tới, đầu húc, sừng “báng” người không sức nào chống cự nổi. “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy” sang đồng khác, trâu lạ nhau, “báng” lộn tới chết. Nhân tính trâu thế mà trước đây làng tôi cũng như bao làng khác trong vùng Phủ An mới có lễ hội chọi trâu truyền thống vào tiết tháng ba hàng năm.
Ba tôi vừa chăn trâu cắt cỏ vừa là thợ cày. Đêm nào, ba tôi cũng thức dậy vào lúc nửa đêm để bỏ thêm rơm rạ cho trâu ăn, sáng dậy sớm, hôm vác cày hôm vác bừa, theo trâu ra đồng, làm lụng cùng trâu suốt ngày. Ba tôi cầm cày, ăn cơm mỗi bữa hai muỗng dừa gạo (bằng hai lon sữa bò bây giờ) với mắm cà mà vẫn chưa thấy no. Má tôi chạy gạo cho cả nhà bảy miệng ăn nhưng bà vẫn nhẹ nhàng bảo: - “Ba bay ăn “to” thế mới đủ sức cày ruộng”. Thực vậy, tôi đã từng thấy ông “cày đồng giữa buổi ban trưa/ mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”. Bá hộ Trần có nhiều ruộng từ đời nội ông trở xuống. Dân làng An Định non một nửa là người họ Trần, nhưng có họ Trần huyết thống và họ Trần “trục họ”. Những người làm cha mẹ họ Nguyễn, họ Lê... vì cảnh nhà nghèo đông con, phải đem đứa con trai tuổi 9-10 của mình gởi nhà Bá hộ để nó ở chăn trâu. Thấy nó chăn trâu cắt cỏ giỏi, Bá hộ cho làm con nuôi, cho “trục” họ Trần tức bỏ Lê, Nguyễn ... lấy họ Trần. Thằng con nuôi buổi đầu chăn trâu, lớn thêm ít tuổi thì tập cầm cày, rồi chẳng bao lâu trở thành “trai cày” của nhà Bá hộ. Trai cày của một nhà giàu cũng kế thế, mãn đời cha có đời con nối tiếp cầm cày cho chủ.
Mục đồng chăn dắt trâu, ngồi lưng trâu, gõ sừng trâu, vuốt đuôi trâu, tắm táp kỳ cọ cho trâu... Cũng lắm khi mục đồng ham chơi, rủ nhau “u mọi”, “đá bò”, “đánh trổng âm u, đánh cù u trán”, rồi thì đi hái dú dẻ, chim chim, moi đất sét bờ sông nặn tượng, bày đánh giặc giả, hát đồng dao... Tôi nghĩ, phần lớn những bài đồng dao, có kèm theo trò chơi, đều do mục đồng sáng tác. Bởi thế, bất kỳ đứa trẻ nhỏ nào trong làng, kể cả cậu học trò nghỉ học, cũng thích được đi chăn trâu để tận hưởng bao cái thú ấy và được làm bạn với trâu, với mục đồng... Câu hát “Chăn trâu sướng lắm chứ” xét về mặt nào đó, nó có cái lý. Nhưng đó cũng là lời cất lên từ trái tim yêu thương của nhà nghệ sĩ muốn thi vị hóa cảnh khổ ăn cơm hẩm, mặc áo vá, dọn phân trâu cho “ruồi trâu” nó bu của thằng bé chăn trâu ở đợ.
Con trâu có ích đủ bề cho đời. Trâu khỏe thì kéo cày bừa, kéo “xe trâu”, cộ trâu”; trâu già cho thịt. Con trâu còn có cái sừng làm ra cái tù và, cái lược sừng; tấm da bịt mặt trống chầu, trống chiến; bãi phân trâu hoai bón ruộng... Ngày trước, người làm quan thanh liêm và thương dân, cứ sợ câu: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Ông quan cúc cung tận tụy cho một lý tưởng, bỗng đâu bị vật chất cám dỗ, mắc phải sai phạm, sa lưới trời, ông vừa ngồi “gỡ lịch” vừa hối tiếc: “Chết sông chết suối thì không/ Đem thân đi chết vũng đằm của trâu”. Đến bài học cho kẻ lười biếng tham ăn, thích hưởng thụ thì: “Trâu cày không ai thả, trâu ngã bao kẻ cầm dao”; bài học biết ơn, thì: “Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” (Nguyễn Du - Truyện Kiều)... Những bài học “rất trâu” đáng suy ngẫm như thế, có nhiều.
Tuy rằng “con trâu đi trước cái cày đi sau” nhưng con trâu và cái cày đã nuôi sống bao đời những người dân quê tôi. Làng An Định bây giờ nửa nông thôn, nửa phố thị, có nhiều máy cày và xe công nông. Tôi còn nhớ vào một ngày có đoàn 5 chiếc xe tải mang biển số ngoài tỉnh chạy vào làng. Ba người phụ nữ phốp pháp từ trên xe bước xuống mang theo những túi xách nặng. Họ nói với dân làng rằng, họ mua trâu để xuất khẩu sang các nước có đồng cỏ và chịu mua với giá ủng hộ nông dân. Trước sự việc ấy, người làng tôi mất ngủ mấy đêm, để bàn xem có nên bán trâu chăng. Thế rồi vào một buổi sáng, đồng tiền không chân mà vào được nhiều nhà trong làng và cũng từ hôm đó đàn trâu hàng trăm con của làng An Định kể như đã được căn bản giải thể.
Lúc lùa trâu lên xe, mấy người phụ xe dùng dây thừng xỏ mũi trâu, cột sừng trâu vào thùng xe, ép trâu đứng ken chật cứng trong xe. Trâu vùng vẫy, lắc đầu báng sừng lia lịa vào phụ xe, vào thùng xe và ngoái nhìn chủ, chúng không hiểu gì về sự việc của buổi sáng hôm ấy. Cả làng An Định đi tiễn đàn trâu. Con trâu Chản, trâu Tượng vẫn nhìn ba tôi và ba tôi thì chạy lúp xúp theo sau xe cho tới khi xe đã có trớn chạy nhanh mới dừng lại thở. Và tôi nhìn thấy trong mắt của ba tôi long lanh ngấn lệ.
|