Thung lũng giữa đại ngàn
17:20', 28/7/ 2007 (GMT+7)

Chuyến công tác của chúng tôi được khởi điểm lúc đất còn trong màn sương phủ. Trên đường đi, anh Nguyễn Công Sáu, Trưởng Ban Dân vận huyện An Lão, sảng khoái: “Không bao lâu nữa, khi con đường hoàn tất thì xe lên xã An Toàn sẽ như… chạy ở đồng bằng”. Ra khỏi đoạn đường bê tông đang thi công dở dang, “con U-oát già” trườn mình khó nhọc. Sau hơn hai giờ đánh vật với con đường dốc đứng, chúng tôi đã tới trung tâm xã, nơi có độ cao 1.080m so với mực nước biển.

 

Phút nghỉ chân bên đường.

 

* Nét mới vùng cao

Sau hơn 3 năm, tôi có dịp quay trở lại xã vùng cao An Toàn (An Lão) để công tác. Chừng ấy thời gian, nhưng cảnh vật nơi đây dường như vẫn chưa có những biến đổi gì lớn so với lần đầu tôi đặt chân đến. Vẫn những con đường nhỏ dắt nhau chạy vào làng, vẫn những nếp nhà quần cư trên những ngọn đồi, vẫn những ruộng ngô, ruộng lúa, những đồng cỏ xanh nằm bên con đường mòn dẫn ra sông, ra suối… Riêng chỉ có cuộc sống của bà con nơi đây là đã “lên màu”.

Toàn xã có 128 hộ với hơn 628 nhân khẩu, trong đó, người Bana chiếm 95% và 5% là người H’rê. Đi khắp các thôn, đập vào mắt chúng tôi là những thay đổi trong điều kiện sống của bà con. Nhà nào cũng đã được trang bị đầy đủ phương tiện nghe nhìn, xe máy…; việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng đã được bà con ý thức hơn. Theo thống kê, cả xã hiện có 64 học sinh đang theo học ở các cấp. Đội ngũ giáo viên cũng đã được kiện toàn về trình độ chuyên môn. Toàn xã đã đạt 100% số trẻ được uống vitamin A, tiêm phòng; trẻ suy dinh dưỡng ở mức thấp; tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 giảm còn 5%; nhân dân được cấp thẻ BHYT, muối iốt, dầu diezel cùng những nhu yếu phẩm khác. Các hoạt động văn hóa, giao lưu văn nghệ được tổ chức thường xuyên, phần nào đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đáng chú ý nữa là năm 2006, An Toàn đã có 96 hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa.   

Ông Đinh Văn Lý, Bí thư Đảng ủy xã An Toàn, phấn khởi: “Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành nên cuộc sống của bà con đã có những chuyển biến rõ rệt. Các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội được đông đảo bà con đồng tình ủng hộ. Tính từ đầu năm đến nay, xã đã hỗ trợ 21 hộ gia đình có nhà ở đơn sơ xây dựng lại nhà mới; những hộ đói thường xuyên cơ bản đã được khắc phục; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, chỉ còn 8%; 28 hộ cũng đã được vay vốn ưu đãi với số tiền 210 triệu đồng để phát triển kinh tế; những người làm kinh tế giỏi xuất hiện ngày càng nhiều”.     

Được sự đầu tư từ các nguồn vốn của chương trình 134,135, ODA… đến nay, một số công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại An Toàn đã được đầu tư xây dựng như: gia cố đập Cha Pít, Gia Múc, đập Xang, A Len, xây mới 400m kênh mương và một số công trình nước sinh hoạt của ba thôn, sửa chữa cầu treo… Từ đó, đã tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương. Từ dự án trồng rừng thuộc nguồn vốn 134 của Chính phủ đã có trên 190 hộ đăng ký trồng rừng với diện tích 100 ha gồm những cây công nghiệp: keo, sầu đông, mây… và tham gia quản lý 3.031,9 ha rừng.

* Trăn trở tìm hướng phát triển

Cái khó nhất của An Toàn nói riêng và toàn huyện An Lão nói chung, là việc định hướng “nuôi con gì, trồng cây gì” cho hiệu quả. Có thời kỳ, cây quế được đánh giá là cây “mũi nhọn”, nhưng vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, nhiều diện tích quế đã bị người dân phá bỏ. Ông Đinh Văn Giang, cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo được tăng cường về xã, bộc bạch: “Đã hơn 10 năm nay, việc chọn lựa đầu tư “một cây, một con” vẫn chưa có hướng ra. Tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng, năng suất cây trồng. Hơn nữa, mặt bằng dân trí thấp nên việc hướng dẫn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế và bà con còn có tư tưởng ỷ lại”. Điều kiện thời tiết phức tạp, nên cơ cấu giống phải thích nghi với điều kiện tự nhiên. Vậy nhưng, do diện tích canh tác manh mún, sản xuất lại không theo hướng thâm canh, nên năng suất thấp. Trình độ đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nên việc truyền đạt những chủ trương, chính sách đến với bà con còn nhiều khó khăn. Thu nhập của một bộ phận người dân vẫn còn dựa vào việc đi lấy mật ong, khai thác mây…

Với đặc trưng là một xã đặc biệt khó khăn, đường sá chỉ thông suốt vào mùa khô nên các sản phẩm nông nghiệp như: mì, bắp, đậu… chỉ phục vụ đời sống tại chỗ chứ chưa thể trở thành hàng hóa để lưu thông. Công tác khám - chữa bệnh cho người dân của đội ngũ y tế xã chưa thực hiện tốt, nên một số bệnh bà con vẫn phải tìm đến thầy cúng. Cán bộ thú y cơ sở còn yếu và mỏng.

 

Uống rượu cần trong đêm đại ngàn.

 

* Đòn bẩy nào cho An Toàn?

Trong Nghị quyết của HĐND huyện, đến năm 2010, tuyến đường bê tông từ trung tâm huyện lỵ An Lão lên xã An Toàn sẽ hoàn tất. Đây là con đường huyết mạch tạo đà phát triển về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cho An Toàn. Tuyến đường này khi đi vào hoạt động, sẽ mở ra hướng phát triển thông thương trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đây chính là cơ hội để các ngành nghề nông lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Người dân có điều kiện tiếp cận các loại hình dịch vụ về y tế, giáo dục và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, cải thiện đời sống.

Thêm vào đó, công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 2 hiện đã hoàn tất việc khảo sát xây dựng giai đoạn một. Trong tương lai không xa, An Toàn sẽ là địa phương nằm trong vùng hưởng lợi của dự án này. Đây là điều kiện hạ tầng hết sức quan trọng, sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo của địa phương. Điện sẽ thay thế những máy phát điện chạy bằng dầu diezel hiện chỉ phát vào buổi tối. Nguồn điện năng sẽ là động lực thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy mạnh việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Có điện, người dân vùng cao cũng có điều kiện tiếp cận thêm thông tin, phục vụ cho đời sống, sinh hoạt.

Đề án phát triển Khu du lịch sinh thái ở xã An Toàn tuy còn là những phác thảo phôi thai, nhưng cũng mở ra một hy vọng cho sự thay da đổi thịt của vùng đất xưa nay vốn được coi đặc biệt khó khăn. Du lịch phát triển, kéo theo các loại hình dịch vụ, nghề truyền thống đan đát được khôi phục. Khí hậu ôn hòa, cùng với những sắc màu của lễ hội văn hóa truyền thống, hệ động - thực vật phong phú và đa dạng của rừng nguyên sinh… là những nhân tố thu hút nhiều tour du lịch trong và ngoài tỉnh.

Tôi cảm thấy lạc quan, khi nghĩ về xã An Toàn trong một tương lai gần. Còn ông Đinh Văn Xoa, Phó chủ tịch UBND xã, thì tâm đắc: “Cái quan trọng nhất là giao thông phải thuận lợi. Nó là yếu tố cơ bản để rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi. Có tuyến đường, là đồng nghĩa với việc những tiến bộ KHKT, chính sách về giáo dục, y tế… đến với bà con dân bản một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất”.

  • Quốc Việt
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cổ tích đàn trâu  (28/07/2007)
Những ngày hè sôi động  (28/07/2007)
Mùa săn “hùm” dưới biển  (28/07/2007)
Sao em nỡ… chưa lấy chồng ?  (28/07/2007)
Chút lịch sử về Hip hop  (28/07/2007)
Thơ  (28/07/2007)
Mẹ con  (28/07/2007)
“Bánh tráng bẻ giòn giòn”  (28/07/2007)
Người nông dân dám nghĩ, dám làm  (28/07/2007)
Hợp tác để phát triển văn hóa địa phương  (28/07/2007)
Nhớ một cơn mưa  (28/07/2007)
Một thương binh tâm huyết với phong trào TDTT cơ sở  (28/07/2007)
Bóng đá thực dụng lên ngôi  (28/07/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/07/2007)
Báo chí địa phương và những vấn đề cần quan tâm  (07/07/2007)