CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA:
Yên lòng người còn sống, ấm lòng người hy sinh
17:28', 28/7/ 2007 (GMT+7)

Bình Định là một trong những địa phương có đối tượng người có công đông so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với tinh thần “trách nhiệm, nghĩa tình”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Quy Nhơn vào các dịp lễ trọng đại của đất nước, làm “ấm lòng” các liệt sĩ đã vì nước quên thân.

 

* Ổn định cuộc sống cho đối tượng chính sách

Tính đến tháng 6-2007, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã xác nhận, quản lý và thực hiện chế độ cho 108.000 đối tượng, trong đó, có 33.421 liệt sĩ, 2.001 bà mẹ VNAH, 26.167 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh… Hầu hết các gia đình có công cách mạng đều được ghi nhận công lao, được xã hội tôn vinh và hưởng các chính sách ưu đãi. Cùng với việc xác nhận, ngành LĐ-TB&XH đã làm tốt công tác chi trả trợ cấp hàng tháng cho gần 42.000 đối tượng, với số tiền chi trả bình quân hàng tháng gần 16 tỉ đồng; và trợ cấp một lần cho 69.643 người. Đối với những đối tượng đi lại khó khăn vì tuổi cao sức yếu, các địa phương thực hiện chi trả tại nhà. Hàng năm, tỉnh đều mua bảo hiểm y tế cho 31.000 đối tượng có công với mệnh giá bằng 3% mức lương tối thiểu, giúp họ giảm chi phí cho đối tượng chính sách ốm đau, bệnh tật cần điều trị. Riêng các bà mẹ VNAH khi vào nằm viện đều được ưu tiên đơn giản hóa các thủ tục, được bệnh viện, người điều dưỡng và cơ quan nhận điều dưỡng hết lòng phục vụ, chăm sóc. Thực hiện chủ trương điều dưỡng, nâng cao sức khỏe cho một số đối tượng có công, từ năm 1999 đến 6.2007, tỉnh đã điều dưỡng cho 24.346 lượt người, trong đó tập trung điều dưỡng cho 6.889 lượt người là các thương- bệnh binh, bà mẹ VNAH… tại Trung tâm chăm sóc người có công của tỉnh.

Các phong trào chăm sóc đối tượng có công với cách mạng được thực hiện sâu rộng trong các hội; đoàn thể các cấp, và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” chăm lo đời sống cho các gia đình có công cách mạng, gia đình chính sách rất đa dạng, dưới nhiều hình thức. Cho đến nay, các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh đã nhận đỡ đầu 508 con liệt sĩ mồ côi, 1.325 mẹ liệt sĩ già yếu không nơi nương tựa và nhận phụng dưỡng đến cuối đời hơn 500 bà mẹ VNAH… Đến tháng 6.2007, toàn tỉnh đã vận động tặng 536 “Nhà tình nghĩa”, sửa chữa hơn 1.000 nhà, tặng 7.457 “Sổ tiết kiệm tình nghĩa” và 22 vườn cây tình nghĩa cho các đối tượng. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trên 29 tỉ đồng để xóa nhà ở đơn sơ cho gần 6.000 hộ chính sách. Các hội, đoàn thể, cơ quan đơn vị và cá nhân trong tỉnh cũng đã trích ngày lương đóng góp được 13,5 tỉ đồng vào Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”.

Hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay (27.7.1947-27.7.2007), UBND tỉnh đã quyết định chi 600 triệu đồng hỗ trợ cho 80 hộ chính sách (5-7 triệu đồng/hộ) để sửa chữa, cải thiện lại nhà ở. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, từ nguồn Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” của trung ương, tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng), ngành đã xây dựng được trên 200 căn nhà cho các gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở.

* Ấm lòng người đã hy sinh

Ngoài chăm lo đời sống vật chất, tỉnh cũng đã quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần cho các đối tượng có công, gia đình chính sách. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền địa phương đều tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà cho hơn 1.000 gia đình chính sách tiêu biểu; tài trợ kinh phí những chuyến đi “Về nguồn” như viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thăm Đền Hùng, viếng Lăng Hồ Chủ tịch và tham quan Thủ đô Hà Nội cho các đối tượng có công tiêu biểu.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, đã có hàng chục ngàn người con của Bình Định và của mọi miền quê khác trên Tổ quốc đã ngã xuống mảnh đất này với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bởi vậy, ngay từ sau ngày giải phóng, các địa phương đã tích cực huy động kinh phí cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ; đồng thời, tổ chức nhiều đợt quy tập, tìm kiếm mộ liệt sĩ đưa về nghĩa trang. Đã có 28.965 hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng trong các nghĩa trang, phần lớn mộ liệt sĩ đã được tu sửa, nâng cấp. Hàng năm, tỉnh vẫn tổ chức các đợt quy tập mộ liệt sĩ ở các vùng xa, vùng sâu, ở những nơi nguyên là địa bàn, căn cứ kháng chiến ác liệt và đã quy tập được hàng trăm hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh đã có 103 nghĩa trang, 7 đài tưởng niệm liệt sĩ, 5 khu mộ liệt sĩ hy sinh tập thể, 76 nhà bia ghi tên liệt sĩ trong nghĩa trang.

Để công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ được chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn, năm 2006, ngành LĐ-TBXH tỉnh đã thu thập, chỉnh sửa thông tin về 14.890 mộ liệt sĩ, Nhờ vậy, không ít gia đình ở ngoài Bắc đã có những thông tin nhanh, chính xác về thân nhân là liệt sĩ hy sinh trên địa bàn Bình Định. Đã có 351 thân nhân liệt sĩ được thông tin về mộ liệt sĩ. Qua đó, đã có một số trường hợp, gia đình đã tìm được mộ liệt sĩ.

  • Thu Hà
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người thương binh được dân kính mến  (28/07/2007)
Thung lũng giữa đại ngàn  (28/07/2007)
Cổ tích đàn trâu  (28/07/2007)
Những ngày hè sôi động  (28/07/2007)
Mùa săn “hùm” dưới biển  (28/07/2007)
Sao em nỡ… chưa lấy chồng ?  (28/07/2007)
Chút lịch sử về Hip hop  (28/07/2007)
Thơ  (28/07/2007)
Mẹ con  (28/07/2007)
“Bánh tráng bẻ giòn giòn”  (28/07/2007)
Người nông dân dám nghĩ, dám làm  (28/07/2007)
Hợp tác để phát triển văn hóa địa phương  (28/07/2007)
Nhớ một cơn mưa  (28/07/2007)
Một thương binh tâm huyết với phong trào TDTT cơ sở  (28/07/2007)
Bóng đá thực dụng lên ngôi  (28/07/2007)