KỶ NIỆM 60 NĂM, NGÀY THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ (27.7.1947 – 27.7.2007)
15 năm đi tìm mộ liệt sĩ
17:42', 28/7/ 2007 (GMT+7)

Anh Tuấn đang chăm sóc phần mộ liệt sĩ Thái Danh, hy sinh năm 1966 tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) được anh tìm thấy và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Ngô Mây (Phù Cát).

32 năm sau chiến tranh, nhiều cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ tưởng chừng như đã rơi vào vô vọng. Và rồi, niềm hy vọng lại lóe lên khi những thân nhân liệt sĩ hay tin: 15 năm qua, anh Trần Văn Tuấn, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát đã tìm thấy hàng trăm phần mộ liệt sĩ, đem đến niềm vui “hội ngộ” cho biết bao gia đình.

* Hành trình tìm mộ

Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của anh Tuấn bắt đầu từ năm 1989. Lúc đó, anh mới 32 tuổi, làm trợ lý chính sách cho Huyện đội Phù Mỹ. Trong lần đi tìm mộ đầu tiên, anh và các đồng đội đã tìm được 5 mộ đưa về an táng tại Phù Mỹ.

Có thể nói, việc đi tìm mộ liệt sĩ thực sự gắn với anh Tuấn từ năm 1990, khi anh chuyển công tác về Huyện đội Phù Cát. Nơi đây, trong chiến tranh, cuộc chiến giữa ta và địch đã từng xảy ra khá khốc liệt. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Theo chỉ dẫn, anh Tuấn cùng đồng đội đã lên xã Cát Sơn… và  họ đã tìm thấy được 38 hài cốt liệt sĩ. Năm 1992, anh Tuấn lại cùng đồng đội băng rừng qua thôn Hòa Hội (xã Cát Hanh) và tìm được một ngôi mộ tập thể có 13 hài cốt chiến sĩ. “Tất cả số anh em này đã chết do hơi cay của địch thả vào hầm. Lúc đào lên, nhìn thấy những bộ hài cốt liệt sĩ, anh em trong đoàn không ai cầm được nước mắt… Các anh chết trong tư thế mặt áp vào các xoong, thau nước” - anh Tuấn kể.

“Năm 1993, chúng tôi tìm thấy 6 hầm chôn tập thể cũng tại thôn Hòa Hội (xã Cát Hanh), mỗi hầm có 5-6 chiến sĩ đều bị địch giết chết trong tư thế bị trói dính chùm với nhau” - anh Tuấn kể tiếp.

Lần tìm được nhiều mộ nhất là vào năm 1992, tại vùng đồi núi xã Bình Tân (huyện Tây Sơn). Vùng này, trước đây là Bệnh viện K 208 của Tỉnh đội nên số chiến sĩ bị thương và chết được chôn tại đây khá nhiều. Đã có 82 mộ được tìm thấy.

* Không thể thiếu tấm lòng

Gặp anh Tuấn lần đầu, ít ai nghĩ rằng anh mới 51 tuổi. Sự già trước tuổi của anh, có lẽ, là “hệ quả” của những cuộc kiếm tìm triền miên trong rừng sâu, núi thẳm, những ngày leo đèo vượt suối, những đêm dựng trại giữa rừng hoang. “Anh ấy cứ đi suốt. 2 năm trở lại đây, công tác tìm mộ liệt sĩ dừng lại, anh mới có mặt thường xuyên ở nhà với vợ con. Ngoài việc đi tìm mộ theo đoàn của huyện, tỉnh, khi có thân nhân liệt sĩ đến nhờ vả là anh lại vác ba lô lên đường” - vợ anh Tuấn nhớ lại.

Còn anh Tuấn thì luôn trăn trở: “Còn bao người mẹ đang chờ tin con? Bao nhiêu người vợ đang đi tìm chồng? Và cả những đứa con chưa một lần thấy “mặt” cha, cũng ngày đêm mong ngóng? Vậy là, anh quyết tâm đi tìm “đồng đội”, hết nơi này đến nơi khác. Trong 15 năm đi tìm mộ liệt sĩ, anh Tuấn và đồng đội đã quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ 1.230 mộ, nhưng phần lớn đều vô danh.

Công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ rất khó khăn. Ngoài chuyện am hiểu địa hình, người làm công việc này còn phải thực sự đồng cảm với những hy sinh, mất mát lớn lao của đồng đội. Nhiều khi, anh Tuấn phải lặn lội cùng người thân liệt sĩ trong rừng cả tháng trời. Chuyện đói cơm, khát nước là điều không thể tránh khỏi. May mắn nhất, là cơ thể anh hình như miễn dịch với căn bệnh sốt rét rừng… “Tôi vốn không phải là người mê tín, nhưng khi đi tìm mộ liệt sĩ, tôi tin là hương hồn của các anh lúc nào cũng quanh quẩn bên cạnh chúng tôi như thể mách bảo…” - anh Tuấn tâm sự.

Năm 1995, các anh đã đến thôn Tân Thắng, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) để tìm mộ. Khi đến được khu đồi đã được chỉ dẫn có mộ liệt sĩ thì nơi đây, người dân đã trồng kín bạch đàn. Sau cả ngày tìm kiếm không kết quả, anh em đã thu dọn đồ đạc ra về. Nhưng khi xuống đến chân đồi thì anh Tuấn có linh cảm như còn có mộ của ai đó. “Tôi quay đầu nhìn lên và phát hiện ra những cây bạch đàn nằm lưng chừng đỉnh đồi khá xanh tốt so với những vùng khác. Tôi cùng anh em quay lại đào xung quanh những cây bạch đàn này và đã tìm được 7 hài cốt của các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng” - anh Tuấn kể.

Năm 1996, đoàn cũng gặp một tình huống như vậy, khi đến xã Cát Nhơn để tìm mộ của các chiến sĩ Tiểu đoàn 50 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) hy sinh năm 1974. Mặc dù có sơ đồ chỉ dẫn, nhưng khi đến nơi thì vùng này đã được người dân san ủi bằng phẳng để trồng mì. Anh Tuấn kể tiếp: “Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, anh em cũng chuẩn bị thu dọn đồ đi nơi khác, thì một lần nữa, dường như có hương hồn các anh lại chỉ dẫn, và chúng tôi đã tìm được 3 mộ tại khu vực này”.

 

Mỗi khi ra nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ  do mình và đồng đội tìm kiếm đưa về, trong lòng anh Tuấn lại dâng lên nỗi xót xa “còn rất nhiều hài cốt của đồng đội, đồng chí vẫn chưa được tìm kiếm, quy tập về các nghĩa trang”.

 

* Mong sao đưa hết được các liệt sĩ về nghĩa trang

Sau bao năm cùng đoàn cán bộ của huyện, của tỉnh đi tìm mộ liệt sĩ, bây giờ anh Tuấn đã nghỉ hưu. Thời gian này, anh làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát). Mỗi lần nghe đồng đội, các anh, các bác từng tham gia kháng chiến tìm đến thông tin mộ liệt sĩ vẫn còn nằm lại khá nhiều ở vùng núi thuộc các huyện Hoài Ân, An Lão… nhưng vẫn chưa được tìm kiếm, anh lại xót xa. Mỗi dịp lễ, Tết, ra viếng Nghĩa trang, mắt anh cay xè vì còn rất nhiều đồng đội, đồng chí vẫn còn nằm đâu đó chưa được quy tập về để được hưởng sự thờ phụng.

Hiện nay, những người có tâm huyết trong công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ như các bác Đinh Bá Lộc, Ngô Hồng Khanh, Nguyễn Lưu, Dương Có… đã lớn tuổi, sức khỏe ngày càng yếu chỉ còn trông chờ vào anh - một người có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Nhiều người khuyên anh nên bỏ công việc thôi, kẻo có ngày “dính” mìn, thiệt mạng hay bị nhiễm bệnh, vì tiếp xúc với chất độc hóa học còn sót lại… Nhưng anh lại nghĩ: “Nếu tỉnh tiếp tục tổ chức công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ, tôi sẽ thu xếp công việc đi ngay. Chỉ mong sao đưa hết “các anh” về Nghĩa trang. Đó là điều trăn trở lớn nhất của tôi…”.

  • Nguyễn Phúc
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Yên lòng người còn sống, ấm lòng người hy sinh  (28/07/2007)
Người thương binh được dân kính mến  (28/07/2007)
Thung lũng giữa đại ngàn  (28/07/2007)
Cổ tích đàn trâu  (28/07/2007)
Những ngày hè sôi động  (28/07/2007)
Mùa săn “hùm” dưới biển  (28/07/2007)
Sao em nỡ… chưa lấy chồng ?  (28/07/2007)
Chút lịch sử về Hip hop  (28/07/2007)
Thơ  (28/07/2007)
Mẹ con  (28/07/2007)
“Bánh tráng bẻ giòn giòn”  (28/07/2007)
Người nông dân dám nghĩ, dám làm  (28/07/2007)
Hợp tác để phát triển văn hóa địa phương  (28/07/2007)
Nhớ một cơn mưa  (28/07/2007)
Một thương binh tâm huyết với phong trào TDTT cơ sở  (28/07/2007)