Năm 2007 được xem là năm thành công của võ thuật Hoài Nhơn, khi vào đầu tháng 7 vừa qua, hai vận động viên Cẩm Nhung và Kim Hoàn giành về cho tỉnh hai Huy chương Vàng Quốc gia. Mới đây nhất, tại Giải Vô địch Võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2007, đội tuyển võ cổ truyền huyện Hoài Nhơn đã giành giải Nhì toàn đoàn với 6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 13 Huy chương Đồng.
|
Các võ sinh võ đường Kim Hoàn đang tập luyện.
|
* Bề nổi của phong trào
Những ngày hè này, đến các lò võ ở Hoài Nhơn, ta có thể bắt gặp không khí khá nhộn nhịp. Số võ sinh theo học ở các câu lạc bộ thể dục - thể thao, các lò võ của huyện trong mùa hè này đã đạt đến 1.436 em, với 17 lớp. Trong đó, nhiều nhất là ở các xã Hoài Tân, Hoài Hương, Hoài Thanh Tây... Tại một lớp học võ, tổ chức ở xã Hoài Hương, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những em học sinh đang say mê quan sát từng động tác của thầy, rồi ra sân tập luyện bằng những động tác mạnh mẽ, dứt khoát. Những buổi học võ như vậy, khá đa dạng về thời gian, có thể vào buổi sáng, xế chiều hay buổi tối và thường kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ.
Bà Đặng Thị Đa - mẹ của bé Thu Ngân, năm nay 7 tuổi, ở xã Hoài Hương- cho biết: “Thấy con bé thích học võ, nên tôi đồng ý cho nó theo học để nó có điều kiện phát triển thể lực, và quan trọng hơn là rèn luyện tính cách cho dạn dĩ hơn”. Còn em Nguyễn Hữu Lộc, 14 tuổi, người xã Hoài Hương, cho biết: “Em học võ trong suốt những tháng hè và chưa bỏ buổi học nào. Em sẽ cố gắng học tốt để có cơ hội đi thi và giật giải như các anh, các chị”.
Anh Đặng Thanh Trưng, cán bộ phụ trách TDTT thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Mục đích chính của hoạt động này là tạo điều kiện để các em tham gia hoạt động hè, đồng thời, qua đó, rèn luyện sức khỏe, ý chí và tinh thần. Đây cũng là cơ hội để những người làm thể thao chúng tôi tìm kiếm, lựa chọn những em có năng khiếu, rèn luyện thêm để tham gia các giải võ thuật của huyện, của tỉnh”. Anh Trưng cũng cho biết thêm, sở dĩ các lớp học võ thu hút đông các em học sinh tham gia như vậy là nhờ Câu lạc bộ thể dục - thể thao các xã, thị trấn, Chi hội võ đã tích cực phối hợp với các Trung tâm Giáo dục cộng đồng, vận động các em học sinh nghỉ hè đến tham gia học võ.
Đầu tư như vậy, nên không ngạc nhiên khi tại Giải Vô địch Võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2007, tổ chức từ ngày 31.7 đến ngày 4.8 vừa qua, Hoài Nhơn có 65 vận động viên đăng ký tham gia và kết thúc giải, huyện đã giành giải Nhì toàn đoàn với 6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 13 Huy chương Đồng… Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là ở giải này, số lượng võ sinh nữ của Hoài Nhơn tham gia rất đông. Em Lê Thị Ly Ly, vừa mới học võ hơn một tháng, đã mang về cho đoàn chiếc Huy chương Bạc. Đây là một bất ngờ lớn, không chỉ cho bản thân Ly Ly, mà ngay cả với thầy Kim Hoàn, người trực tiếp dạy cho Ly Ly. Ly Ly nói: “Thực sự, khi đi thi em cũng không nghĩ mình có thể giành được huy chương mà chỉ mong muốn có dịp cọ xát với các đối thủ của đội bạn và học hỏi thêm kinh nghiệm”.
* Còn nhiều cái khó
Anh Đặng Thanh Trưng cho biết: “Số lượng võ sinh ở Hoài Nhơn hiện theo học võ rất đông, nhưng do chưa được đầu tư đúng mức, sân tập có quy mô cho các võ sinh còn thiếu nhiều, nên chất lượng vẫn còn hạn chế”.
Quả thật, đến võ đường Thanh Lương (xã Hoài Tân), thật ngạc nhiên khi trước mắt chúng tôi, sân tập của những vận động viên từng thi đấu và giành giải tỉnh, quốc gia chỉ là một khu đất trống sau nhà. Dụng cụ tập luyện chỉ là vài đôi găng tay, hai bao bố đựng đầy cát. Võ đường Thanh Lương là một trong những võ đường ở Hoài Nhơn sẵn sàng nhận học trò đến học và ở tại nhà mình, dù điều kiện kinh tế của gia đình võ sư Thanh Lương không mấy khá giả. Trò chuyện với tôi, võ sư Thanh Lương cười: “Nếu như niềm đam mê võ không ăn sâu vào máu thịt của tôi chắc tôi đã từ bỏ võ từ lâu rồi”.
Cũng như võ đường Thanh Lương, võ đường Kim Hoàn ở Hoài Thanh Tây cũng chỉ có một phòng tập khá nhỏ, do chính võ sư Kim Hoàn bỏ tiền đầu tư. “Học trò chăm ngoan, vượt khó, đem lại nhiều thành tích cho huyện, tỉnh - đó là những điều làm tôi mãn nguyện. Còn nếu cứ trông chờ hoài thì sẽ không làm được gì. Tôi vẫn cứ tự nhủ với mình như vậy”.
Phong trào võ thuật ở Hoài Nhơn đã rộng, nhưng nếu được quan tâm đầu tư thỏa đáng, hẳn sẽ phát triển mạnh hơn, như võ sư Thanh Lương tâm sự: “Mong sao các ngành, các cấp quan tâm, đầu tư cho các võ đường những trang thiết bị cần thiết, để võ sinh có đủ dụng cụ tập luyện”. Đấy cũng là mong muốn chung của những võ sư đang ngày đêm trao truyền những tinh hoa võ thuật của ông cha cho thế hệ sau.
|