Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)
14:13', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Bìa tác phẩm “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân.

Tôi có duyên quen với gia đình Trương Văn Dân khi tôi đang dạy tại một trường Trung học tư thục ở huyện lỵ Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), những năm 64 đến 70 của thế kỷ trước. Hồi ấy, Dân đâu chừng 14, 15 tuổi, đang là học sinh lớp Đệ ngũ, Đệ tứ (lớp 8, lớp 9 hiện nay). Sau đó, Dân học Tú tài ở Quy Nhơn, rồi du học sang Ý. Cả thời gian dài, thật dài, tôi không một lần gặp lại Dân. Cách đây chừng 3, 4 năm, Dân về thăm quê và có đến thăm tôi. Cùng đi với Dân, có Elena, cô vợ người Ý trẻ trung xinh đẹp của Dân. Trong gian nhà sâu trong một con hẻm ở TP. Quy Nhơn, với những tiện nghi sinh hoạt tuềnh toàng, tôi tiếp vợ chồng Dân với tâm lý e ngại, sợ khách không thoải mái. Nhưng không, khách đã tỏ ra thân thiện, tự nhiên, thoải mái ngay từ đầu. Dân vẫn nói tiếng Việt bằng chất giọng rặt Bình Định.

Trong câu chuyện, Dân ôn lại những kỷ niệm vui, buồn từ hồi chúng tôi ở Tây Sơn và trao đổi về chuyện văn chương, chữ nghĩa. Dân vừa nói chuyện, vừa “phiên dịch” cho vợ. Mỗi lần nghe xong, Elena thường tỏ ra rất vui, rất ngạc nhiên về những kỷ niệm thời niên thiếu của chồng, và tham gia vào câu chuyện bằng tiếng Ý. Tôi có hỏi Dân, rằng sao xa Việt Nam lâu mà Dân vẫn nói tiếng Việt lưu loát? Dân trả lời: “Đó là nhờ đọc sách báo tiếng Việt thường xuyên”.

Từ hồi được gặp lại Dân, tôi đã ba lần làm đại diện cho Dân đến Hội Khuyến học Bình Định để trao học bổng của “Quỹ Tương trợ người Việt tại Ý” cho học sinh nghèo trong tỉnh có thành tích vượt khó học giỏi, nhân lễ khai giảng năm học mới. Tổng số tiền học bổng đã trao đến nay là 3.000 EURO (khoảng 66 triệu đồng) cho 165 em học sinh. Chương trình tặng học bổng năm học 2007 - 2008 sẽ được tiếp tục, nhưng điều đặc biệt là số tiền tặng học bổng lần này có phần đóng góp từ tiền phát hành 150 cuốn “Hành trang ngày trở lại” của Dân ở nước ngoài.

“Hành trang ngày trở lại” có thể xem là tác phẩm văn học đầu tay của Trương Văn Dân, do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành tháng 2 năm 2007. Sách gồm 10 truyện ngắn và ghi chép.

“Hành trang ngày trở lại”, trước hết, là nỗi thương hoài cho mình, như lời một nhân vật trong sách thốt lên: “Hơn ba mươi năm sống và lăn lóc trong xã hội đó, anh quá biết đến cái giá phải trả để tích lũy vật chất là những căng thẳng thần kinh và một tâm trạng bất an luôn hiện diện” (Câu chuyện của người chưa quen). Xã hội Phương Tây đã khiến tác giả nhận chân ra một điều, rằng của cải vật chất, tiện nghi hiện đại không đem lại hạnh phúc. Chạy theo những thứ đó chỉ là ảo vọng. Một người thật tốt như David, làm việc hết mình, yêu thương và phụng sự vợ con hết mình, nhưng cuối cùng, bị vợ phản bội, cầm đơn ly dị đến tận giường bệnh của anh trong bệnh viện, để đòi anh ký vào đơn. Thậm chí, những thứ vô tri vô giác như căn phòng sang trọng, đồ vật bày biện quý giá, sân chơi của các con David cũng rắp tâm “phản bội” anh, bởi bây giờ đây, những thứ đó không trả lời được câu hỏi của anh: “Nó có thể thay vợ, thay con, thay hạnh phúc gia đình?”. David sau cùng, chỉ còn muốn nổi loạn, tuyệt vọng, căm thù, đập phá. David nói: “Trong đời tao, chưa bao giờ tao có thì giờ. Tao chỉ nhìn chứ chưa bao giờ thấy” (Một áng mây bay).

“Hành trang ngày trở lại” cũng cho ta thấy, Phương Tây ngày nay cũng đang đối diện với những vấn nạn xã hội gay gắt: hố ngăn cách giàu - nghèo ngày càng thêm sâu sắc, sự suy đồi xuống cấp đạo đức, thân phận người phụ nữ…- “Ngọc cho rằng mọi vấn nạn của gia đình đều do lòng phản trắc của đàn ông, bắt đầu từ cha mình. Họ là đầu mối của mọi tai ương và bất hạnh và nàng quyết sẽ không bao giờ tin, yêu họ để đừng gặp tình huống bị bỏ rơi rồi đau khổ như mẹ mình” (Những sợi tóc) - để rồi anh tỏ ra chán ngán cái xã hội ấy. Trong xã hội Phương Tây, con người sống trong nỗi cô đơn tột cùng: “Cô đơn giữa đám đông, đồng loại của mình… Và lần đầu tiên trong đời anh, ngay giữa dòng người vô tận, Thăng bỗng thấy mình vô cùng cô độc” (Câu chuyện của người chưa quen).

Đọc “Hành trang ngày trở lại”, ta thấy ấm lòng, vì quanh mình, vẫn còn bao người tốt, trong những người rất đỗi bình thường mà ta gặp hàng ngày. Như Bảo, một cậu bé không có cha, phải nghỉ học. Ngày ngày, Bảo đi bán dạo bắp nấu ở bãi biển để có tiền nuôi mẹ đang điều trị vết thương nặng ở bệnh viện. Ấy vậy mà, Bảo vẫn từ chối những đồng tiền Bảo không đổi bằng mồ hôi và công sức của mình.

“Không ai có thể chết khi vẫn còn hiện diện trong tim người sống” - Trương Văn Dân viết vậy. Và sự sống phải luôn được bảo vệ, thế lực hủy diệt sự sống phải bị lên án: “Sao chúng ta không gom hết vũ khí trên trái đất đúc thành những chiếc chuông nhỏ và phân phát cho tất cả mọi người, mời tham gia vào một cuộc đại diễu hành vòng quanh thế giới để đòi hỏi hòa bình đồng loạt, đồng loạt những tiếng chuông cùng lúc gióng lên, ngân vang trong không gian, truyền đến mọi quốc gia trên quả địa cầu để tỉnh thức tâm thiện của loài người (Buổi chiều trên nghĩa trang). 

Đọc “Hành trang ngày trở lại”, ta có thể bị căng thẳng đầu óc vì những cuộc tranh cãi đầy lý trí về xã hội hiện đại. Những câu hỏi khó trả lời, rằng ta đang hưởng những gì từ lượng của cải vật chất do ta tạo ra, hay nó luôn làm ta khổ đau, hối tiếc. Nhưng rồi, những đoạn tả cảnh, tả tình mơn man cũng làm dịu hồn ta, đưa ta về với thiên nhiên mà ta đã trót bỏ quên: “Nhìn kìa Trung, những đám mây kia đẹp quá. Nhẹ nhàng và mềm mại như bông. Mầy có thấy từ mặt trời đỏ rực những tia nắng nhiều màu xuyên qua mây rồi chiếu xuống theo hình nan quạt kia không? Hoàng hôn!” (Một áng mây bay).

Tôi cảm thấy nói không cùng bao điều đáng ngẫm suy và lý thú khi đọc “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân.   

  • Huỳnh Kim Bửu

(*) Nhân đọc “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân, NXB Trẻ, 2007.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần lắm sự đầu tư  (02/09/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/09/2007)
Một doanh nghiệp làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (28/07/2007)
15 năm đi tìm mộ liệt sĩ  (28/07/2007)
Yên lòng người còn sống, ấm lòng người hy sinh  (28/07/2007)
Người thương binh được dân kính mến  (28/07/2007)
Thung lũng giữa đại ngàn  (28/07/2007)
Cổ tích đàn trâu  (28/07/2007)
Những ngày hè sôi động  (28/07/2007)
Mùa săn “hùm” dưới biển  (28/07/2007)
Sao em nỡ… chưa lấy chồng ?  (28/07/2007)
Chút lịch sử về Hip hop  (28/07/2007)
Thơ  (28/07/2007)
Mẹ con  (28/07/2007)
“Bánh tráng bẻ giòn giòn”  (28/07/2007)