“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang
14:40', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Nhà văn Trần Thị Huyền Trang. Ảnh: T.X

Tôi không có tham vọng nhìn nhận chị dưới góc độ công việc hay một văn sĩ, bởi trước mặt chị, tôi chỉ là một con người bé nhỏ chưa làm được gì cho đời. Ở bài viết này, tôi chỉ mong được chia sẻ với mọi người cảm nhận về một phần con người đời thường - ngoài thơ của chị.

Tôi có may mắn được học cùng lớp với nhà thơ Trần Thị Huyền Trang ở khóa đào tạo sau Đại học của Viện Nghiên cứu Văn hóa (Hà Nội). Lần đầu gặp chị, tôi không nghĩ trước mắt mình là một nhà thơ, bởi từ trước tới giờ tôi vẫn nghĩ các nhà thơ phải mang chất “nghệ sĩ” phong lưu khác người bình thường mà ta có thể thấy ngay từ những biểu hiện bên ngoài.

Nhưng suy nghĩ của tôi thật sai lầm và lạc hậu khi đứng trước con người ấy, và tôi vỡ lẽ ra rằng dù là nhà thơ hay bất cứ “nhà” gì đi chăng nữa cũng là con người bình thường khi đứng giữa đời thường. Tác giả của các tập thơ: Những đêm da trời xanh, Muối ngày qua, Trong tĩnh lặng; các tập truyện ngắn Một lứa bên trời và các tập nghiên cứu: Nhạn thần cô, Huyền tích Kinh xưa - Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế đang đứng ngay trước mặt mà tôi không thể nào tin nổi. Trông chị thật giản dị cả trong phong thái lẫn trang phục, có lẽ vì thế mà ngay từ đầu tôi đã cảm thấy rất dễ gần và thật sự tin tưởng khi tâm sự với chị bao điều trong cuộc sống.

Hơn một năm được song hành cùng một nhà thơ ở trên lớp học nhưng vẫn chưa đủ để tôi có thể hiểu được con người đời thường và con người thơ trong chị. Khoảng thời gian ấy chỉ giúp tôi hiểu một cách sâu sắc vẻ đẹp của một người chị - người bạn ở lớp và một người mẹ dịu hiền của ba con nhỏ.

Chị không bao giờ đến trễ các buổi học bởi “Không nên để người khác phải dừng công việc lại vì mình dù chỉ trong giây phút. Đang giảng bài mà phải dừng lại trả lời (hoặc gật đầu) với một người đến trễ xin vào thì phiền lắm”. Giờ học bao giờ cũng được chị tận dụng một cách tối đa để học tập và thảo luận, trao đổi với thái độ nghiêm túc. Đến giờ giải lao, chị hòa vào không khí chung của mọi người, chị kể cho chúng tôi nghe bao nhiêu chuyện vui, hóm hỉnh. Không khí của buổi học và thời gian trên lớp trôi đi nhẹ nhàng thoải mái. Nhiều khi tôi tự hỏi, sao bên trong con người nghiêm túc ấy lại có phần hóm hỉnh, trẻ trung đến vậy? Phải chăng đó là do chất nghệ sĩ của chị?

Nhà thơ ấy trong cảm nhận của tôi còn là một người nhiệt tình, năng nổ, tận tụy và rất cẩn thận. Chuyến đi thực tế ở Hà Tây để viết bài của lớp còn đọng lại trong tôi bao ấn tượng không thể nào quên. Để phục vụ cho bài tiểu luận môn Nghệ thuật tạo hình dân gian, chúng tôi được Viện sắp xếp cho đi thực tế vào ngày cuối tuần để có tư liệu viết bài. Địa điểm chúng tôi đến là đình Tây Đằng, chùa Mía, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Mục đích chuyến đi là để tìm hiểu, rồi mỗi người tự chọn vấn đề mình tâm đắc nhất mà viết bài. Đã gọi là thực tế thì phải có đầy đủ tư liệu và hình ảnh mới, các nhóm phân công mỗi người một việc, người thì chụp ảnh, người ghi âm…

Vừa bước xuống xe, mọi người đi ngay theo thầy giáo và người hướng dẫn. Vậy mà chị vẫn mải miết ghi lại tất cả vào cuốn sổ tay mang theo bên mình, rồi cẩn thận quan sát tỉ mỉ từng nét khắc, nét chạm trên hiện vật, thấy điểm gì lạ chị lại tới hỏi thầy để được giảng giải…

Thấy chị làm việc say sưa quá, lúc giải lao tôi hỏi: “Mọi người đã ghi âm, chụp ảnh rồi, sao chị còn viết nhiều thế?”. “Chị phải ghi những ý cơ bản vì tất cả toàn là vấn đề mới, với lại nhỡ khi về máy ghi âm trục trặc thì còn có hệ thống ý mà theo dõi” - chị tươi cười trả lời.

Có lẽ vì sự làm việc cần mẫn đó mà khi rời đình Tây Đằng, toàn bộ quá trình hình thành, phát triển cũng như những biến động của lịch sử đã làm cho ngôi đình biến đổi khác trước như hiển hiện trong đầu chị, tôi thắc mắc điều gì là chị giải thích cặn kẽ ngay. Nghe chị kể về ngôi đình mà cả lớp vừa đi qua, tự nhiên tôi thấy buồn. Dường như tôi chỉ nhìn thấy đình Tây Đằng với những gì cơ bản nhất mà một chuyến đi thực tế ngắn ngủi thầy có thể giới thiệu cho chúng tôi. Còn chị, ngoài những cái cơ bản ấy chị còn nhìn thấy bao điều khác nữa, sự quan sát tỉ mỉ và nhập tâm cao ấy liệu có phải là thiên chức của một nghệ sĩ, một nhà văn đã phú cho chị? Tự nhiên tôi cảm thấy tiếc khi đã rời xa di tích lịch sử này. Chuyến đi ấy đã giúp tôi vỡ lẽ ra bao nhiêu điều, nhất là về cách nhìn nhận và quan sát cuộc sống.

Nhà thơ ấy trong tôi còn là một người mẹ hiền của ba con nhỏ. Ra Hà Nội để học, có bao nhiêu điều bận rộn phải lo, vậy mà chị luôn thắc thỏm việc ở nhà, thương chồng, thương con những ngày thiếu bàn tay xoay xở của người phụ nữ. Một buổi chiều, tan học cuối đông, chị gọi tôi hỏi:

- Em có rỗi không? Nếu rỗi thì đi sang Đinh Lễ hoặc đường Láng với chị một lát.

- Chị muốn mua sách ạ?

- Ừ, chị đi tìm vài cuốn sách Văn và Sử gửi về cho con ôn thi. Mua để nó đọc tham khảo, vì chị sốt ruột lắm em ạ!

Tiết trời về chiều se se lạnh, hai chị em rong ruổi trên chiếc xe dọc theo Kim Mã để xuôi về đường Láng. Tôi đưa chị vào trong một hiệu sách lớn, chị tìm sách rồi tỉ mỉ xem. Sách tham khảo cho học sinh nhiều vô kể, đủ các đầu sách của các tác giả, các NXB khắp Bắc - Trung - Nam. Nhiều cuốn mang nhan đề y hệt nhau, chỉ khác tên tác giả và NXB. Tìm được một cuốn phù hợp thật là khó. Tôi nhìn thấy những suy nghĩ đó trong đôi mắt băn khoăn của chị khi cầm trên tay các cuốn sách. Thời của chị học ngày trước làm gì có nhiều sách thế này. Tình cờ có các em học sinh cũng vào tìm sách, thế là chị có những “người trong cuộc thức thời” để hỏi rồi, các em giới thiệu cho chị những cuốn đọc dễ hiểu, trình bày đầy đủ và phù hợp với học sinh. Có cuốn chị tìm được ở hiệu sách này, có cuốn thì cửa hàng này đã hết, chị phải sang hàng khác để tìm. Đi dọc đường Láng, cuối cùng, chị cũng tìm được những cuốn cần thiết. Khi ấy, tôi mới thấy trong mắt chị ánh lên niềm vui và có phần an tâm. Trong từng cử chỉ của chị đều bộc lộ sự tần tảo và tình thương yêu của người mẹ hiền luôn khắc khoải lo lắng cho con. Nhìn chị, tôi chợt cảm thấy lòng ấm áp lạ kỳ. Tôi tự hỏi, liệu ở quê các con chị có biết ngoài này chị đang lần mò trong từng cửa hàng sách và cẩn thận tìm mua cho con giữa lòng Hà Nội khi màn đêm đang buông xuống xóa tan ánh chiều tà? Và trong tôi lại bất chợt vang lên những vần thơ thâm trầm trong bài thơ “Ánh sáng” mà chị viết tặng con:

Suốt hai ngày mẹ hóa thành con chó đá

đợi con ra khỏi phòng thi

không dám nói lời chúc mừng vội vã

không nỡ rầy khi con bỏ cơ may

           

Dẫu có lúc mẹ mong con biết thích nghi

giữa cuộc người quá nhiều mánh lới

sự trung thực của con vẫn là thứ ánh sáng mẹ tôn thờ

thứ ánh sáng để hoa nói bằng hương

để hương bay bằng gió

 

Con trai của mẹ ơi,

đường chữ nghĩa còn dài

bàn chân con đặt vào ngày mai bước đầu tiên 

vấp váp mà sáng trong kỳ lạ      

 

Đi đi con          

không cần biết phía sau có một con chó đá

đứng lên nghểnh cổ vui mừng.

Giữa lòng Hà Nội, chị vẫn lặng lẽ hướng về con, tần tảo mong có thể giúp con thắp lên “ánh sáng” của tri thức, của nhân cách tâm hồn để có thể bay cao, bay xa hướng tới những phương trời xa lạ.

  • Trịnh Lệ
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)
Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)  (02/09/2007)
Cần lắm sự đầu tư  (02/09/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/09/2007)
Một doanh nghiệp làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (28/07/2007)
15 năm đi tìm mộ liệt sĩ  (28/07/2007)
Yên lòng người còn sống, ấm lòng người hy sinh  (28/07/2007)
Người thương binh được dân kính mến  (28/07/2007)
Thung lũng giữa đại ngàn  (28/07/2007)
Cổ tích đàn trâu  (28/07/2007)
Những ngày hè sôi động  (28/07/2007)
Mùa săn “hùm” dưới biển  (28/07/2007)
Sao em nỡ… chưa lấy chồng ?  (28/07/2007)
Chút lịch sử về Hip hop  (28/07/2007)