Khúc mưa
14:44', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Tháng tám, bắt đầu với những cơn mưa ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới. Cái nắng ngột ngạt và những trận gió Lào, bỗng nhường chỗ cho sự mát lành, trong trẻo của mưa. Những cơn mưa lúc vắn lúc dài, cứ ngân nga như khúc nhạc thiên nhiên vô tận. Ngồi nhìn mưa trong căn phòng vắng, nhấm nháp tách trà nóng và nghe nhạc Trịnh Công Sơn cũng là một cách để thưởng thức cuộc sống trọn vẹn hơn. Những âm điệu của mưa và nhạc Trịnh về mưa như không còn khoảng cách dù rất nhỏ… “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”; “Trời còn làm mưa, mưa bay mưa bay, ướt tóc em về…”.

Ai đó đã nói một cách hóm hỉnh rằng: mưa là sự bắt đầu cho những nhân duyên tốt đẹp. Khúc nhạc mưa là một trong những bản giao hưởng tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người, cho những duyên cớ đáng yêu. Bản thân mưa cũng là một cái “duyên” của trời đất.

Ruộng đồng tháng tám đang nứt nẻ vì khô hạn nay được mưa vỗ về ôm ấp. Mưa xuống để nỗi trông chờ của bác nông dân không còn xa xôi, cách trở: “Lạy trời mưa xuống/ Có nước tôi uống/ Có ruộng tôi cày/ Có bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt.”(Ca dao). Cái duyên khởi tốt đẹp kia khiến đất ươm mầm, đâm chồi kết trái và gặt hái những mùa vàng.

Những dòng sông, con suối đang kiệt nước, gặp mưa, chảy trôi bao buồn phiền ra biển. Và người với người dưới mưa như xích lại gần nhau hơn, tri âm tri kỷ những nỗi niềm cuộc sống. Mưa cũng là cái cớ để anh và em gần nhau trong thoáng chốc: “Nếu chiều nay không có mưa, ai sẽ đưa em về?”. Cũng bởi mưa mà giận hờn thương nhớ. Hằng năm, cứ đến rằm tháng bảy âm lịch trời lại đổ mưa Ngâu. Tương truyền, đó là ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau sau một năm xa cách: “Trời đổ mưa Ngâu - bắc cầu Ô Thước”. Những cơn mưa giăng mắc khắp nẻo nhân gian như chứng nhân cho mối tình bất diệt…

Mưa cũng là thời khắc giao hòa giữa quên và nhớ trong mỗi người. Đúng hơn, mưa làm cho người ta quên và cũng làm cho người ta nhớ, như một thứ rượu làm say và tỉnh. Trong cơn mưa, ta bỗng thoáng quên đi cái nắng gắt chói chang, cái khát cháy cổ nơi dải đất miền Trung. Quên đi cái ồn ào náo nhiệt của chốn thị thành. Quên những bực dọc ngày thường, gác lại đó những âu lo, thu mình vào một cõi riêng, để lắng lòng nghe mưa và để nhớ…

Có cô cậu bé nọ mỗi lúc trời mưa lại lén mẹ lấy giấy vở gấp những chiếc thuyền, thả trôi theo dòng nước miên man. Cánh buồm nhỏ xinh chở theo biết bao mong ước tuổi thơ, biết đâu sẽ ra tận biển xa?... Nhớ những hôm mưa lớn, chèo xuồng giữa ruộng đến trường, nghe “sóng” lăn tăn. Còn mưa trên phố đôi khi là những bất ngờ nho nhỏ: “Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường” (Quê hương). Có kẻ xa quê lâu ngày nhìn mưa mà nhớ những khuôn bánh xèo nóng hổi của bà, của mẹ đến nao lòng…

Có lẽ, khó mà kể hết những nỗi niềm nhớ nhung về mưa trong mỗi người. Chỉ biết rằng, nó cũng giống như những sợi mưa ngắn dài, lúc lâm râm, khi tuôn trào mãnh liệt. Đó cũng là sự kết nối giữa thực và mơ, giữa quên và nhớ…

  • Yên Phong
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)
Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)  (02/09/2007)
Cần lắm sự đầu tư  (02/09/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/09/2007)
Một doanh nghiệp làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (28/07/2007)
15 năm đi tìm mộ liệt sĩ  (28/07/2007)
Yên lòng người còn sống, ấm lòng người hy sinh  (28/07/2007)
Người thương binh được dân kính mến  (28/07/2007)
Thung lũng giữa đại ngàn  (28/07/2007)
Cổ tích đàn trâu  (28/07/2007)
Những ngày hè sôi động  (28/07/2007)
Mùa săn “hùm” dưới biển  (28/07/2007)
Sao em nỡ… chưa lấy chồng ?  (28/07/2007)