Nỗi nhớ
14:47', 2/9/ 2007 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Nguyễn Thị Lệ Thu

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Cứ như đã thành một thói quen, mỗi khi thấy trong lòng bồn chồn, bất ổn, buồn… là đôi chân ngoan ngoãn lại đưa nó tìm về với biển.

Mới hồi trưa, thằng Hải ở quê vào, mang theo tiền mẹ gửi. “Một triệu nè!”- thằng Hải nói oang oang với cả phòng. Nó nghi ngờ, tròn mắt. Thằng Hải lôi ra một xấp tiền giấy nhàu nhò từ trong túi áo. Nó khựng lại, hiểu ra. Đôi mi dài rợp xuống như có một đám mây đen vừa bay qua bầu trời. Thằng Hải chỉ đùa, vô tư thôi, nhưng sao nó thấy buồn, tủi thân nữa… Cầm một trăm nghìn đồng mẹ gửi, chỉ toàn những tờ năm nghìn, hai nghìn, có cả những đồng tiền một nghìn nữa, nó muốn rơi nước mắt. Và tất nhiên nó sẽ khóc. Khóc cho vơi những nỗi niềm nhớ thương xúc động. Nhưng nó chỉ khóc một mình, với biển cả thôi.

Nó đi dọc bờ biển, đến một nơi thật xa bãi tắm. Biển chiều tĩnh lặng và yên ả. Nó ngồi xoài, duỗi chân vào cát. Cát mịn ủ đôi bàn chân, cho nó một cảm giác thật dễ chịu. Nó nhìn về khơi xa. Từ mênh mông bất tận, sóng ùa vào ôm bờ cát vuốt ve. Nó muốn trải lòng mình cho những con sóng mang về chân trời xa lắc.

Nó lấy một trăm nghìn mẹ gửi, vuốt lại thật phẳng phiu những tờ bạc còn vương mùi mồ hôi mẹ. Nó khóc. Không phải vì mẹ cho ít tiền, hay xấu hổ vì nhà mình nghèo trước bạn bè trong lớp, mà nó khóc vì thương ba mẹ quá. Nó biết, đây là số tiền mẹ đã dành dụm hơn một tuần bán mía. Đám mía sau nhà là nguồn dự trữ cho nó ăn học. Chỉ thế thôi. Nó ân hận vì sao mình cứ phải vào học trường chuyên, trong khi ở trường huyện của nó cũng có khá nhiều học sinh đạt thủ khoa trong các kỳ thi. Phút bốc đồng háo hức tuổi thơ đã khiến nó muốn chứng tỏ mình. Ba má lấy đó làm niềm vui, vì thấy con trai học hành tâm huyết. Nó thi đỗ. Và thế là khăn gói lên thành phố.

Khi không thể tập trung vào bài vở được, là lúc nó thấy nhớ quê nhà da diết. Hễ cứ nhắm mắt lại, là nó thấy hình ảnh của ba. Ba tranh thủ việc ruộng nương, đốn mía giữa trưa hè. Lá mía xước dọc ngang trên đôi tay trần, đen nhẵn. Bó mía to tròn, oằn nặng trên vai ba. Rồi hình ảnh của mẹ hiện ra với nụ cười thật hiền, đon đả mời chào giữa phiên chợ quê. Tay mẹ thoăn thoắt chia mía ra thành nhiều lóng, khấp khởi mừng khi có thêm một tờ bạc lẻ nữa, góp cho con.

Bao đêm dài giữa phố phường, nó không tìm đâu ra một giấc ngủ sâu. Nó trăn trở trong những thanh âm dằn vặt. Đó là tiếng còi xe, tiếng rao đêm… Nó nhớ tiếng trở mình của ba, rồi dáng ba cong người, ho húng hắng. Tiếng ho như bị tắt nghẹn trong cổ họng. Nhớ ánh lửa bập bùng của mẹ khi chân trời mới hừng đông. Nhớ bữa ăn gia đình thường chỉ đơn sơ với món đỗ xào và rau dền đỏ. Hai đứa em ăn gì cũng “chan xì dầu, bỏ cá”. Giờ nhớ lại, thấy thương thương làm sao.

Ở trọ, chỉ toàn ăn cơm hộp. Số tiền một mình nó ăn đủ để cả nhà dùng qua bữa trong ngày, nhưng nó chưa bao giờ tìm được cảm giác ngon. Nó không thích những món ăn nhiều dầu mỡ và đậm mùi gia vị. Nó thèm một nắm lá giang nấu canh ốc đá, rau dớn bóp chua, măng tre trộn đậu phộng rang… và một không khí gia đình ấm áp. Gia đình. Sao nó cứ cháy lòng về những gì tưởng bình thường, đơn giản nhất mà lúc ở quê nhà nó không kịp nhận ra.

Nó miên man với bao nỗi nhớ. Khi có ý định quay về, biển chiều đã ngả màu tím. Khơi xa, lác đác đèn điện trên các chiếc tàu đánh cá bật sáng lên. Hành trình của những ngư dân bắt đầu. Còn nó thì sao? Nỗi nhớ không giải quyết được gì, khi hành trình về với tương lai của nó còn xa tít trùng khơi. Nó đứng lên, hít một hơi sau luồng gió mát mang hương vị mặn mòi của biển cho no căng lồng ngực. Nó thấy thật nhẹ nhõm và tự tin khi nghĩ về những bài tập đêm nay...

  • N.T.L.T
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khúc mưa  (02/09/2007)
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)
Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)  (02/09/2007)
Cần lắm sự đầu tư  (02/09/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/09/2007)
Một doanh nghiệp làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (28/07/2007)
15 năm đi tìm mộ liệt sĩ  (28/07/2007)
Yên lòng người còn sống, ấm lòng người hy sinh  (28/07/2007)
Người thương binh được dân kính mến  (28/07/2007)
Thung lũng giữa đại ngàn  (28/07/2007)
Cổ tích đàn trâu  (28/07/2007)
Những ngày hè sôi động  (28/07/2007)
Mùa săn “hùm” dưới biển  (28/07/2007)