BÀ NGUYỄN THỊ THANH NGA, CHỦ CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA NGƯỜI TÀN TẬT NNC:
Tôi vẫn tiếp tục công việc “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật
15:15', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Sau 14 năm gắn bó với công việc đào tạo - giáo dục văn hóa lẫn dạy nghề cho người khuyết tật trong và ngoài tỉnh, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, nguyên là chủ Cơ sở Dạy nghề Nguyễn Nga, đã giao lại toàn bộ cơ sở vật chất cũng như nhân lực cho Nhà nước quản lý (từ 30.6.2007). Gặp bà tại cơ sở 30 Nguyễn Văn Bé- Quy Nhơn, lại thấy bà tất bật với những lo toan mới…

 

Các học sinh khiếm thính đang tập chế tác đá quý. Ảnh: T.Hà

 

Ở khu vực bên trong, các học viên khiếm thính đang kiên nhẫn mày mò tập chế tác những viên đá bán quý theo sự chỉ dẫn của một nghệ nhân già, tuổi ngoại 60. Phía bên ngoài, có một lớp học dành cho trẻ khiếm thính và một số bàn máy may…   

* Xin chào, nghe nói bà đã “rửa tay gác kiếm” sau khi bàn giao lại Cơ sở Dạy nghề Nguyễn Nga (02 Tăng Bạt Hổ) cho Nhà nước. Nhưng theo những gì tôi thấy thì dường như công việc vẫn đang tiếp tục?

- Sau khi đã chính thức bàn giao lại Cơ sở Dạy nghề Nguyễn Nga cho Nhà nước (cụ thể, cơ quan chủ quản là Sở LĐ-TB&XH) vào cuối tháng 6.2007, tôi bần thần, chơi vơi cả tháng trời như mình đã mất một thứ gì quý giá lắm. Vì lẽ, dù gì tôi cũng đã gắn bó, chia sẻ mọi buồn vui cùng nó đã 14 năm trời. Nó như “núm ruột” tinh thần của mình vậy mà. Nhưng khi bàn giao lại cho Nhà nước cả cơ sở vật chất lẫn nhân sự, tôi cũng rất mừng vì từ nay đã có các cơ quan chức năng của Nhà nước nhận lãnh trách nhiệm giáo dục- đào tạo văn hóa cho các em khuyết tật. Như thế, các em có thể hưởng được nhiều chính sách ưu đãi hơn. Ban đầu, tôi nghĩ thầm, hay là nhân dịp này mình cũng “rửa tay gác kiếm luôn”, toàn tâm toàn ý lo cho cuộc sống riêng. Nhưng rồi, tôi lại không thể…

* Vì lẽ …

- Tôi vẫn còn nặng lòng với công tác xã hội. Tôi không dám nói là mình làm từ thiện mà chỉ nói là công tác xã hội. Tôi muốn tiếp tục theo đuổi mục tiêu ban đầu của mình. Đó là phần “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật.

Với người bình thường, học nghề từ 3-6 tháng là họ có thể làm được việc nhưng người khuyết tật phải cần một thời gian lâu hơn nhiều. Vả lại, con đường xin việc của họ cũng lắm nỗi gian truân. Đơn vị nào chấp nhận họ, một phần vì lý do nhân đạo, nhưng nếu không làm được việc, thế nào cũng bị thải loại ngay. Bởi thế họ cần biết nghề thật rành rẽ, khéo léo, không làm được nghề này thì làm nghề khác. Họ cần được thử sức trên nhiều lĩnh vực nghề để chọn cho mình một nghề thích hợp nhất.

Đã có nhiều người khuyết tật tìm đến học nghề trong khi họ không biết đọc chữ, làm toán. Cùng với dạy nghề, Cơ sở Dạy nghề Nguyễn Nga đã dạy họ biết đọc, biết làm toán. Nay, mục tiêu dạy văn hóa cho người khuyết tật đã được chuyển giao cho Nhà nước quản lý, thì tôi sẽ đeo đuổi mục tiêu sau, giải quyết cái “hậu” của giáo dục- đào tạo cho người khuyết tật. Đó là giới thiệu việc làm cho các em khuyết tật; tổ chức các nhóm tự lực, cá nhân tự lực và tiếp tục hỗ trợ người khuyết tật như sinh viên khuyết tật học đại học, học bổng cho các em đi học nghề. Mục tiêu cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là tổ chức việc làm cho người khuyết tật ngay tại cơ sở của mình dựa trên những nghề truyền thống mà lâu nay Cơ sở Dạy nghề Nguyễn Nga vẫn đào tạo cho các em, như may các sản phẩm bằng thổ cẩm, thắt dây đeo tay thủ công, chế tác đá quý và gia công găng tay y tếá.

* Hai nghề sau có vẻ mới, bà có thể cho biết thêm cụ thể…

- Lớp chế tác đá quý gồm 20 học viên, chủ yếu cho các em khiếm thính, do một công ty đá quý ở thành phố Hồ Chí Minh nhận hỗ trợ máy móc học nghề và cả thầy hướng dẫn. Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ tiền học phí cho các em. Trong thời gian học nghề, những em nào nổi trội hơn sẽ được tiếp tục chọn ra học thêm nghề làm vàng, bạc. Những em còn lại, tùy thuộc vào khả năng của mình sẽ được bố trí làm việc trong những khâu phù hợp như gắn hột trang sức. Công ty này hứa sẽ cung cấp toàn bộ nguyên liệu cũng như thuê nhân công làm việc lâu dài. Còn với nghề gia công găng tay y tế cho nước ngoài, theo dự kiến tôi cũng sẽ tạo việc làm cho khoảng 25 lao động. Hiện tôi đang cho sửa sang lại mặt bằng mình đang thuê (09 Trường Chinh- Quy Nhơn) làm cơ sở sản xuất và chuẩn bị đi vào hoạt động.

* Không còn là Chủ Cơ sở Dạy nghề Nguyễn Nga nữa, vậy hiện bà hoạt động theo tư cách pháp nhân nào?

- Tôi vẫn hoạt động theo tư cách pháp nhân như giấy phép kinh doanh mà UBND thành phố Quy Nhơn đã cấp cho tôi từ năm 2003 là Cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật NNC.

* Theo nhận xét chung, bà là người không dễ bỏ cuộc và “giỏi” tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Vậy, sau này, bà còn có dự định gì lớn lao hơn không?

- Tôi ấp ủ một dự định sẽ thành lập một làng nghề du lịch của người khuyết tật. Ở đó, người khuyết tật có thể làm các công việc kiếm sống bằng những nghề phù hợp với sức khỏe, khả năng của họ. Rồi tôi sẽ liên hệ với các công ty du lịch để dẫn khách du lịch đến tham quan làng nghề khá đặc sắc này. Tuy mới chỉ là ý tưởng nhưng đã có một số bạn bè tôi ủng hộ. Nếu được, tôi dự tính sẽ thực hiện trên quê hương An Nhơn của mình.

* Đó dù sao cũng chỉ là dự định. Trước mắt, bà đang gặp khó khăn nào không?

- Cái chính vẫn là mặt bằng. Hiện nay, địa chỉ 30 Nguyễn Văn Bé do Sở Xây dựng quản lý và đang có kế hoạch để thu lại ngôi nhà này. Tôi cũng chưa biết sẽ như thế nào…

* Cám ơn bà!

  • Thu Hà(thực hiện)
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thuê máy tập thể dục  (02/09/2007)
Có một thứ nước uống tên là cà phê  (02/09/2007)
Thơ  (02/09/2007)
Nỗi nhớ  (02/09/2007)
Khúc mưa  (02/09/2007)
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)
Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)  (02/09/2007)
Cần lắm sự đầu tư  (02/09/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/09/2007)
Một doanh nghiệp làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (28/07/2007)
15 năm đi tìm mộ liệt sĩ  (28/07/2007)
Yên lòng người còn sống, ấm lòng người hy sinh  (28/07/2007)
Người thương binh được dân kính mến  (28/07/2007)