VỤ CHẶT PHÁ, LẤN CHIẾM RỪNG PHÒNG HỘ Ở XÃ MỸ ĐỨC:
Sau hơn 1 năm vẫn chưa được xử lý rốt ráo
15:19', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Lợi dụng sự lơi lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ của chính quyền và ngành chức năng, năm 2006 nhiều hộ dân ở các thôn Phú Hà, Phú Thứ, Phú Hòa thuộc xã Mỹ Đức (Phù Mỹ) đã lén lút phá gần 12 ha rừng phòng hộ, để lại nhiều hệ lụy xấu. Tuy nhiên đến nay, vụ việc nói trên vẫn chưa được chính quyền địa phương xử lý rốt ráo…

 

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở tiểu khu 107 thuộc địa bàn thôn Phú Hà, xã Mỹ Đức đã bị tàn phá. Ảnh: Tiến Sỹ

 

1- Diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá tập trung nhiều nhất tại khoảnh 4 và 5 tiểu khu 107 thuộc địa bàn thôn Phú Hà, xã Mỹ Đức. Theo ông Trần Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, trước đây Nhà nước chủ trương quy hoạch và giao khoán tiểu khu 107 cho nhân dân trong xã quản lý, bảo vệ, trồng thêm cây rừng sản xuất nhằm làm giàu thêm vốn rừng, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho bà con, nhưng nhiều hộ dân không nhận, vì sợ đầu tư trồng rừng ở khu vực này không hiệu quả. Năm 2006, khi thấy nhiều hộ có thu nhập cao từ bán cây rừng nguyên liệu (rừng trồng kinh tế) thì bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân phá rừng, chiếm đất rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Mỹ Đức, có 24 hộ dân ở các thôn Phú Hà, Phú Thứ, Phú Hòa đã chặt phá gần 12 ha rừng phòng hộ. Qua điều tra của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và xã Mỹ Đức, đối tượng chặt phá rừng là những người đã nhận đất giao khoán rừng phòng hộ và những hộ chưa nhận đất. Người nhận đất giao khoán thì chặt phá thêm cây rừng để mở rộng diện tích rừng trồng, hộ không nhận đất thì lén lút chặt phá cây rừng, chiếm đất để trồng rừng sản xuất.

2- Cuối năm 2006, UBND huyện Phù Mỹ đã ban hành văn bản chỉ đạo cho UBND xã Mỹ Đức phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện kiểm tra xác định cụ thể đối tượng phá rừng, diện tích rừng bị chặt phá, thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng mà người dân đã chặt phá trái phép để trồng rừng và xử lý phạt hành chính. Riêng đối với các đối tượng là cán bộ, đảng viên tham gia phá rừng phòng hộ, ngoài việc xử phạt hành chính còn phải kiểm điểm hoặc kỷ luật.

Đến nay, UBND xã Mỹ Đức đã thu hồi diện tích đất rừng phòng hộ mà người dân đã lấn chiếm, nhưng việc xử lý hành chính vẫn chưa thực hiện được. Trong tổng số 24 đối tượng chặt phá cây, lấn chiếm rừng phòng hộ, có 13 đối tượng có khả năng nộp phạt nhưng chây ỳ không thực hiện; 11 đối tượng thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình đang gặp nhiều khó khăn, như trường hợp ông Phạm Văn Cường ở thôn Phú Hà. Gia đình ông Cường có 7 nhân khẩu, thu nhập chính của gia đình đều nhìn từ 2 sào ruộng lúa và một con bò, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Ông Cường cho biết: “Thấy nhiều hộ lên rừng phá rừng phòng hộ để trồng rừng sản xuất, tôi cũng làm theo. Diện tích tôi đã chặt phá nhưng chưa trồng cây là 4.900 m2 tại tiểu khu 107, đã bị ngành chức năng tịch thu và tuyên phạt hành chính với số tiền 6,1 triệu đồng. Tôi biết việc làm của mình là sai trái nên đã chấp hành nghiêm túc việc giao trả lại đất và cam kết không tái phạm. Nhưng hoàn cảnh gia đình hiện quá khó khăn, không kiếm đâu ra số tiền nói trên để nộp phạt…”.

Trước tình hình trên, UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo cho xã Mỹ Đức cưỡng chế xử phạt hành chính đối với các đối tượng vi phạm, nhưng chính quyền địa phương vẫn bó tay vì không có ai chấp hành.

3- Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: “Huyện đã chỉ đạo cho xã Mỹ Đức cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ phân loại các đối tượng có hành vi vi phạm, tìm hiểu tình hình kinh tế của từng hộ để trong tháng 8 này xử lý dứt điểm tình trạng trên. Sau khi thực hiện xong việc cưỡng chế xử phạt hành chính, UBND huyện giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và UBND xã Mỹ Đức làm thủ tục giao khoán cho dân trồng và chăm sóc, bảo vệ; ưu tiên giao đất rừng cho các hộ gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo nhằm tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhân dân. Đồng thời chuẩn bị cây giống để trồng trong vụ trồng rừng năm nay trên diện tích bị chặt phá”.

Tiểu khu rừng phòng hộ 107 có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đời sống sản xuất cho hàng trăm hộ dân ở xã Mỹ Đức. Việc chặt phá, lấn chiếm rừng phòng hộ là việc làm sai trái cần được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nếu như ngành chức năng của huyện Phù Mỹ và chính quyền xã Mỹ Đức ngăn chặn và cương quyết xử lý ngay từ đầu thì sự việc đâu có kéo dài đến ngày nay. Vì vậy, cần phải xử lý rốt ráo, có tình có lý, thì mới có thể ngăn chặn được những kẻ cơ hội dựa vào sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương để tiếp tục vi phạm.

  • Minh Hằng
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi vẫn tiếp tục công việc “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật  (02/09/2007)
Thuê máy tập thể dục  (02/09/2007)
Có một thứ nước uống tên là cà phê  (02/09/2007)
Thơ  (02/09/2007)
Nỗi nhớ  (02/09/2007)
Khúc mưa  (02/09/2007)
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)
Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)  (02/09/2007)
Cần lắm sự đầu tư  (02/09/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/09/2007)
Một doanh nghiệp làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (28/07/2007)
15 năm đi tìm mộ liệt sĩ  (28/07/2007)
Yên lòng người còn sống, ấm lòng người hy sinh  (28/07/2007)