Chủ động phòng chống lụt bão cho hệ thống đê sông, đê biển
15:22', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Ông Nguyễn Đình Chi

UBND tỉnh vừa có công điện yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Chi, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều (PCLB-QLĐĐ) thuộc Sở NN-PTNT tỉnh về việc triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn hệ thống đê sông, đê biển trên địa bàn tỉnh.

* Xin ông cho biết thực trạng hệ thống đê sông, đê biển ở tỉnh ta trước mùa mưa lũ năm nay?

- Tỉnh ta có 4 con sông lớn gồm: sông Côn, La Tinh, Lại Giang, Hà Thanh với tổng chiều dài của đê sông 414km và hệ thống đê khu Đông có chiều dài trên 50km, chạy từ TP Quy Nhơn qua các xã khu Đông Tuy Phước, Phù Cát. Những năm qua, được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí khá lớn nhằm kiên cố hóa hệ thống đê sông, đê biển, đảm bảo vượt lũ an toàn vào mỗi mùa mưa lũ. Tuy nhiên, do hệ thống đê sông, đê biển ở tỉnh ta khá dài, vào mùa mưa lũ thường chịu áp lực dòng chảy lớn nên tình trạng xuống cấp diễn ra rất nghiêm trọng. Đến nay, hệ thống đê sông mới chỉ có khoảng 20% trong tổng chiều dài là được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu chống lũ, còn lại đang đặt trong tình trạng báo động. Còn đối với hệ thống đê biển, trong 50km đê, có 30km được bê tông kiên cố có thể yên tâm vượt lũ.

Trước mùa mưa lũ năm nay, trên hệ thống đê sông có nhiều nơi đang trong tình trạng báo động, điển hình như: trên hệ thống đê sông La Tinh đoạn từ xã Mỹ Hiệp đến cửa biển Đề Gi; đê sông Côn qua địa bàn xã Cát Nhơn, đê sông Hà Thanh từ cầu Diêu Trì đến đầm Thị Nại, cửa biển An Dũ (Hoài Nhơn)… bị sạt lở khá nghiêm trọng. Còn đối với đê biển, đoạn đê Huỳnh Giản (Tuy Phước) dài 8km đang đặt trong tình trạng báo động vì xuống cấp. Nhiều đoạn đê do nhân dân và các HTXNN tự làm trước đây để chống úng cục bộ trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nên chỉ được xây dựng bằng đất cát pha, trụ gỗ… tạm thời, hiện nay rất mất an toàn. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại trong mùa mưa lũ năm nay.

* Chi cục sẽ triển khai các biện pháp bảo vệ đê sông, đê biển như thế nào, thưa ông?

- Do hệ thống đê sông hiện nay bị sạt lở nghiêm trọng, kinh phí để tu sửa, nâng cấp rất lớn không thể thực hiện ngay được, nên đơn vị đã chọn giải pháp ưu tiên sửa chữa những đoạn đê sạt lở nặng để đối phó với mưa lũ, những đoạn đê ít xung yếu sẽ tiến hành sau. Kinh phí để nâng cấp cho các tuyến đê sông trước mùa mưa lũ hàng năm được UBND tỉnh phân cấp cho các huyện tự cân đối đầu tư. Hiện nay, qua kiểm tra, các huyện đang đẩy mạnh việc nâng cấp đê sông để đảm bảo vượt lũ vào cuối tháng 8. Về lâu dài, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai xây dựng một số dự án nâng cấp đê sông để trình UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT duyệt để được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á trong thời gian tới.

Đối với hệ thống đê biển, trong 20 km đê đang tiềm ẩn nỗi lo, đáng ngại nhất là tuyến đê Huỳnh Giản ở xã Phước Hòa (Tuy Phước). Hệ thống đê này đã bị đứt nhiều đoạn do ảnh hưởng của các mùa mưa lũ các năm trước. Để từng bước nâng cấp tuyến đê Đông, Chi cục PCLB-QLĐĐ đã có văn bản trình UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Vừa qua, Cục QLĐĐ-PCLB Trung ương cũng đã kiểm tra, rà soát hiện trạng toàn hệ thống đê để báo cáo Bộ NN-PTNT sớm hoàn thành dự án nâng cấp. Theo kế hoạch, năm 2008, Bộ NN-PTNT sẽ đầu tư khoảng 800 tỉ đồng để hoàn thiện tuyến đê Đông. Trước mắt, trong năm 2007 này, để đảm bảo an toàn vượt lũ tuyến đê Đông, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh đầu tư 2,6 tỉ đồng nâng cấp một số công trình trọng điểm, xung yếu trên đê. Trong đó, sẽ nâng cấp 300 mét đê thuộc xã Cát Chánh (Phù Cát), 200 mét đê thuộc phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), tràn Vinh Quang, xã Phước Sơn (Tuy Phước), tràn đóng mở Đồng Cói xã Phước Thắng (Tuy Phước)… Hiện nay, các hạng mục này đang được triển khai thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành vượt lũ vào 15.9 tới.

* Điều đáng lo ngại là trên toàn tuyến đê Đông hiện có hàng ngàn ngôi nhà đang lấn chiếm thân đê, Chi cục PCLB-QLĐĐ sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?

- Do hình thành mang tính lịch sử nên trên toàn hệ thống đê Đông hiện có trên 1.000 ngôi nhà đang vi phạm hành lang an toàn tuyến đê. Để giải quyết vấn đề này hiện nay đang là vấn đề bức xúc của ngành, chính quyền địa phương có tuyến đê qua và không thể giải quyết trong thời gian ngắn được. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành phối hợp với chính quyền các địa phương để kiểm tra, thống kê lại toàn bộ các hộ vi phạm an toàn tuyến đê để báo cáo UBND tỉnh có biện pháp di dời các hộ dân đến các nơi tái định cư mới trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

  • Nguyễn Hân(thực hiện)
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sau hơn 1 năm vẫn chưa được xử lý rốt ráo  (02/09/2007)
Tôi vẫn tiếp tục công việc “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật  (02/09/2007)
Thuê máy tập thể dục  (02/09/2007)
Có một thứ nước uống tên là cà phê  (02/09/2007)
Thơ  (02/09/2007)
Nỗi nhớ  (02/09/2007)
Khúc mưa  (02/09/2007)
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)
Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)  (02/09/2007)
Cần lắm sự đầu tư  (02/09/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/09/2007)
Một doanh nghiệp làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (28/07/2007)
15 năm đi tìm mộ liệt sĩ  (28/07/2007)