* Bút ký của Huỳnh Văn
Ngựa hay đá hậu. Thuở trước, thời còn nhỏ, bọn tôi nhiều đứa bị ngựa đá hậu thiếu điều bể d... nhưng vẫn không quản, hễ thấy ngựa thì ào đến gần nó. Chúng tôi mê ngựa, vì sắc lông của nó vừa đẹp vừa sạch (không như bộ lông trâu đen xỉn lại nhiều khi bê bết bùn đất). Ngựa có bờm dày, có đuôi dài, có bộ yên cương êm ái, có nhạc ngựa kêu rảng rảng... Thằng Bần, thằng Bách vẫn rủ tôi đi bứt trộm đuôi ngựa của Lý Cựu để làm sợi dây của cái cần kéo đàn cò. Tôi vẫn thường theo mẹ ngồi xe ngựa đi chợ Phủ, chợ quê để được mẹ mua sắm, nuông chiều cho quà. Thằng Tín, con Xã Thạc, nhiều lần bắt trộm ngựa của ba nó đưa ra gò Đình để tập cho tôi cưỡi, và tôi đã bao lần ngã ngựa cùng với Tín...
|
Xe ngựa chở hàng thổ sản đi chợ Gò Găng. Ảnh: Hoàng Tuấn
|
Người quê tôi cứ theo sắc lông của ngựa mà đặt tên cho nó. Con có bộ lông tím tía thì đặt cho nó cái tên là ngựa Tía; con lông tím mà hơi ngả đen thì cho nó cái tên ngựa Ô; con nào lông trắng thì gọi là ngựa Bạch... Những con ngựa tên “bình dân” đó chuyên thồ hàng, kéo xe. Bá hộ Trần nuôi con ngựa trắng, đặt tên là Bạch Mã cho nó sang như ông bá hộ. Mỗi lần thấy bá hộ Trần mặc áo đen, đầu đội nón ngựa chóp bạc, chân đi giày cá lóc, ngồi oai vệ trên lưng con Bạch Mã đóng yên cương đẹp, lũ nhỏ chúng tôi để yên cho ngựa ông ta phi xa rồi thì đồng thanh múa tay chân, hét to: “Đại quan thừa bạch mã/ Bạch mã tẩu như phi... Bá hộ thừa bà già/ Bà già... thở phì phì” (chuyện này có tích, do bà vợ thứ năm của bá hộ Trần sồ sề múp míp mà lớn hơn ông tới 10 tuổi). Nhà Thơm, nhà Nghị rất tự phụ về bầy ngựa đua của mình và đã tìm đủ những cái tên đẹp: Hà Tuấn Mã, Đại Hải Câu, Khuất Thiên Mã, Bình Phiên Mã, Đại Thắng Mã... đặt cho chúng. Người trong làng kể, hai nhà này đã 9-10 đời nuôi ngựa đua, từ khi Phủ An lập ra cái trường đua ngựa tại làng Hòa Bình, thuộc tổng Kim Tài. Trường đua ngựa cứ 3 năm tổ chức đua ngựa một lần để tuyển những ngựa hay và thưởng cho những tay nào nuôi được tuấn mã, nhờ thế mà kích thích được phong trào nuôi ngựa khắp trong vùng. Mỗi lần có kỳ đua, ngựa các nơi đổ về đây đông lắm, nhất là ngựa Phú Yên, Khánh Hòa... Khi nhà Tây Sơn khởi nghiệp, thành lập lực lượng kỵ binh tới mấy ngàn con tuấn mã, đã nhờ đến phong trào này. Dấu tích trường đua ngựa làng Hòa Bình, nay còn lại cái gò rộng mang tên Gò Ngựa ở trước ngôi đình làng.
Ngựa ăn cỏ tươi non: “Ngựa ô đứng trước ao hồ/ Đói thì chịu đói, cỏ khô không thèm” (Ca dao Phú Yên). Mỗi buổi xế trưa thả ngựa đi ăn cỏ, anh đi ở chăn ngựa cho chủ không quên mang theo chiếc giỏ bội và chiếc liềm cắt cỏ. Anh vừa chăn ngựa vừa cắt cỏ ven con mương nước trong xanh, cho tới khi đầy giỏ bội cỏ để chiều mang về cho ngựa ăn qua đêm. Trong làng An Định quê tôi có mấy nhà Hai Hơn, Ba Thiệt... sống bằng nghề cắt cỏ ngựa bán cho các chủ ngựa trong làng. Khi ngựa làm lụng mệt, người ta vỗ về và cho ngựa uống nước đường, cho ngựa lấy lại sức.
Ngựa trẻ khỏe, thân hình cân đối, lông mượt, “tứ túc cương như thiết” là ngựa có tướng tốt. Nhờ tập luyện mà có những con ngựa thông minh, tài giỏi, những chiến mã lừng danh trong lịch sử. Tương truyền thời Tây Sơn có “ngũ thần mã” (Bạch Long, Xích Kỳ Thiên Lý, Ngân Câu Kim Mã, Ô Du, Hồng Lư Mã) chở trên lưng năm vị tướng tài xông ra trận. Nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi con Ngân Câu Kim Mã. Khi Vũ Văn Nhậm thót lên lưng con thần mã này, quất roi cho chạy thì nó cất cao hai vó trước, hí vang và quay đầu trở lại, không chịu phi ra trước. Cũng tương truyền, Xích Kỳ Thiên Lý của tướng quân Nguyễn Văn Tuyết đã chở cành đào Thăng Long của vua Quang Trung gởi về tặng Ngọc Hân công chúa đang ở Phú Xuân để tỏ lòng nhớ thương và báo tiệp: “Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào/ Mai vàng xứ Huế có khuây đâu/ Đào phi theo ngựa về cung nhé/ Nở cạnh đài gương sắc chiến bào” (Chế Lan Viên).
Quê tôi đất rộng, người đông, có con sông từ thượng nguồn Vĩnh Sơn đổ xuống. Người quê tôi đi lại “bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền” (Chinh phụ ngâm khúc) cho nên nhiều nhà nuôi ngựa, lắm nhà sắm thuyền, tiện gì đi nấy. Từ những bến xe ngựa Gò Chàm, Đập Đá, Gò Găng... tỏa ra một mạng lưới giao thông bằng đường xe ngựa rộng khắp để đưa người ta đến những thị tứ bán buôn sầm uất, những làng quê trù phú, làng nghề thủ công trong vùng Phủ An và các vùng lân cận. Ngựa thồ hàng thổ sản bắp, mì, lang, giấy bản, tơ lụa, bún Song Thằn, rượu Bàu Đá... từ An Thái, Cây Bông lộc cộc chạy xuống; ngựa thồ cá tôm, nò rẩu, lúa nếp, nước mắm... từ Giã, vạn Gò Bồi, chợ Nước Mặn... hộc tốc chạy lên. Cũng trên những con đường xe ngựa rải đá dăm đó, những cỗ xe bánh gỗ lắc lư chồn chân ngựa kéo, chở chật cứng người và đủ các loại hàng đi về các nẻo trong những ngày chợ quê họp. Lễ hội Chùa Ông - thành Bình Định, Chùa Bà - Cảnh Hàng, Chùa Kén - Phương Danh, lễ hội Đổ Giàn - An Thái, lễ hội Đống Đa- Tây Sơn... thường được tổ chức mỗi năm một lần, lễ hội nào cũng không thiếu cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm (truyện Kiều).
Trong chinh chiến ngày xưa, số phận của chiến sĩ ra trận và số phận của những con chiến mã luôn gắn liền với nhau. Có biết bao cuộc chiến đã gây nên thảm cảnh “đống xương vô định đã cao bằng đầu” (truyện Kiều). Và ta có quyền nghĩ trong đống xương vô định đó, đâu chỉ có xương người lính trận vong mà còn có cả xương những con ngựa chiến.
Làng An Định ngày nay không còn nhà nào nuôi ngựa. Từ cách nay 5-7 năm, cái bến xe ngựa Đập Đá trông chừng cũng đã hắt hiu: khách vắng, còn lại vài chiếc xe ngựa cũ kỹ (chiếc thì ngựa gầy nhom đã mắc vào xe, dậm chân tại chỗ, chờ chuyến đi với lèo tèo vài người khách; chiếc thì để chỏng gọng lên trời mà ngựa thì không thấy đâu). Nay thì nó đã được “giải thể” thực rồi để dành đất cho nhà cửa mới xây, cho lều quán giải khát, cho các anh xe thồ và một cảnh tượng chưa có gì là ngăn nắp. Dù sao, mỗi lần từ thành phố về và đến đây để nhờ một cuốc xe thồ về làng An Định, tôi vẫn nhớ chuyện ngày xưa và tự hỏi những chú ngựa Tía, ngựa Hồng, ngựa Ô... cất vó đường trường và những người xà ích tôi có quen (và không quen) ngày nào, bây giờ đang ở đâu ?
|