Tìm hướng phát triển văn hóa - thông tin miền núi
15:39', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Vừa qua, Sở Văn hóa - Thông tin (VHTT) Bình Định phối hợp với UBND huyện An Lão tổ chức Hội thảo “Phát triển VHTT miền núi tỉnh Bình Định”. Các tham luận trình bày tại hội thảo đã phản ánh khá đầy đủ thực trạng VHTT ở các huyện miền núi tỉnh ta hiện nay, cũng như đề ra những giải pháp mang tính định hướng trong thời gian tới…

 

Diễn tấu cồng chiêng trong Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền núi tỉnh năm 2007.

 

* Những chuyển biến tích cực

Trong những năm qua, việc phát triển VHTT ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số thành tích đáng kể. Ngành VHTT đã củng cố, phát triển các đội chiếu bóng lưu động, đội thông tin lưu động miền núi; tăng cường đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật về cơ sở phục vụ đồng bào với những nội dung chương trình phù hợp. Cùng với Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền núi cấp tỉnh được tổ chức định kỳ hai năm một lần, ở cấp huyện và xã cũng thường xuyên tổ chức những Ngày hội Văn hóa - Thể thao để đồng bào có dịp gặp gỡ, giao lưu; qua đó, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Toàn tỉnh hiện đã có 90% số làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó, có 72/82 nhà rông đã được khôi phục từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau. Đặc biệt, nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số đã tự khôi phục và phát huy thiết chế nhà rông. Chẳng hạn, huyện Vĩnh Thạnh có 30 trên 31 bản làng miền núi đã có nhà rông; huyện Vân Canh có 28 làng thì tất cả đều đã có nhà rông và các nhà rông đã được tu sửa và xây dựng mới…

Các nhạc cụ, cũng như các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống, đã được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống tinh thần của đồng bào. Các đội văn nghệ quần chúng được thành lập, không chỉ ở cấp huyện, mà còn ở xã, thôn. Nghề dệt thổ cẩm, đan đát từng bước được khôi phục và trở lại trong sinh hoạt thường ngày của người dân.

Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao khi hầu hết các xã miền núi đều đã được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đều có các điểm bưu điện - văn hóa và được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số với trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đặc biệt là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng đã đem lại những chuyển biến tích cực trong đời sống người dân.

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc phát triển VHTT miền núi cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Một trong những hạn chế trong phát triển VHTT miền núi được các đại biểu đưa ra thảo luận tại hội thảo lần này chính là sự phai nhạt dần các giá trị văn hóa truyền thống, dẫn đến hiện tượng lai căng đang diễn ra trong đời sống. Điều này thể hiện ngay cả trong việc dựng nhà rông. Một số nơi làm cho lấy có mà không tìm hiểu cách thức xây dựng truyền thống, dẫn đến một số nhà rông được xây dựng sai quy cách, các chi tiết kiến trúc bị “Kinh hóa”. Trang phục truyền thống dân tộc ở một số địa phương đã bị lai tạp nhiều và ít được sử dụng trong các lễ hội, ngày Tết, ngày cưới.

Ngoài cồng chiêng, một số nhạc cụ truyền thống vốn rất gắn bó với đời sống đồng bào như đàn Tơ rưng, đàn Pơ lơn khơn… giờ đây rất ít khi vang lên ở các buôn làng. Đáng buồn hơn là việc một số địa phương tổ chức lễ hội truyền thống nhưng các nghi lễ lại thực hiện không đúng như truyền thống, khiến người xem hiểu thiếu, hiểu sai về nét đặc sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tuy đã có tiến bộ, nhưng vẫn ở tình trạng “no dồn, đói góp”, khi phần lớn các hoạt động VHTT chưa được tổ chức thường xuyên mà chỉ tập trung vào các ngày lễ, Tết. VHTT miền núi chỉ dừng lại ở một số loại hình như truyền hình, phát thanh, đội thông tin lưu động và đội chiếu bóng lưu động, nên mức hưởng thụ văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chênh lệch khá xa so với đồng bằng và thành thị.

Các thiết chế văn hóa cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Phần lớn các thiết chế xây dựng thiếu quy hoạch, thiếu kinh phí nên cơ sở vật chất không đồng bộ, trang thiết bị còn thiếu thốn, nên chưa đủ điều kiện để tổ chức các loại hình văn hóa đa dạng hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Toàn tỉnh có 30 xã miền núi nhưng chỉ mới có 3 địa phương có nhà văn hóa xã. Các đội thông tin lưu động cấp huyện ở một số nơi vẫn hoạt động theo tính thời vụ, thậm chí, chưa có cán bộ phụ trách là người trong biên chế. Đội ngũ làm VHTT ở các huyện miền núi vừa thiếu vừa không đảm bảo năng lực chuyên môn, đa số đều kiêm nhiệm hay “tay ngang” chuyển sang, lại chưa được quan tâm hỗ trợ về chế độ và nghiệp vụ, nên hiệu quả công việc còn tương đối thấp.

* Nhiều giải pháp được đưa ra

Nhiều kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên và góp phần thúc đẩy sự phát triển VHTT miền núi trong thời gian tới đã được các đại biểu đưa ra tại hội thảo. Các đề xuất tập trung vào những vấn đề chính: đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy vốn quý truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa ở miền núi; đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ làm công tác VHTT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách ưu đãi nhằm bảo tồn, sáng tạo phát huy văn hóa truyền thống; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền và khuyến khích các hình thức xã hội hóa góp phần vào việc phát triển VHTT miền núi.

Theo đó, UBND tỉnh cần có chính sách ưu tiên về vốn đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở miền núi, ban hành những chính sách ưu đãi cho các nghệ nhân và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy vai trò của họ trong việc xây dựng đời sống văn hóa, cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống. Chú trọng nhiều hơn đến công tác xây dựng đội ngũ làm công tác VHTT ở miền núi, thông qua việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Bà La Mai Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, kiến nghị: “Cần có chính sách đãi ngộ và sử dụng đối với cán bộ, công chức, nghệ nhân ở địa bàn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách đào tạo, bố trí, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác VHTT ở miền núi phải được ưu tiên một mức so với các vùng, miền khác. Cần có quy định riêng cả về số lượng, chất lượng trong việc tuyển sinh, tuyển dụng hợp đồng cho phù hợp với đặc thù miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Còn ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, thì đề xuất: “Cần tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho miền núi. Việc xây dựng nhà rông cần có thiết kế mẫu chung, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc. Về mô hình nhà văn hóa, trang thiết bị, nội dung hoạt động, đội ngũ cán bộ quản lý phải có những định hướng cụ thể và hợp lý, để các thiết chế này đi vào hoạt động hiệu quả”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Sở VHTT tỉnh cần sớm cụ thể hóa quy chế, quy định về việc thành lập đội thông tin lưu động cấp huyện và cơ sở, phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm hiệu quả hoạt động. Đẩy mạnh sự phối hợp tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân để người dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống; đồng thời, tổ chức tốt các hội nghị chuyên đề nhằm đẩy mạnh việc phát triển VHTT miền núi…

  • Hoài Thu
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Bộ khôn bằng ngựa...”  (02/09/2007)
Chủ động phòng chống lụt bão cho hệ thống đê sông, đê biển  (02/09/2007)
Sau hơn 1 năm vẫn chưa được xử lý rốt ráo  (02/09/2007)
Tôi vẫn tiếp tục công việc “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật  (02/09/2007)
Thuê máy tập thể dục  (02/09/2007)
Có một thứ nước uống tên là cà phê  (02/09/2007)
Thơ  (02/09/2007)
Nỗi nhớ  (02/09/2007)
Khúc mưa  (02/09/2007)
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)
Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)  (02/09/2007)
Cần lắm sự đầu tư  (02/09/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/09/2007)