Xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) nằm ở cực bắc của Bình Định- một vùng đất đã chứng kiến nhiều trận đánh oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 32 năm sau ngày giải phóng, vùng đất này đang từng ngày thay da, đổi thịt…
|
Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Châu Bắc, phía sau là Di tích lịch sử Đồi 10.
|
* Chiến tích Đồi 10
Mỗi khi nhắc đến xã Hoài Châu Bắc, người ta nghĩ ngay đến chiến tích Đồi 10 nằm ở thôn Gia An. Theo chân anh Nguyễn Tử Thủy, cán bộ UBND xã Hoài Châu Bắc, chúng tôi leo lên 160 bậc thang để đến đỉnh Đồi 10. Từ trên cao nhìn xuống, phía dưới chân đồi là Nghĩa trang liệt sĩ xã được xây dựng khá uy nghi, nơi có gần 1.400 liệt sĩ đang an nghỉ. Và cũng từ đây, nhìn được bao quát cả xã Hoài Châu Bắc và các xã lân cận.
Đồi 10 cao khoảng 36 mét, nằm gần kề Quốc lộ 1A. Trong chiến tranh, do có vị trí chiến lược hết sức quan trọng- cách chi khu quận lỵ Tam Quan khoảng 3 km về phía Bắc, nên đầu năm 1963, Mỹ-ngụy đã xây dựng Đồi 10 thành một căn cứ quân sự quan trọng gồm: Sân bay trực thăng, trận địa pháo 105 ly, hệ thống bố phòng dày đặc, và giao cho 1 trung đội pháo binh, 1 đại đội bảo an, 1 tổng đoàn tự vệ canh giữ. Đối với ta, tiêu diệt được Đồi 10 thì sẽ khống chế, cắt đứt giao thông của địch trên trục quốc lộ, đồng thời giữ được đất, bảo vệ được dân… Chính vì vậy, từ khi hình thành vào năm 1963, đến lần tháo chạy cuối cùng của địch và năm 1975, cứ điểm Đồi 10 liên tục là điểm nóng tranh chấp giữa ta và địch. Tại đây, quân và dân ta đã đánh địch nhiều trận, gây cho chúng nhiều tổn thất.
Ông Võ Đình Trung, 68 tuổi, ở thôn Liễu An, người đã từng nhiều lần trực tiếp tham gia các trận đánh ở Đồi 10, kể: “Có rất nhiều trận đánh diễn ra ở Đồi 10, riêng trận đánh ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1965, bộ đội chủ lực Quân khu V phối hợp với bộ đội địa phương đã tiêu diệt gọn 1 đại đội bảo an, 4 trung đội dân vệ và toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền tại đây…”.
Năm 1994, Đồi 10 đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử và năm 2006 di tích này được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Một điều đáng buồn là dù được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhưng cho đến nay, Đồi 10 vẫn còn khá hoang sơ, thậm chí tấm bia ghi nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia cũng chưa có. Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Đức Yên, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, thì được ông Yên cho biết: “Trước đây, tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho xã 60 triệu đồng để xây dựng đường lên Đồi 10 và giải phóng mặt bằng làm quảng trường dưới chân Đồi 10. Năm 2003, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án khôi phục lại Đồi 10, với những công trình, như: tượng đài, bia di tích, quảng trường chiến thắng, giao thông hào, nhà truyền thống, đường trung tâm khu di tích…, nhưng do không có kinh phí, nên cho đến nay, dự án khôi phục Đồi 10 vẫn còn nằm trên giấy”.
|
Một góc Hoài Châu Bắc hôm nay.
|
* Đổi thay ở một vùng đất
Nối tiếp truyền thống anh hùng của cha ông, các thế hệ nhân dân của Hoài Châu Bắc hôm nay đang từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hai bên đường, từ ngã ba Chương Hòa vào trung tâm xã, nhà cửa mọc lên san sát, cảnh buôn bán tấp nập đang diễn ra hằng ngày. Những con đường bê tông nối liền 8 thôn trong xã được làm khá bề thế. Hệ thống trường học các cấp, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Theo thống kê của xã, mỗi năm số lượng học sinh thi đậu và theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề ngày càng tăng. Một điều đáng ghi nhận là tình trạng học sinh bỏ học trong xã hầu như không có. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng được triển khai khá tốt với 3 thôn đã đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh…
Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, dù là xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng ngoài trồng lúa, người dân đã hướng đến phát triển một số cây trồng cạn, nhiều hộ gia đình ở phía đông đã cải tạo đất nhiễm mặn để nuôi tôm, trồng cói… phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập hàng năm. Nghề dệt chiếu truyền thống, nghề khai thác đá chẻ ở Bình Đê…phát triển mạnh, tạo được việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho nhiều người. Đã có nhiều hộ gia đình ở Hoài Châu Bắc đã vươn lên làm giàu từ mảnh đất đầy bom đạn này.
Hiện nay, xã Hoài Châu Bắc có 8 thôn, 2.567 hộ dân, trong đó có 1.042 đối tượng được hưởng chế độ chính sách; 812 liệt sĩ, 78 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (11 mẹ còn sống), 2 Anh hùng lực lượng vũ trang là Ngô Bàn và Nguyễn Niệm. Năm 1968, xã được Nhà nước tặng Huy chương Thành đồng; năm 1972, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2001, Ban an ninh xã Hoài Châu Bắc được phong tặng đơn vị Anh hùng. |
Đặc biệt, nghề dệt chiếu đã thu hút hơn 600 hộ tham gia. Diện tích trồng cói từ 29 ha đã tăng lên 55 ha. HTX dịch vụ điện năng của xã Hoài Châu Bắc được UBND giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức sản xuất kinh doanh nghề này. Hiện HTX đã đầu tư mua các máy xe sợi, máy dệt chiếu về dạy nghề miễn phí cho con em trong xã. Ông Nguyễn Châu Long, Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện năng xã Hoài Châu Bắc, cho biết: “Ngoài dạy cho các em dệt chiếu bằng máy, chúng tôi còn dạy cho các em đan những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: thảm, giỏ, làn, các loại hộp và túi xách… Thời gian đến, khi mặt hàng này xuất khẩu được, giá trị kinh tế mang lại sẽ cao hơn, thu nhập của người làm nghề cũng ổn định hơn”. Không giấu nổi niềm vui về sự đổi thay của quê hương, ông Trần Văn Lành, một lão thành cách mạng ở thôn Gia An, tâm sự: “Sau chiến tranh, cả xã như một đống hoang tàn, đổ nát nhưng chỉ sau 32 năm, quê hương đã có sự thay đổi quá lớn…”.
Tạm biệt Hoài Châu Bắc- mảnh đất đã đi vào lịch sử của dân tộc- dẫu hôm nay đã đổi thay nhiều, nhưng hiện tại và tương lai vẫn còn không ít khó khăn. Song, với nghị lực và lòng quyết tâm của những con người nơi đây, chúng tôi tin tưởng rằng, Hoài Châu Bắc sẽ ngày càng phát triển giàu đẹp hơn nữa.
|