KỶ NIỆM 62 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2.9
Thăm Di tích Nhà lao Phú Quốc
16:7', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, chúng tôi đã có dịp ra đảo Phú Quốc và ghé thăm Di tích Nhà lao Phú Quốc nằm ở xã An Thới (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Mỗi nắm đất, mỗi bức ảnh và những kỷ vật, vật chứng được lưu giữ tại khu di tích đều gợi lên trong tôi niềm cảm phục, ngưỡng mộ vô bờ về tinh thần đấu tranh bất khuất của các “tù binh cộng sản” và sự căm phẫn tột độ trước tội ác của kẻ thù. Nhà lao Phú Quốc - khúc bi tráng của một thời đấu tranh cách mạng- nơi ánh sáng và bóng tối được gọi tên rõ nhất.

 

Ông Nguyễn Văn Đồng - người cựu tù Phú Quốc đã có hành động quả cảm: mổ bụng để đấu tranh với địch.

 

* Đòn thù

Nhà lao Phú Quốc là một trong những trại giam quy mô đã có từ thời thực dân Pháp đến thời Mỹ - ngụy. Tại đây, kẻ địch đã giam giữ hơn 40 ngàn tù binh chiến tranh từ khắp các miền của đất nước dồn về. Tại khu di tích, dấu vết của tội ác kẻ thù vẫn còn hiện hữu với đủ các loại “chuồng cọp”- từ “chuồng cọp” như cái rọ heo làm bằng kẽm gai, để ngoài trời, tù binh bị nhốt vào đây bị phơi suốt ngày ngoài nắng nhưng không thể cử động được, vì mỗi cử động sẽ bị kẽm gai đâm vào người đau đến thấu xương; đến những thùng sắt dài rộng chỉ khoảng 1m2, hàng chục con người bị nhốt trong đó như bị “hỏa thiêu” bởi sự ngột ngạt và sức nóng của ánh nắng mặt trời.

Không có đòn tra tấn dã man nào có thể dã man hơn thế nữa mà kẻ thù ở đây chưa sử dụng để tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Nào là cho tù binh vào bao bố, cột chặt miệng bao lại rồi nhúng vào chảo nước sôi cho đến chết; nào là “trò chơi lộn vỉ sắt”- bắt tù binh nằm trần truồng trên tấm vỉ sắt có những móc sắt nhọn chĩa lên. Tù binh phải lăn tròn trên đó cho thân thể bị móc sắt rứt đi từng miếng thịt đau đớn; rồi chuyện các tên cai ngục dùng cây thước bằng gỗ, khảy từng cái răng của tù binh, có người bị khảy hết cả hàm răng cửa, mở miệng ra chỉ còn là một hố đen đầy máu. Hay đau đớn hơn như đòn “lấy mắt cá chân” của tên thượng sĩ Trần Văn Nhu (tên ác ôn khét tiếng, hiện vẫn còn sống trên đảo Phú Quốc): dùng thước gỗ lim đánh bay từng mắt cá chân tù binh; đóng đinh vào đầu, đầu gối, xuyên gan bàn chân… Trong những vật chứng còn lưu lại tại Khu di tích Nhà lao Phú Quốc, chúng tôi đã nhìn thấy một hộp sọ bị đinh đóng xuyên qua của tù binh Châu Văn Khanh- sinh năm 1930 tại Bình Định, hy sinh ngày 4.12.1972). Một cảm xúc vừa thân thuộc, gần gũi vừa phẫn nộ, xót thương khi bắt gặp người “đồng hương” chợt ùa về. 

* Huyền thoại đào hầm vượt ngục

Nhà lao Phú Quốc quả là một “địa ngục trần gian”. Nơi tội ác kẻ thù được phơi bày tập trung nhất và điển hình nhất. Chỉ trong chưa đầy 9 năm, kẻ thù đã giết hại hơn 4 ngàn chiến sĩ cộng sản. Nhưng chúng không ngờ, với lòng dũng cảm, mưu trí, hàng chục cuộc vượt ngục đã thành công, hàng ngàn cuộc đấu tranh chống đàn áp, giết hại tù binh đã thắng lợi mà mỗi câu chuyện được kể ra như một huyền thoại. Trở lại quê hương, tôi tìm gặp ông Phan Thành Lang, hiện là Trưởng ban liên lạc tù chính trị tỉnh Bình Định và ông Nguyễn Hữu Có, Trưởng ban liên lạc tù chính trị phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn)- hai trong số những cựu tù Phú Quốc đã từng tham gia vào những cuộc đào hầm vượt ngục huyền thoại. Ông Có kể chuyện: “Ngay tại chỗ tôi nằm tại gian thứ 2, phòng giam 2 là nơi anh em quyết định khai miệng hầm. Đêm ngày 7.8.1971, chúng tôi lấy đất nền nhà ngụy trang trên nắp và bắt đầu đào. Đường hầm dự kiến sẽ đào qua phòng giam số 3, số 4, qua lộ xe tuần tra, nhà quân cảnh, qua bãi mìn dài khoảng 80m đến 100m…”.

Điều quá đỗi phi thường mà ngay cả kẻ thù cũng không sao có thể hiểu nổi là tại sao, không có một tấc sắt trong tay mà các chiến sĩ cách mạng vẫn đào được một đường hầm dài hàng trăm mét, suốt 5 tháng trời, ngay trước mũi súng kiểm soát gắt gao ngày, đêm của chúng. Ông Có cho biết: “Chúng tôi đã bí mật bẻ trộm 10 quai cà mèn và cưa ra đập dẹp, một cây sắt chữ V của nhà bếp làm xuổng đào đất; sử dụng 300 m dây bện bằng bao gạo và quần áo rách, 3 cái can nhựa làm “đồ nghề” để đào hầm. Cuộc đào thoát đã được tính toán hết sức công phu. Anh em đào hầm chia ra thành nhiều tổ: tổ cảnh giác, tổ đào, tổ giấu đất…Khó khăn và mất nhiều thời gian nhất vẫn là việc chuyển và giấu cho được số đất đã moi lên ở đoạn đầu đường hầm (càng đào sâu vào trong, anh em sử dụng phương pháp ép đất luôn vào trong ruột hầm),  khoảng gần 25 m3. Mỗi người đã phải bỏ đất vào túi áo, túi quần, túi ni lông hay sử dụng tất cả những gì có thể để đưa đất ra ngoài…

Tổng kết cuộc vượt ngục đêm 23.12.1971, đã có 41 đồng chí thoát được ra khỏi đường hầm thì 26 đồng chí về đến được căn cứ cách mạng của huyện đảo Phú Quốc, còn 15 đồng chí bị địch bắt lại hoặc ngã xuống trên đường vượt ngục. Với tinh thần “một người ra được cũng là thành công”, sự bền bỉ của ý chí và khát vọng tự do của những cựu tù cách mạng đã làm nên một huyền thoại - đào hầm vượt ngục.

 

Tội ác của kẻ thù và tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày như một khúc bi tráng làm lay động trái tim của tất cả những người đến tham quan Khu di tích Nhà lao Phú Quốc ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

 

* Đấu tranh trong tù

Tôi tìm đến nhà riêng của ông Nguyễn Văn Đồng, một cựu tù binh Phú Quốc, ở phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn), người được biết đến với hành động vô cùng quả cảm: tự mổ bụng mình để đấu tranh trong tù. Ông Đồng kể chuyện: Để phản đối sự đàn áp của địch, hơn 900 tù binh phân khu sĩ quan đã đồng loạt tuyệt thực với yêu sách: không được đánh đập tù binh; cải thiện chế độ ăn uống, phải đủ ăn, đủ nước, không đi làm tạp dịch… Tuyệt thực đã được hơn 1 tuần, nhưng địch vẫn không ngừng khủng bố. Một số đồng chí hy sinh. Anh em lấy máu viết khẩu hiệu căng lên cổng trại. Từ khu này sang khu khác, cả trại giam nhất loạt đấu tranh hỗ trợ cho khu sĩ quan. Ông Đồng đã nghĩ đến một hình thức đấu tranh mạnh mẽ hơn, bạo liệt hơn và sẵn sàng chấp nhận hy sinh mới mong có kết quả. Ông giấu lưỡi dao tự tạo bằng mảnh i nốc đục từ cà mèn đựng cơm, cùng với một số đồng chí tiến ra bờ rào, vừa lay bờ rào, vừa hô khẩu hiệu. Và bước lên, bất ngờ ông rút dao, lật áo, ấn sâu mũi dao vào bụng mình, rạch nhanh hai đường như hình tam giác quanh rốn và lẩy miếng da bụng ra, nhìn thấy cả ruột bên trong. Máu tuôn xối xả và ông gục xuống…

Ông Đồng kể và vén áo lên cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt quanh khu bụng. Hành động quả cảm của ông đã tiếp thêm lửa cho cuộc đấu tranh. Kẻ thù đã phải ngưng đàn áp và chấp nhận những yêu sách của trại tù.

* Sống là chiến đấu

Hơn 34 năm đã trôi qua, cũng như những tù binh Phú Quốc trên mọi miền đất nước, những cựu tù Phú Quốc ở Bình Định đều đã nghỉ hưu và trở về với cuộc sống đời thường. Họ hầu hết đều là thương binh, sức khỏe giảm sút bởi đã từng phải chịu đựng những đòn roi tra tấn tàn khốc của kẻ thù. Cũng vì đau ốm, bệnh tật nên nhiều cựu tù cách mạng chỉ sống bằng đồng lương hay trợ cấp chế độ, chính sách của Nhà nước. Thế nhưng, họ vẫn sống vui vẻ, thoải mái, nhiệt tình tham gia vào các công tác xã hội và địa phương, giáo dục và làm gương cho con cháu về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc. Ông Nguyễn Văn Đồng và Nguyễn Hữu Có tâm sự: Trong tù, hàng ngày chứng kiến những cái chết đau đớn của đồng chí mình, trong đó, có những chiến sĩ còn rất trẻ, mới rời ghế nhà trường vào quân ngũ và bị địch bắt, mới thấy còn sống được đến ngày nay, có gia đình, con cái được ăn học tử tế đã thật là may mắn, hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi thật không mong muốn gì hơn!

  • Ngọc Quỳnh
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trở lại vùng đất anh hùng  (02/09/2007)
Tìm hướng phát triển văn hóa - thông tin miền núi  (02/09/2007)
“Bộ khôn bằng ngựa...”  (02/09/2007)
Chủ động phòng chống lụt bão cho hệ thống đê sông, đê biển  (02/09/2007)
Sau hơn 1 năm vẫn chưa được xử lý rốt ráo  (02/09/2007)
Tôi vẫn tiếp tục công việc “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật  (02/09/2007)
Thuê máy tập thể dục  (02/09/2007)
Có một thứ nước uống tên là cà phê  (02/09/2007)
Thơ  (02/09/2007)
Nỗi nhớ  (02/09/2007)
Khúc mưa  (02/09/2007)
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)
Trong “Hành trang ngày trở lại” của Trương Văn Dân (*)  (02/09/2007)