PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - THÔNG TIN MIỀN NÚI:
Một nhiệm vụ cấp thiết
15:56', 2/9/ 2007 (GMT+7)

Tại hội thảo “Phát triển Văn hóa - Thông tin (VHTT) miền núi”, 10 tham luận trong tổng số 22 tham luận tham gia hội thảo đã được trình bày, bàn thảo nhiều vấn đề trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Xin trích đăng một số ý kiến từ tham luận của các đại biểu.

 

Nhà văn hóa thôn 7 - xã An Trung (An Lão). Ảnh: H.T

 

ÔNG LƠ O TẰM, PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN TỘC TỈNH:

“Phát triển VHTT miền núi là một nhiệm vụ cấp thiết”

Một bộ phận thanh thiếu niên dân tộc thiểu số hiện nay dường như không còn chất phác, trung thực, siêng năng như thế hệ cha anh mình trước kia; mà đã thay đổi theo hướng tiêu cực, do tác động mặt xấu của xã hội bên ngoài. Vì vậy, công tác VHTT miền núi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết. Để làm tốt nhiệm vụ này, trước hết những người làm công tác VHTT từ huyện đến xã phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; biết chọn lọc giữa cái cũ và cái mới, cái tốt và cái xấu, cái nào cần được nghiên cứu, sưu tầm để phát triển, nhân rộng; cái nào cần được loại bỏ. Củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác VHTT cơ sở, đảm bảo đủ số lượng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nắm bắt, điều hành công việc. Tập trung tổ chức, xây dựng một số mô hình làng văn hóa điểm; phân loại hình và phân cấp lễ hội, nhóm di sản của từng dân tộc để ưu tiên đầu tư xây dựng, khai thác, phát huy theo kế hoạch hằng năm. Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống; trong đó, chú trọng đến lứa tuổi thanh thiếu niên để họ hiểu biết và tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình.

 

ÔNG ĐÀO VĂN XUÂN, PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY:

“Tăng cường tuyên truyền giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống”

Trong thời gian đến, công tác dân vận trong việc xây dựng và phát triển VHTT miền núi sẽ tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ dân trí; tuyên truyền việc chấp hành tốt các quy ước, hương ước cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động, thi đua xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình, thôn, làng văn hóa; nhất là việc tổ chức việc cưới hỏi, ma chay theo nếp sống mới; đấu tranh chống các hủ tục lạc hậu. Phát hiện, xây dựng, nhân rộng những điển hình, mô hình hoạt động hiệu quả trên lĩnh vực VHTT. Tiếp tục vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ tiền của, trang thiết bị giúp đỡ xây dựng nhà văn hóa, nơi vui chơi, sinh hoạt cho bà con. Coi trọng và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán ở cơ sở, để tích cực đấu tranh với các tập tục lạc hậu, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng xấu.

 

ÔNG DƯƠNG MINH CHÂU, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VHTT TỈNH:

“Đẩy mạnh phong trào TDĐKXDĐSVH ở miền núi”

Kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở miền núi đã cho thấy, bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế, đã góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng đi lên. Trình độ dân trí được nâng cao, nếp sống, nếp nghĩ của bà con đã từng bước thay đổi. Nhiều lễ hội dân gian đã được khôi phục và gìn giữ, các yếu tố tích cực trong đời sống, phong tục tập quán được gìn giữ và phát huy. Vì vậy, muốn phát triển VHTT miền núi, thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với những nội dung, hành động cụ thể và thiết thực đối với đời sống đồng bào. Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố, kiện toàn và xây dựng các thiết chế văn hóa cho miền núi. Bảo tồn có chọn lọc, đổi mới và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phải phù hợp với lối sống và nếp nghĩ của bà con; trong đó, cần giữ gìn và kế thừa những nét kiến trúc truyền thống của từng dân tộc, tránh tình trạng xây dựng tùy tiện, đánh mất không gian văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.

 

ÔNG NGUYỄN PHÚC ĐỈNH, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KẾ HOẠCH - ĐẦU TƯ:

“Cần tránh tình trạng lãng phí khi nhà văn hóa không có người tới”

Điều đáng chú ý là tại sao, đối với các xã miền núi, các nhà văn hóa thôn, làng lại phát huy hiệu quả hoạt động, trong khi các nhà văn hóa xã lại không phát huy được; thậm chí, có nhà văn hóa không hoạt động và chuyển mục đích sử dụng. Nguyên nhân dẫn đến nhà văn hóa xã, điểm bưu điện văn hóa xã ở miền núi hoạt động ít hiệu quả là khoảng cách xa dân cư, các hoạt động chưa thiết thực và phù hợp với cộng đồng. Trong khi đó, các nhà văn hóa thôn, làng ngày càng thể hiện ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đến nay, bằng sự đóng góp của nhân dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng được 50 nhà văn hóa thôn, làng tại các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, với tổng số vốn 7,5 tỉ đồng. Các nhà văn hóa thôn, làng miền núi đã đi vào hoạt động thường xuyên; đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ VHTT trực tiếp của cộng đồng dân cư; phù hợp với nhu cầu, tập quán cộng đồng. Từ đó, yêu cầu đặt ra với chúng ta hiện nay là cần xây dựng và tạo được những thiết chế văn hóa cơ sở có đặc thù riêng, quy mô phù hợp với từng vùng, miền, cụm dân cư, từng dân tộc; tránh tình trạng lãng phí.

  • Hoài Thu(Ghi)
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăm Di tích Nhà lao Phú Quốc  (02/09/2007)
Trở lại vùng đất anh hùng  (02/09/2007)
Tìm hướng phát triển văn hóa - thông tin miền núi  (02/09/2007)
“Bộ khôn bằng ngựa...”  (02/09/2007)
Chủ động phòng chống lụt bão cho hệ thống đê sông, đê biển  (02/09/2007)
Sau hơn 1 năm vẫn chưa được xử lý rốt ráo  (02/09/2007)
Tôi vẫn tiếp tục công việc “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật  (02/09/2007)
Thuê máy tập thể dục  (02/09/2007)
Có một thứ nước uống tên là cà phê  (02/09/2007)
Thơ  (02/09/2007)
Nỗi nhớ  (02/09/2007)
Khúc mưa  (02/09/2007)
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)
Trộm 32 chiếc xe đạp vì mê trò chơi điện tử  (02/09/2007)
Mùa live show đang nóng  (02/09/2007)